TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Đàn ông khôn ngoan nên nghe lời vợ mình”

TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Đàn ông khôn ngoan nên nghe lời vợ mình”

Thứ 3, 27/06/2017 | 17:32
0
“Với tôi thì phụ nữ luôn đúng và đàn ông khôn ngoan thì trong những lúc quyết định nên lắng nghe lời khuyên từ bạn đời của mình” – người từng thành lập ngân hàng của người Việt đầu tiên tại Mỹ tâm sự.

 

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu là một Việt kiều Mỹ, là người Việt Nam đầu tiên thành lập ngân hàng tại Mỹ với tên First Vietnamese - American Bank (FVAB) tạm dịch là Đệ nhất ngân hàng Việt Mỹ. FVAB có vốn pháp định khởi đầu là 15 triệu USD (mặc dầu huy động được 33 triệu USD), do ông Hiếu làm đồng chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc. Cho đến nay, ông đã có gần 40 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính ngân hàng và quay trở về Việt Nam được 8 năm.

Ngoài việc là thành viên hội đồng quản trị, cố vấn cấp cao của nhiều ngân hàng thương mại, TS Nguyễn Trí Hiếu còn có những đóng góp nhất định cho ngành ngân hàng Việt trên cương vị là một chuyên gia tài chính – ngân hàng độc lập.

Trong một chiều cuối tuần Sài Gòn đầy nắng, vị chuyên gia dày dạn kinh nghiệm đã có những chia sẻ thân tình với PV Báo Đời sống & pháp luật về chuyện đời, chuyện nghề, về lần khởi nghiệp trên đất khách cách đây hàng chục năm.

Tài chính - Ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu: “Đàn ông khôn ngoan nên nghe lời vợ mình”

 Tiến sĩ, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu

PV: Thưa ông, câu chuyện “khởi nghiệp” ngành ngân hàng với số vốn 33 triệu USD huy động được khởi đầu có gì khác so với thời nay không?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Khởi nghiệp thì ngành nào hay thời nào cũng khó khăn như nhau thôi (cười). Tuy nhiên, việc mở một ngân hàng khác hoàn toàn với việc thành lập một doanh nghiệp bình thường, đặc biệt việc xin giấy phép hoạt động là trở ngại lớn nhất. Ngân hàng là một ngành đặc thù đảm trách việc luân chuyển tiền tệ và an ninh tiền tệ của một quốc gia. Vì thế mà chính phủ các quốc gia đều có quy chế riêng cho ngành ngân hàng để bảo vệ ngành này và cấp những đặc quyền cho ngành này.

Chính vì được hưởng một quy chế với những đặc quyền và uy tín cao mà nhiều nhà đầu tư luôn ước mơ “mở ngân hàng’’. Trong khoảng hơn 40 năm nay khi nhiều cộng đồng người Việt được hình thành tại hơn 100 quốc gia, phần lớn tập trung tại Mỹ, Âu Châu và các nước phát triển mạnh tại Á Châu, nhiều doanh nhân gốc Việt tại những quốc gia phồn thịnh này đã có ý định thành lập một ngân hàng của người Việt, trong đó có một số “đại gia” sống ở Âu châu cũng có ý định thành lập ngân hàng tại Đức, Pháp, Nga… nhưng không nước nào cho phép thành lập vì truyền thống ngân hàng tại các quốc gia này không cho phép các cộng đồng người thiểu số ở xứ họ thành lập ngân hàng. Chỉ duy tại Mỹ, một quốc gia được hình thành từ các cộng đồng thiểu số đến từ mọi nơi trên thế giới, Chính phủ Mỹ lại khuyến khích các cộng đồng thiểu số thành lập ngân hàng. Tuy nhiên, tiến trình xin mở ngân hàng tại Mỹ rất khó khăn và phức tạp. Hồ sơ xin thành lập ngân hàng bao gồm báo cáo tình hình tài chính và lý lịch tư pháp của các sáng lập viên, phương án kinh doanh, và nhất là mục đích thành lập ngân hàng.

Khó khăn cuối cùng là việc huy động vốn cổ phần của những cổ đông sáng lập, là những nhà đầu tư có tiềm lực về kinh tế, có kiến thức am hiểu về ngành ngân hàng và không có “tì vết” hay án tích trong quá khứ. Ngoài ra, tương tự như các doanh nghiệp khởi nghiệp trong các lãnh vực kinh tế khác, các ngân hàng khởi nghiệp phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt từ các “ông lớn” đã có mặt trên thị trường hàng trăm năm trước.

PV: Gia đình đã hỗ trợ thế nào cho quyết định “khởi nghiệp” của  ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Ngay từ những năm 80 khi tôi bắt đầu xây dựng sự nghiệp trong ngành ngân hàng tại Mỹ thì tôi đã mang ý tưởng sẽ thành lập một ngân hàng cho cộng đồng người Việt tại đây. Với kế hoạch này, năm 1995 tôi về Việt Nam làm việc với tư cách là Phó tổng giám đốc ngân hàng Deutsche Bank (Đức) tại TP HCM, để tìm hiểu ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Sau gần 3 năm làm việc tại Việt Nam tôi trở lại Mỹ năm 1997 để thực hiện kế hoạch thành lập một ngân hàng của người Việt và do người Việt quản lý đầu tiên trên đất Mỹ và trên cả thế giới. Trong lúc chuẩn bị kế hoạch tôi cộng tác với Israel Discount Bank, một ngân hàng Do Thái ở Los Angeles.

Thời điểm đó, số lượng người Việt làm trong ngành này tại Mỹ rất hiếm, đặc biệt là trong đội ngũ lãnh đạo của các ngân hàng Mỹ thì người quản lý gốc Việt lại càng ít. Nhờ có kinh nghiệm thực tế và uy tín trong ngành nên khi tôi khởi động việc thành lập ngân hàng tôi đã nhận được khá nhiều sự ủng hộ từ người thân, bạn bè và nhất là cộng đồng người Việt tại Mỹ. Tôi và một số đồng nghiệp trong ngành ngân hàng đã tổ chức những “road show” đến các cộng đồng của người Mỹ, người Hàn và các cộng đồng bạn khác để gọi vốn. Kết quả là sau khi nhận được giấy phép hoạt động từ các cơ quan quản lý ngành ngân hàng của tiểu bang California và của liên bang tôi đã bán được 33 triệu USD cổ phiếu của FVAB. Tuy nhiên phải kể đến ở đây là số tiền đầu tư khởi đầu đến từ những thành viên trong ban trù bị thành lập ngân hàng bao gồm một số người trong gia đình, bạn bè thân hữu và một số đồng nghiệp, cả thảy tổng cộng khoảng gần 1.000.000 USD, được xem là “vốn mồi””. Lúc đó vợ tôi và các con ủng hộ kế hoạch này.

Tuy ủng hộ ngay từ khi ý định thành lập FVAB mới nhen nhóm nhưng vợ tôi cũng tỏ ra khá lo lắng cho những rủi ro có thể gặp phải khi tôi đem tất cả tài sản của gia đình đóng góp vào việc thành lập FVAB. Vợ tôi từng nói: “Coi chừng, anh làm ngân hàng anh đã rõ, không nên bỏ tất cả mọi quả trứng vào một giỏ. Nếu thất bại thì gia đình sẽ mất hết”. Lúc bấy giờ tôi không nghe, tôi bảo “Làm sao có chuyện đó được!” nhưng sự thực thì điều đó đã xảy ra.

PV: Vậy trong trường hợp này thì phụ nữ đúng phải không, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Đương nhiên! (cười) Với tôi thì phụ nữ luôn đúng, và đàn ông khôn ngoan thì trong những lúc quyết định, nên lắng nghe lời khuyên từ bạn đời của mình.

Năm 2005-2006 khi FVAB mới thành lập thì tôi rất tự tin do có rất nhiều người ủng hộ, kể cả những giới chức trong chình phủ tiểu bang và liên bang. Hạ viện Mỹ đã có phiên điều trần về FVAB và đã khéo tuyên truyền là việc FVAB ra đời là sự thành công của chính phủ Mỹ trong việc giúp cộng đồng này phát triển và hội nhập vào cộng đồng kinh tế chung của nước Mỹ. Nhưng khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống ngân hàng Mỹ và trên thế giới, FVAB không nằm ngoài quy luật đó, nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ tập trung cho vay bất động sản.

Nếu người Việt có thành ngữ “họa vô đơn chí” thì người Mỹ cũng có “Định luật Murphy” (Murphy's Law) vô cùng thông dụng. Nó là “Whatever may happen it will” – “Điều gì có thể xảy ra thì nó sẽ xảy ra”. Vợ tôi cũng đã từng cảnh cáo: “không nên bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ” nhưng tôi đã rót hết toàn bộ vốn liếng, tâm huyết cho Đệ nhất Ngân hàng Việt Mỹ và rồi không may đã gặp phải khó khăn không thể vượt qua sau 4 năm thành lập. Năm 2009 Hội đồng quản trị đã quyết định bán FVAB cho Green Point Bank ở Los Angeles và lỗ khá lớn. May mắn là công việc của vợ tôi là giáo sư trung học và thất bại từ FVAB không ảnh hưởng quá lớn đến kinh tế gia đình.

Sau câu chuyện FVAB, tôi đã về Việt Nam để thực hiện một mong ước khác là đóng góp trong ngành tài chính ngân hàng ở chính Việt Nam. Năm 2009 tôi trở về Việt Nam và hoạt động trong lãnh vực ngân hàng đến ngày hôm nay. Tôi có đóng góp được nhiều hay không có lẽ tôi chưa thể phán đoán, nhưng chắc một điều là tôi đã đồng hành cùng ngành ngân hàng trong 8 năm qua, một giai đoạn nhiều biến động nhất trong lịch sử hiện đại của ngành ngân hàng Việt Nam.

PV: Từ câu chuyện của mình, ông có lời khuyên nào cho các start-up Việt? 

TS Nguyễn Trí Hiếu: Đó là “Never give up!” – Không bao giờ bỏ cuộc. Có hơn 90% doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ thất bại ngay trong 3 năm đầu tiên, và thực sự may mắn nếu bạn nằm trong 10% còn lại. Có hàng loạt khó khăn như thiếu vốn, thị trường, quản lý, qui định pháp luật… sẽ đánh gục những doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng. Nhưng khi đã xắn tay vào làm phải luôn nghĩ “thua keo này ta bày keo khác” và đừng bao giờ bỏ qua lời khuyên của những người xung quanh như gia đình, bạn bè. Bên cạnh đó, để chuẩn bị đối mặt với những khó khăn trước mắt, ít nhất doanh nghiệp phải có kế hoạch dài hơi cho ít nhất 3 năm đầu (kế hoạch tài chính, kế hoạch kinh doanh sản xuất, kế hoạch marketing, kế hoạch nhân sự, và kế hoạch quản lý các rủi ro). Đừng bao giờ kinh doanh theo trào lưu trong khi mình không có kiến thức, kinh nghiệp trong ngành đó.  Tôi thường chia sẻ với các bạn là hãy làm điều gì mình có thể làm tốt nhất, và tập trung vào điều đó.

PV: Quay trở lại câu chuyện về kinh doanh ngân hàng, một lãnh đạo trong ngành từng than thở: “Làm ngân hàng đi tù lúc nào không biết”, ông có suy nghĩ thế nào về vấn đề này?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đồng ý làm ngân hàng tại Việt Nam gặp rất nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro pháp lý. Tại Mỹ thì rất hiếm khi gặp phải trường hợp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân viên, lãnh đạo ngân hàng. Các cơ quan chức năng sẽ chỉ xử lý về mặt hành chính, xử phạt, rút giấy phép hoạt động… thậm chí lãnh đạo chi nhánh, bao che tội phạm rửa tiền… cũng ít khi phải ra tòa hình sự nếu không phải là những vụ rửa tiền nghiêm trọng như hổ trợ các tổ chức khủng bố quốc tế. Quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo bằng bảo hiểm tiền gửi FDIC (, trước đây là bảo hiểm cho khoản tiền 100.000USD, hiện nay đã tăng lên 250.000USD nên người gửi tiền hoàn toàn yên tâm, không sợ ngân hàng phá sản thì mình mất tiền. Mà nếu ngân hàng phá sản thì FDIC sẽ bồi thường cho khách hàng, còn các lãnh đạo và các CBNV không sợ bị đi tù nếu không vướng vào gian lận, cẩu thả hay lừa dối.

Một rủi ro mà tôi thấy trong ngành ngân hàng ở Việt Nam là cá nhân và nhiều TCTD hay có hành động gọi là “lách luật”. Người Việt Nam – cả người sống trong nước và nước ngoài - rất hiếu học, chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu và có khả năng thích ứng với hoàn cảnh rất nhanh. Đặt họ vào hoàn cảnh nào họ cũng có thể tồn tại, trải qua khó khăn, thậm chí có thể vươn lên và sức bật rất tốt. Người mình nói rất chí lý “cái khó nó bó cái khôn”. Nhưng chính cái khả năng thích hợp với hoàn cảnh này mà người mình cũng rất “sáng tạo” và trong sự sáng tạo này có cả những cách lách luật.  Trong 8 năm qua tôi nhận thấy tính tuân thủ của người Việt rất thấp, nhất là trong việc thực hiện theo luật pháp. Luật pháp cứ có quy định mới, chặt chẽ hơn thì không lâu sau đó sẽ có người nghĩ ra cách lách luật, trục lợi cho bản thân.

Điều này càng nguy hiểm hơn khi hoạt động trong ngành ngân hàng, từ trần lãi suất, tỉ giá, quy định phê duyệt tín dụng… vì mỗi một quyết định đều ảnh hưởng lớn tới tiền của ngân hàng và người dân.

PV: Hiện tại, sau khi quay trở về Việt Nam thì ông đang giữ chức vụ gì?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đã quay về Việt Nam công tác trong ngành ngân hàng được 8 năm, và trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo tại các ngân hàng như TPBank, LienVietPostBank, ABBank, Ocean Bank, Ngân hàng Xây dựng… và hiện nay là một cố vấn cấp cao cho một ngân hàng thương mại tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra tôi cũng là một cố vấn cho một chương trình tái cơ cấu của ngân hàng Agribank do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ vào năm 2013.

Làm việc tại nhiều ngân hàng như vậy, mỗi ngân hàng có những đặc thù, cơ cấu quản trị khác nhau khiến tôi trau dồi được kinh nghiệp thực tế, nhìn nhận vấn đề theo chiều sâu. Phần thưởng lớn nhất của tôi sau khi trở về Việt Nam đó là đóng góp ý kiến chuyên môn của mình cho hệ thống ngân hàng trong nước qua nhiều năm làm việc với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, và đóng góp nhận định với tất cả các thành phần kinh tế qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy rằng những đóng góp chưa được như ý nguyện nhưng tôi cũng cảm thấy mãn nguyện vì những gì mình làm được cho ngành tài chính – ngân hàng 8 năm qua. Nói tóm lại, tôi vui vì đã có cơ hội đồng hành với ngành ngân hàng trong giai đoạn nhiều biến chuyển nhất trong lịch sử đương đại của ngành ngân hàng Việt Nam.

PV: Một ngày làm việc của lãnh đạo ngân hàng như thế nào? Thu nhập theo mặt bằng chung có cao như báo chí phản ánh không, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi cũng làm việc như một cán bộ ngân hàng bình thường thôi, sáng cắp ô đi, chiều cắp cặp về (cười lớn). Công việc cụ thể thì tôi là cố vấn cấp cao cho lãnh đạo ngân hàng trong các mảng từ hội đồng tín dụng, xây dựng kế hoạch chiến lược, tôi cũng là thành viên của hội đồng ALCO (Ủy ban quản lý tài sản) của ngân hàng.

Về thu nhập thì tôi xin phép không tiết lộ cụ thể nhưng so với thu nhập ở Mỹ chắc chắn là thấp hơn rất nhiều. Khi còn làm lãnh đạo ngân hàng tại Mỹ cách đây chục năm thì con số tôi được trả là gần 200.000 USD/năm, bây giờ chỉ còn một phần. Tuy nhiên, thu nhập hiện nay phù hợp với mức sống của người Việt tại TP HCM. Tôi cũng bật mí là mỗi tháng tôi vẫn gửi tiền về hổ trợ sinh hoạt gia đình ở bên Mỹ, nên cuộc sống của tôi tại thành phố khá tằn tiện.

Lương cao không phải mục đích của tôi khi về Việt Nam mà tâm nguyện muốn đóng góp cho ngành tài chính – ngân hàng nước nhà. Tôi sinh ra và lớn lên, khởi nghiệp và phát triển sự nghiệp đều cống hiến cho ngành ngân hàng và có lẽ cho đến ngày cuối đời tôi vẫn sẽ gắn bó với ngành này. 

PV: Có kỷ niệm nào đáng nhớ khi ông sinh sống tại Việt Nam hay không?

Ngoài giờ làm thì tôi còn đến trung tâm Akido (Hiệp khí đạo) để tập và dạy vào thứ 2,4,6 hàng tuần. Đây cũng là thói quen tôi duy trì được từ khi về Việt Nam cho đến nay.

Cuộc sống ở đây khá thoải mái, thời tiết, con người và cả cách kinh doanh ở Sài Gòn có sự khác biệt rất lớn với Hà Nội. Tính tình người dân ở đây thoải mái hơn, niềm nở hơn và có phần giống với phong cách phương Tây hơn. Việc kinh doanh ở đây cũng dễ phát triển hơn, linh hoạt hơn, phù hợp với tính cách con người. Có một điều khác biệt rõ nhất đó là cách phục vụ tại các nhà hàng, các doanh nghiệp ở TP.HCM và Hà Nội, bún “mắng” và cháo “chửi” mà vào đây mở nhà hàng chắc bị dẹp tiệm chỉ sau một ngày.

Dù vậy, tôi vẫn sợ nhất là “văn hóa nhậu” của người Sài Gòn. Do mình không biết uống, uống thì được nhưng không thấy ngon nên mỗi lần được rủ đi “nhậu” thì tìm cớ để tránh. Hy vọng một ngày nào đó Sài Gòn sẽ giống như Singapore, có uống bia, uống rượu, nhưng uống để thưởng thức chứ không phải uống để “thể hiện” và gây ra những tệ nạn trong xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Liên (t/h)

 

Cùng tác giả

Nhìn lại đà tăng 14 lần của cổ phiếu VND

Thứ 4, 26/10/2022 | 09:20
VND là mã đại chúng có mức tăng mạnh nhất trong 2 năm vừa qua, xen giữa là các đợt tăng vốn liên tục, với biên độ cũng nằm trong Top đầu.

Động thái tái cơ cấu của Him Lam ở Postef

Thứ 3, 26/04/2022 | 08:25
Theo đuổi suốt 11 năm và bỏ ra gần 1.000 tỷ đồng, Him Lam Group có nhiều động lực để phát triển tổ hợp 61 Trần Phú, đồng thời duy trì, tăng tỉ lệ sở hữu tại Postef.

"Thế kẹt" của Thành Công Group ở Eximbank

Thứ 6, 18/02/2022 | 11:11
Động thái chấp thuận bà Lương Thị Cẩm Tú làm Chủ tịch Eximbank của nhóm Thành Công - Âu Lạc ít nhiều mang tới những kỳ vọng về tầm nhìn chung giữa các nhóm cổ đông.

Làm dâu ngày Tết

Thứ 4, 02/02/2022 | 13:25
Tôi từng líu ríu tay chân, sợ bình hoa đặt sai chỗ, sợ món ăn không hợp khẩu vị nhà chồng... Rồi tôi nhận ra, mâm cỗ nào cũng sẽ ngon, nếu Tết có hương vị đoàn viên.

Doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội: Ranh giới giữa tốt và vĩ đại

Thứ 2, 04/10/2021 | 10:19
Nếu chọn thu lợi 1.000 tỷ đồng từ 25 triệu kit test nhanh Covid-19 hay đánh đổi chữ Tín của một tập đoàn sở hữu khối tài sản 420.000 tỷ đồng, bạn sẽ chọn cách nào?
Cùng chuyên mục

Lợi nhuận quý I/2024 của PGBank đi lùi 24% so với cùng kỳ

Thứ 7, 20/04/2024 | 07:30
Dù đã tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro xuống 42 tỷ đồng, giảm 17,6%, PGBank vẫn báo lãi sau thuế tương ứng đạt 92,8 tỷ đồng, giảm 23,8% so với quý I/2023.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến đấu thầu 16.800 lượng vàng SJC

Thứ 6, 19/04/2024 | 21:38
Bắt đầu 10h ngày 22/4 (Thứ Hai), Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành đấu thầu vàng miếng SJC với tổng khối lượng dự kiến là 16.800 lượng, tương đương 6,3 tạ vàng.

VIC đứng đầu đà kéo của thị trường, xuất hiện đốm sáng QCG

Thứ 6, 19/04/2024 | 15:28
Sắc đỏ bao trùm nhóm bất động sản, toàn ngành có 5 mã giảm sàn và cá biệt VIC đứng đầu đà kéo thị trường khi lấy đi 2,3 điểm. Song QCG ngược dòng tăng kịch trần.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về khoản tiền cho SCB vay

Thứ 6, 19/04/2024 | 15:28
Theo ông Đào Minh Tú, việc cho vay cung ứng tiền, dù ít hay nhiều đều có công cụ điều hòa lượng tiền đưa ra thông qua việc cho vay ngân hàng SCB.

Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng SJC vào ngày 22/4

Thứ 6, 19/04/2024 | 15:04
11 năm trước (năm 2013), Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 76 phiên đấu thầu, chào bán ra thị trường hơn 1,93 triệu lượng vàng và bán thành công hơn 1,81 triệu lượng.
     
Nổi bật trong ngày

Chủ tịch MB Lưu Trung Thái thẳng thắn trả lời về dư nợ Novaland, Trung Nam và SCB

Thứ 6, 19/04/2024 | 14:14
Khi được hỏi về dư nợ cho vay SCB, Chủ tịch MB khẳng định, ngân hàng không cho SCB vay, đây là vấn đề đã được nhắc lại rất nhiều lần.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam

Thứ 7, 20/04/2024 | 07:00
Trong 3 tháng đầu năm, Trung Quốc đã nhập khẩu 890.550 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam, tổng trị giá trên 400 triệu USD.

Lạng Sơn: Xử phạt hộ kinh doanh, tịch thu hàng hóa phụ tùng ô tô nhập lậu

Thứ 6, 19/04/2024 | 15:27
Ngày 19/4, Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn cho biết, Đội Quản lý thị trường số 6 vừa xử phạt, tịch thu hàng hóa là phụ tùng ô tô nhập lậu trên địa bàn.

Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu vàng miếng SJC vào ngày 22/4

Thứ 6, 19/04/2024 | 15:04
11 năm trước (năm 2013), Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 76 phiên đấu thầu, chào bán ra thị trường hơn 1,93 triệu lượng vàng và bán thành công hơn 1,81 triệu lượng.

Lợi nhuận quý I/2024 của PGBank đi lùi 24% so với cùng kỳ

Thứ 7, 20/04/2024 | 07:30
Dù đã tiết giảm chi phí dự phòng rủi ro xuống 42 tỷ đồng, giảm 17,6%, PGBank vẫn báo lãi sau thuế tương ứng đạt 92,8 tỷ đồng, giảm 23,8% so với quý I/2023.