Trung Quốc tuyên bố trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và hy vọng rằng kế hoạch hòa bình mà họ đề xuất, trong đó Bắc Kinh đóng vai trò trung gian hòa giải, sẽ củng cố lập trường đó.
Nhưng Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hôm 9/5 đã thúc ép Trung Quốc phải có lập trường rõ ràng trong cuộc chiến, nói rằng “trung lập có nghĩa là đứng về phía kẻ gây hấn”.
Bà Baerbock đưa ra bình luận trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, người đang có chuyến thăm tới Berlin, Đức, và sau đó sẽ sang thăm các nước châu Âu khác, gồm Pháp và Na Uy.
Lập trường rõ ràng
Ngoại trưởng Đức cho rằng Trung Quốc – với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UNSC) – có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine “nếu họ quyết định làm như vậy”.
“Cuộc chiến này sẽ kết thúc ngay lập tức nếu Nga ngừng bắn tên lửa vào Ukraine và rút binh lính khỏi Ukraine”, bà Baerbock cho biết tại cuộc họp báo. “Mặt khác, nếu Ukraine ngừng bảo vệ người dân Ukraine, thì Ukraine sẽ kết thúc. Và tôi không nghĩ đó là lợi ích tốt nhất của bất kỳ thành viên nào của UNSC”.
Ngoại trưởng Đức cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc rằng “sự trung lập” trong xung đột ở Ukraine đồng nghĩa với việc đứng về phía Nga, thúc ép Bắc Kinh phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt xung đột.
“Trung lập có nghĩa là đứng về phía kẻ gây hấn”, bà Baerbock nói. “Và đó là lý do tại sao nguyên tắc chỉ đạo của chúng tôi là làm rõ rằng chúng tôi đứng về phía nạn nhân”.
Đáp lại, ông Tần cho biết, Trung Quốc “đang hành động vì hòa bình và đàm phán”, nhấn mạnh rằng cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc xung đột phức tạp nên được phân tích với “sự tỉnh táo” hơn là “cảm xúc”.
Theo ông, cách tiếp cận đúng là duy trì lý trí và tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị. Trung Quốc đã không tạo ra xung đột hoặc tham gia vào cuộc xung đột. Trung Quốc là nước ủng hộ hòa bình. Trung Quốc hy vọng Đức có thể đóng vai trò hàng đầu trong việc xây dựng một khuôn khổ an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững cho châu Âu.
Đặc phái viên của Trung Quốc tại châu Âu dự kiến cũng sẽ sớm tới thăm lại Ukraine, ông Tần cho biết.
Phản ứng mạnh mẽ
Trong cuộc hội đàm tại Berlin hôm 9/5, hai nhà ngoại giao hàng đầu của Đức và Trung Quốc cũng thảo luận về các biện pháp trừng phạt có thể có đối với các công ty của quốc gia Đông Á.
Các nước phương Tây đã cáo buộc Bắc Kinh hỗ trợ chính trị và vật chất cho Nga kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022. Liên minh châu Âu (EU) hiện đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty bị phát hiện cung cấp các thành phần quan trọng cho ngành công nghiệp vũ khí của Nga.
Theo các tài liệu mà Politico được tiếp cận, Ủy ban châu Âu (EC) đã bổ sung 8 công ty Trung Quốc vào dự thảo gói trừng phạt sắp tới. Các công ty này, 6 trong số đó có trụ sở chính tại Hồng Kông, được coi là đã lách lệnh trừng phạt của EU đối với việc mua sắm hàng hóa lưỡng dụng của Nga, bao gồm cả vi mạch.
Về phần mình, ông Tần cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ phản ứng mạnh mẽ nếu EU trừng phạt các công ty Trung Quốc bị cho là có vai trò trong việc hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
“Về xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng, chúng tôi tiến hành theo quy định và luật pháp… Các doanh nghiệp Trung Quốc và Nga có sự trao đổi và hợp tác bình thường, điều này sẽ không bị ảnh hưởng”, ông Tần nói với các phóng viên trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin.
“Chúng tôi kiên quyết phản đối một số quốc gia, một số khối quốc gia sử dụng cái gọi là luật pháp của họ để thực thi các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ phản ứng theo những cách cần thiết”, Ngoại trưởng Tần cảnh báo.
Tuy nhiên, bà Baerbock đã bác bỏ lời cảnh báo. Bà nói với ông Tần: “Chúng tôi, với tư cách là Liên minh châu Âu, đang xem xét các biện pháp rất có mục tiêu… để đảm bảo rằng hàng hóa bị trừng phạt và hàng hóa lưỡng dụng không rơi vào tay kẻ xấu”.
“Điều này không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào mà liên quan đến những hàng hóa cụ thể bị trừng phạt. Nhưng chúng tôi mong muốn tất cả các quốc gia và cả Trung Quốc sẽ gây ảnh hưởng thích hợp lên các công ty của họ theo nghĩa đó”, nhà ngoại giao Đức giải thích.
Quan hệ căng thẳng
Căng thẳng đang gia tăng trong mối quan hệ giữa Berlin và Bắc Kinh, bao gồm cả sự việc mới nổi lên đầu tuần này.
Hôm 8/5, Trung Quốc đã hủy chuyến thăm trong tuần này của Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner tới nước này vào phút chót, gây ra suy đoán rằng điều này có thể liên quan đến lập trường của ông Lindner và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) của ông đối với Trung Quốc và quan hệ với Đài Loan – hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Bà Baerbock nhắc nhở người đồng cấp Trung Quốc rằng, với quan điểm hướng tới các cuộc tham vấn chính phủ Đức-Trung đã được lên kế hoạch vào ngày 20/6 tới, điều quan trọng là thiết lập các mối liên hệ trực tiếp và đối thoại giữa các Bộ trưởng của hai nước.
Ông Tần lập luận rằng chuyến thăm bị hoãn vì “lý do kỹ thuật”, do Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn phải thay đổi lịch trình khẩn cấp, và nói rằng vấn đề không nên được giải thích quá mức. Ông nói thêm rằng ông Lindner vẫn được hoan nghênh đến thăm Trung Quốc càng sớm càng tốt.
Bộ trưởng Giáo dục Đức Bettina Stark-Watzinger, một thành viên của Đảng FDP do ông Linder lãnh đạo, đã khiến Bắc Kinh tức giận với chuyến thăm Đài Loan của bà hồi tháng 3.
Bản thân ông Linder hôm 9/5 cho biết, Đức nên có cách tiếp cận “ít mềm mỏng hơn” trong các giao dịch với Trung Quốc.
Minh Đức (Theo DW, Politico.eu, CGTN)