Mất điện do thiếu than đang đe dọa nền kinh tế thứ hai thế giới. Các chuỗi cung ứng được tăng cường, sự bùng nổ tiêu thụ hậu Covid-19 và các mục tiêu giảm phát thải đều được cho là nguyên nhân.
Ngoài ra, việc Bắc Kinh áp đặt lệnh cấm không chính thức đối với than từ Úc, một trong những nhà cung cấp than lớn nhất cho Trung Quốc, càng làm tình hình tệ hơn.
Tờ Wall Street Journal đưa tin trong tuần này, giá than đã tăng gần 4 lần trong vòng 12 tháng qua, đạt mức cao kỷ lục.
Để đảm bảo cung cấp điện và nhiên liệu cho người dân sưởi ấm mùa đông này, Chính phủ Trung Quốc đã mở lại hàng chục mỏ than và phê duyệt một số mỏ mới.
Các nhà phân tích cho biết, Chính phủ cũng đã kêu gọi tăng nhập khẩu than “một cách thích hợp” lên mức ngang bằng với năm ngoái, sau khi nhập khẩu giảm gần 10% trong 8 tháng đầu năm.
Nước này thậm chí đã giải phóng than Úc khỏi kho ngoại quan, bất chấp lệnh cấm nhập khẩu không chính thức kéo dài gần một năm đối với loại nhiên liệu hóa thạch này.
Và trong công cuộc tìm kiếm các nguồn cung mới, Trung Quốc sẵn sàng viện đến ngay cả những kênh nhập khẩu gián tiếp nhất và các nguồn cung hy hữu như Kazakhstan và Mỹ.
Mua nhiều than hơn từ Kazakhstan
Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới. Còn “người hàng xóm” Kazakhstan là một trong số những nước có trữ lượng than lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, hai bên chưa bao giờ thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh buôn bán những mặt hàng tương tự như bây giờ, phần lớn là do chi phí vận chuyển bằng đường sắt quá tốn kém.
Nhưng tình hình đã thay đổi.
Tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, đã nhận được lô hàng than nhiệt Kazakhstan đầu tiên trong tuần này. Đây là loại than được sử dụng trong các nhà máy điện.
Để giao được hàng, Kazakhstan – quốc gia không giáp biển lớn nhất Trung Á – phải tìm mọi cách để tối ưu tuyến đường vận chuyển hàng.
Đầu tiên, lô hàng được gửi đi ít nhất 1.000 km, qua đường bộ tới một cảng trên Biển Đen ở Nga. Tiếp đó, một tàu chở hàng cỡ lớn đợi ở đó đã tiếp nhận lô than 136.000 tấn. Tàu hàng này đã rong ruổi trong một hành trình vượt qua 15.000 km trong 30 ngày để đến Chiết Giang, Bloomberg đưa tin.
“Trung Quốc nói chung đã mua nhiều than nhiệt và luyện cốc hơn từ Kazakhstan kể từ đầu năm, do việc cắt điện diễn ra thường xuyên hơn và nguồn cung than cũng giảm dần”, tờ South China Morning Post đưa tin ngày 5/10.
Nhưng Trung Quốc mua bao nhiêu than từ Kazakhstan là một điều bí ẩn. Các số liệu mà hai bên cung cấp cho cơ sở dữ liệu thống kê thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc không khớp với nhau.
Trong khi Kazakhstan báo cáo đã vận chuyển 28,5 triệu kg than sang Trung Quốc trong năm 2016, trong khi Trung Quốc cho biết chỉ nhận được 10,5 triệu kg. Năm 2019, năm cuối cùng có dữ liệu đầy đủ, Kazakhstan nói với Liên Hợp Quốc rằng họ đã bán cho Trung Quốc 39 triệu kg than, còn Trung Quốc cho biết họ đã mua 150 triệu kg.
Tăng công suất các mỏ trong nước “ngay lập tức”
Trung Quốc không chỉ là nước tiêu thụ than lớn nhất mà còn là một nhà sản xuất than hàng đầu thế giới với hai trung tâm sản xuất lớn nhất là Sơn Tây và Nội Mông.
Giới chức Trung Quốc đã yêu cầu 72 mỏ khai thác ở Nội Mông tăng sản lượng than thêm gần 100 triệu tấn trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện và thiếu than tồi tệ nhất trong nhiều năm.
Động thái này là nỗ lực mới nhất của cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm thúc đẩy nguồn cung than khi giá than đang ở mức cao kỷ lục và khủng hoảng thiếu điện đã dẫn đến tình trạng phải phân bổ điện năng hạn chế trên khắp cả nước, làm suy giảm sản lượng công nghiệp.
Mức tăng được đề xuất sẽ chiếm gần 3% tổng lượng tiêu thụ than nhiệt của Trung Quốc.
Trong một thông báo khẩn cấp ra ngày 7/10, cơ quan năng lượng khu vực Nội Mông đã yêu cầu các thành phố Wuhai, Ordos và Hulunbuir, cũng như Xilingol League, thông báo cho 72 mỏ địa phương rằng họ có thể hoạt động với công suất cao hơn quy định ngay lập tức, miễn là đảm bảo an toàn sản xuất.
Đại diện cơ quan chức năng khu vực Nội Mông đã xác nhận thông báo, nhưng từ chối cho biết việc thúc đẩy sản xuất sẽ được phép kéo dài trong bao lâu.
Một thương nhân tại Bắc Kinh ước tính việc thúc đẩy sản lượng có thể mất đến 2-3 tháng để thành hiện thực.
“Điều này chứng tỏ chính phủ nghiêm túc trong việc tăng sản lượng than địa phương để giảm bớt sự thiếu hụt”, vị thương nhân này cho biết.
72 mỏ được Cục năng lượng Nội Mông điểm danh, hầu hết là mỏ lộ thiên, trước đây có công suất cho phép hàng năm là 178,45 triệu tấn.
Mức công suất được đề xuất tăng thêm sẽ là 98,35 triệu tấn, theo tính toán của Reuters.
“Nó sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu than nhưng không thể giải quyết triệt để vấn đề này, Lara Dong, giám đốc cấp cao của IHS Markit, cho biết. “Chính phủ sẽ cần áp dụng hệ thống phân bổ điện năng để đảm bảo cân bằng thị trường điện và than trong mùa đông”.
Dự trữ than tại các cảng lớn của Trung Quốc ở mức 52,34 triệu tấn vào cuối tháng 9, trước kỳ nghỉ lễ quốc khánh kéo dài một tuần bắt đầu vào ngày 1/10, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu do Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc tổng hợp.
Trong khi đó, tiêu thụ than đang tăng lên khi khu vực Đông Bắc Trung Quốc đã bắt đầu mùa sưởi ấm mùa đông, với các nhà máy điện lớn có kho dự trữ cho khoảng 10 ngày sử dụng, giảm so với hơn 20 ngày của năm ngoái.
(Theo Eurasianet, The Guardian)