Trung Quốc: Siêu đập công suất gấp 3 lần đập Tam Hiệp gây ảnh hưởng ra sao với Ấn Độ?

Chủ nhật, 13/07/2025 18:52

Siêu đập thủy điện do Trung Quốc phê duyệt xây dựng có những tác động tích cực và cả những ảnh hưởng khách quan đến vùng hạ lưu ở Ấn Độ, một nghiên cứu mới cho biết.

img

Đập thủy điện Tam Hiệp ở Trung Quốc xả lũ vào ngày 15/7/2024. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tại cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc, một siêu đập sắp được xây dựng trên dòng sông Yarlung Tsangpo – con sông chảy xiết qua địa hình núi non hiểm trở. Siêu đập này dự kiến tạo ra lượng điện gấp 3 lần đập Tam Hiệp, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP).

Tuy nhiên, các chính trị gia Ấn Độ – quốc gia nằm ở hạ lưu con sông – đã bày tỏ lo ngại rằng siêu đập của Trung Quốc có thể trở thành một “quả bom nước”, làm trầm trọng thêm tình trạng lũ lụt vào mùa mưa, hoặc rút cạn nguồn nước trong mùa khô.

Kể từ khi Bắc Kinh phê duyệt dự án này vào tháng 12 năm ngoái, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra, nhưng chưa có bằng chứng cụ thể về tác động của siêu đập với vùng hạ lưu ở Ấn Độ.

Những yếu tố tích cực

Một nghiên cứu mới do Đại học Hợp Hải và Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc thực hiện cho thấy ảnh hưởng của con đập đối với sông Yarlung Tsangpo có thể trái ngược với lo ngại từ phía Ấn Độ.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ hai con đập lớn đã hoạt động ở thượng nguồn là Zangmu và Jiacha. Dữ liệu được đo từ năm 2014 tại các trạm thủy văn hạ lưu cho thấy kết quả là lượng nước trong mùa khô đã tăng lên.

Lưu lượng nước thấp trong tháng 2 đã tăng hơn 50%. Mực nước dâng đáng kể trong suốt mùa khô thậm chí còn đảo ngược lo ngại của Ấn Độ về mối lo hạn hán.

Trong khi đó, lũ lụt cũng giảm bớt, với lưu lượng đỉnh điểm giảm 2%. Vào tháng 8, giai đoạn có nguy cơ lũ lụt cao nhất, mực nước vẫn duy trì ở mức vừa phải.

Tiềm năng thủy điện lớn thứ hai ở Trung Quốc

Sông Yarlung Tsangpo, nằm ở phía đông nam cao nguyên Thanh Tạng, có tiềm năng thủy điện khổng lồ, chỉ đứng sau sông Dương Tử tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, hoạt động xây dựng đập tại Tây Tạng diễn ra muộn hơn so với các khu vực khác, theo nhóm nghiên cứu do ông Trương Kiến Vân (Zhang Jianyun), chuyên gia hàng đầu về an toàn đập của Trung Quốc dẫn dầu.

“Khí hậu khắc nghiệt, hạn chế công nghệ, khó khăn kinh tế và yếu tố chính trị từng cản trở việc xây dựng các hồ chứa quy mô lớn tại khu vực cao nguyên này”, ông Trương nói.

img

Sông Yarlung Tsangpo bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc). Khi chảy vào Ấn Độ và hợp lưu với một số nhánh sông lớn, nó được gọi là Brahmaputra. Ảnh: OWP.

Với chiến lược “truyền tải điện từ Tây sang Đông”, hoạt động phát triển thủy điện hiện nay đang bùng nổ. Cùng với đó, ảnh hưởng đến môi trường cũng gia tăng.

“Nghiên cứu về cách các hồ chứa hoạt động trong môi trường băng giá cực độ ảnh hưởng đến chế độ thủy văn và nhiệt độ ở hạ lưu vẫn còn hạn chế, do thiếu dữ liệu quan trắc dài hạn”, ông Trương, hiện là giám đốc cơ quan nghiên cứu biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, nhận định.

Yếu tố khách quan

Nhóm nghiên cứu của ông Trương cũng ghi nhận một số dấu hiệu đáng lo ngại, nhưng nhiều khả năng bắt nguồn từ hiện tượng nóng lên toàn cầu chứ không hoàn toàn do các đập thủy điện.

Băng tan góp phần lớn vào lượng nước đổ về sông Yarlung Tsangpo từ tháng 6 đến tháng 10 còn không khí ấm lên với mức tăng 0,05°C mỗi năm tại khu vực.

Ngoài ra, nhiệt độ nước trên sông đang thay đổi bất thường: vào các tháng lạnh, nước sông lạnh sâu hơn; còn trong những tháng ấm, nước nóng hơn – điều này ảnh hưởng rõ rệt đến các loài cá.

“Dưới tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, việc Trung Quốc điều phối hai hồ chứa Zangmu và Jiacha trên sông Yarlung Tsangpo phần nào khiến nước ở hạ lưu thay đổi nhiệt độ chậm hơn và không còn theo quy luật tự nhiên”, nhóm nghiên cứu do ông Trương dẫn đầu, cho biết.

Các ảnh hưởng khách quan khác gồm lưu lượng lũ đỉnh giảm, còn dòng chảy mùa khô tăng, gây biến đổi hệ sinh thái sông, phá vỡ môi trường sống và chu kỳ sinh sản của các loài thủy sinh.

“Các phát hiện mới sẽ cung cấp cơ sở quan trọng để duy trì sức khỏe hệ sinh thái sông và tối ưu hóa quản lý tài nguyên nước tại lưu vực sông Yarlung Tsangpo trong tương lai”, nhóm nghiên cứu kết luận.

Đăng Nguyễn - SCMP

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.