Chiều 30/8, VKSND Tp.Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Đỗ Xuân Toản (SN 1973, ở quận Nam Từ Liêm) về tội Giết người.
Theo cáo trạng, khoảng 19h tối 10/3/2021, Toản đến quán trà đá của anh N.H.H (SN 1985), ở phố Cầu Cốc ngồi uống nước. Gọi 1 cốc trà đá, nhưng khi thấy anh H. pha cốc trà đặc, Toản tỏ thái độ khó chịu và 2 bên xảy ra mâu thuẫn.
Lời qua tiếng lại, chủ quán trà đá và khách cãi vã. Trong lúc bực tức, Toản cầm cốc nước đập xuống đường làm vỡ rồi đứng dậy, ra lấy xe máy bỏ về nhà.
Về tới nhà, gã lấy lại hung khí rồi quay lại quán nước nhà anh H., đứng chửi chủ quán nước, rồi lấy dao xông tấn công anh H.. Thấy vậy, anh H. cũng cầm điếu cày chống trả và bị Toản đâm tử vong.
Nhận được tin báo, Công an quận Nam Từ Liêm đã phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an Hà Nội khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thu thập dấu vết và chứng cứ.
Về phía Toản, sau khi gây án, đến 00h30 ngày 11/3, anh ta đến Công an quận Từ Liêm đầu thú.
Đáng chú ý, trước khi gây ra vụ giết người, năm 1993, Toản bị TAND Tối cao tuyên phạt án 54 tháng tù vì tội Cướp tài sản.
Hiện, vụ việc đang được tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Đừng để mâu thuẫn nhỏ gây nên hậu quả lớn
Trong những năm gần đây, tỷ lệ các vụ trọng án xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt hằng ngày đang ngày càng gia tăng. Chỉ vì thiếu kiềm chế, hay bột phát nóng nảy, không nhận thức được tính nguy hiểm của lời nói và hành vi dẫn tới gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, chính vì nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ mà công tác ngăn chặn cũng gặp vô vàn khó khăn. Bởi vì từ thời điểm phát sinh mâu thuẫn đến khi gây án chỉ trong vài giờ. Do vậy, chính bản thân mỗi chúng ta cần phải nhận thức rõ về pháp luật, có trách nhiệm với chính cuộc sống của mình để không đi vào con đường sai trái.
Đồng thời, các cơ quan, ban ngành phối hợp để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, đạo đức, lối sống và ý thức phòng ngừa tội phạm; kết hợp giữa tuyên truyền chung và tuyên truyền cá biệt với nhóm đối tượng có nguy cơ cao phạm tội giết người; xây dựng các hình thức tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ pháp luật, tư vấn xử lý các tình huống, hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể xã hội, mô hình hòa giải ở cơ sở, vai trò người có uy tín trong hòa giải các mâu thuẫn, không để phát sinh tội phạm.
Lực lượng công an cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ phải nâng cao hơn nữa ý thức giáo dục con cái, kịp thời chấn chỉnh khi các em có dấu hiệu bê tha rượu chè, bài bạc…Ở góc độ xã hội, thì các ban, ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cách ứng xử văn hóa, nhẫn nhịn nhau giữa những người hàng xóm, láng giềng. Và hơn ai hết, bản thân mỗi người ngoài việc chấp hành pháp luật, cần bình tĩnh, xem xét lợi hại để tự mình kiềm chế trước khi gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Han (t/h từ Vietnamnet, Công an Tp.HCM, Báo Nghệ An)