Các nhà chức trách Trung Quốc đang xem xét đề xuất tái cấu trúc Tập đoàn bất động sản Evergrande, theo đó sẽ bán phần lớn tài sản của nhà phát triển này.
Đề xuất tái cơ cấu do các quan chức tỉnh Quảng Đông, nơi đặt trụ sở chính của Evergrande, đã được đệ trình lên chính quyền Bắc Kinh. Theo đó, đề xuất kêu gọi nhà phát triển bán hầu hết tài sản, ngoại trừ các đơn vị quản lý tài sản và đơn vị xe điện được niêm yết riêng. Một nhóm được dẫn dắt bởi công ty quản lý nợ xấu thuộc sở hữu nhà nước China Cinda Asset Management Co sẽ tiếp quản các tài sản bất động sản chưa bán được.
Các liên doanh quản lý tài sản và xe điện của Evergrande, với tổng giá trị thị trường gần 9 tỷ USD, sẽ được giữ nguyên theo đề xuất nhưng cũng có thể được bán vào một ngày sau đó. Một tài khoản ủy thác sẽ được thiết lập cho những tài sản này để cung cấp các biện pháp bảo vệ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nếu được chấp thuận, kế hoạch này trên sẽ đánh dấu bước tiến lớn của Chính phủ Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của Evergrande làm chao đảo thị trường tài chính. Tiền thu được từ việc bán tài sản sẽ dùng để thanh toán cho các chủ nợ.
Trước đó, những nhà quản lý cấp cao của Trung Quốc đã nhiều lần cho biết rủi ro nợ tại Evergrande và các công ty bất động sản đang gặp khó khăn khác cần xử lý theo cách "định hướng thị trường". Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Ba (25/1) cảnh báo rằng tình trạng suy thoái nhà ở của Trung Quốc là một trong những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Hôm thứ Tư (26/1), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết có khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng 3 tới và tái khẳng định kế hoạch chấm dứt việc mua trái phiếu. Ông Alvin Cheung, phó giám đốc công ty tài chính Prudential Brokerage Ltd, nhận định: “Khi FED có dấu hiệu tăng lãi suất sẽ gia tăng áp lực lên nguồn tài chính của các công ty bất động sản Trung Quốc có tỷ lệ đòn bẩy cao và nhiều nợ nước ngoài”.
Trong một tuyên bố hôm thứ Tư (26/1), nhà phát triển cho biết họ có kế hoạch đưa ra một đề xuất tái cấu trúc sơ bộ trong sáu tháng tới. Trước đó, Evergrande đã kêu gọi sự kiên nhẫn và yêu cầu các chủ nợ nước ngoài không thực hiện các hành động pháp lý quá khích, sau khi một nhóm chủ nợ cho rằng công ty đã không thực sự tham gia các nỗ lực tái cơ cấu. Evergrande có kế hoạch thuê thêm cố vấn pháp lý và tài chính để "theo sát" yêu cầu của các chủ nợ.
Nhà phát triển đã lần đầu bị xếp hạng là phá sản vào tháng 12/2021 do bỏ lỡ các khoản thanh toán trái phiếu. Khi đó, Evergrande đã thành lập một ủy ban quản lý rủi ro gồm bảy thành viên nhằm tích cực tham gia đàm phán với các chủ nợ. Ban hội thẩm bao gồm các nhà quản lý cấp cao từ Công ty quản lý tài sản Cinda (Trung Quốc) và các doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Quảng Đông. Evergrande cũng đã bổ nhiệm Chủ tịch China Cinda (HK) Holdings Co làm giám đốc không điều hành.
Từng là nhà phát triển hàng đầu của Trung Quốc tính theo doanh số bán hàng, Evergrande hiện đang mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng thanh khoản, với gánh nợ lên tới 300 tỷ USD sau khi nước này siết chặt giới hạn vay nợ bằng chính sách “ba lằn ranh đỏ” ban hành hồi tháng 8/2020.
Cuộc khủng hoảng tiền mặt Evergrande đã trở thành tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu, làm dấy lên những quan ngại rằng sự sụp đổ của nhà phát triển có thể châm ngòi cho bất ổn tài chính và kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong đó lĩnh vực bất động sản vốn chiếm khoảng 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Hà Thanh (theo Bloomberg, Metro.us)