Từ nhỏ Tôn Thiên Ninh (Trung Quốc) là một đứa trẻ nghịch ngợm trong mắt mọi người. Thế nhưng, bố mẹ cậu đã nhìn thấy sự khác biệt ở con trai mình. Họ hiểu rằng, mỗi đứa trẻ sẽ có cách học và lộ trình phát triển của riêng mình.
Sau khi “thả rông” con trai được tự do khám phá những điều mình thích, bố mẹ cậu cũng cảm thấy đã đến lúc phải kỷ luật cậu. Đây cũng là lúc cậu bước vào những năm cấp 2.
Theo kế hoạch ban đầu, cậu sẽ được trau dồi ngôn ngữ và tư duy cởi mở trong trường quốc tế ở cấp 1, cấp 2 và cấp 3 sẽ quay trở lại học trường truyền thống. Quyết định của mẹ cậu là chọn một “trường học tốt” thay vì một “trường học danh tiếng”.
Tôn Thiên Ninh được cha mẹ cho tự do khám phá.
Kỳ nghỉ hè năm 2018, bố mẹ tạo điều kiện cho cậu tham gia “trại hè dành cho các nhà lãnh đạo phúc lợi công cộng”. Ở đó, cậu không chỉ gặp gỡ những sinh viên đại học tài năng đến từ các trường đại học danh tiếng thế giới như Oxford và Cambridge mà còn trải qua khoảng thời gian khó quên với những nhà lãnh đạo tương lai này.
Sau trại hè, cậu đến Trường Ngoại ngữ Kaibo ở Bắc Kinh để học cấp 2.
Mẹ cậu cho biết: “Tôi chọn Kaibo vì nơi này có phương pháp giáo dục cởi mở, dạy về tư duy phản biện cũng như các môn cơ bản khác rất tốt. Trường kết hợp ưu điểm của giáo dục Trung Quốc và phương Tây”.
Từ đứa trẻ nghịch ngợm cho tới học sinh giỏi
Mẹ của Thiên Minh cho biết: “Về cơ bản thằng bé không làm nhiều bài tập về nhà vì đã làm hết bài vở trên lớp”.
Giáo viên nhận xét: “Thiên Ninh không phải học sinh chăm học nhưng lại học giỏi nhất”.
Bạn cùng lớp nói: “Bạn ấy có khả năng tập trung cực kỳ cao nên hiệu quả học tập rất tốt”.
Trên thực tế, Thiên Ninh đã đột nhiên giác ngộ về mặt khoa học. Cậu chia sẻ: “Em nghĩ Toán, Vật lý, Hoá học có mối liên hệ với nhau. Khi học, em không chỉ học thuộc lòng kiến thức trong sách giáo khoa mà còn tìm hiểu sâu hơn về những mối liên quan và thường đặt câu hỏi tại sao chúng lại như vậy”.
Cậu nói rằng, khoa học là học logic chứ không phải kiến thức. Điều rất quan trọng đối với học sinh là bạn phải có khả năng đặt câu hỏi trong sách giáo khoa và sau đó tự mình khám phá nó. Giáo viên là người hướng dẫn bạn.
Trong quá trình Thiên Ninh “phản công” và có hứng thú với học hành, sự động viên của người mẹ đóng vai trò rất quan trọng.
Câu nói: “Mẹ luôn có niềm tin vào em. Khi em bị điểm thấp, học hành sa sút, lúc nào cũng đứng bét lớp, mẹ nói chỉ cần em học hành chăm chỉ, thi không tốt cũng không sao”.
Khi đối mặt với kỳ thi tuyển sinh cấp 3, người mẹ đã nghiêm túc nói chuyện với cậu: “Sắp thi cấp 3 rồi, con có muốn thử không? Nếu con lọt vào top 5, top 10, top 20 sẽ có mức thưởng khác nhau”.
Sau khi chấp nhận thử thách của mẹ, cậu đã lao vào học hành, cuối cùng đứng thứ 2 trong lớp.
Cậu chia sẻ: “Trải nghiệm này khiến em nhận ra rằng, chỉ cần đặt mục tiêu rõ ràng, nỗ lực học tập hết mình, em sẽ đạt được”.
Kể từ đó, cậu không ngừng đặt ra những mục tiêu của bản thân, bắt đầu từ việc chưa bao giờ đạt được điểm tuyệt đối môn Toán. Vì vậy, cậu đã quyết tâm đạt được điểm tuyệt đối trong kỳ thi vào năm cuối cấp 3. Cuối cùng, cậu cũng đạt được mục tiêu này.
Cậu nói: “Quá trình này sẽ khiến bạn đột nhiên phát hiện ra khả năng của bản thân thực sự rất mạnh mẽ. Cuối cùng mình đã làm được điều đó. Từ con số 0, nếu phản công mạnh mẽ, đạt được lần đầu sẽ có lần thứ 2”.
Mẹ của Thiên Ninh là một người rất giỏi lên kế hoạch. Bà đã sớm lên kế hoạch cho con mình.
Cấp 1, trẻ em cần học ngôn ngữ, bảo vệ sự tò mò, mở mang đầu óc. Nhưng trước tính cách vô tư vô lo và có phần buông thả của con trai, bà quyết định cho con học thư pháp và tập pianon để rèn luyện tính tự giác và sự tập trung.
Từ cấp 2 tới cấp 3, Thiên Ninh luôn là người hăng hái đặt ra các câu hỏi hóc búa cho giáo viên. Trong học tập, cậu là người có tính tự giác cao, bởi cậu hiểu được rằng chỉ có kỷ luật, tự giác mới giúp mình tiến xa trên con đường học tập.
Cậu đặt ra mục tiêu học tập rõ ràng, xây dựng kế hoạch học tập chi tiết và thực hiện nghiêm túc.
Giấc mơ Oxford
Tôn Thiên Ninh đã thực sự thay đổi, đặc biệt rất thích môn Hóa học. Cậu cũng có một cái nhìn toàn cảnh về sự biến đổi của thế giới. Những tác động bất lợi của hiện tượng nóng lên toàn cầu, đặc biệt là sự tan chảy của sông băng ở các vùng cực và mực nước biển dâng cao.
Cậu nhận thức rõ mức độ nghiêm trọng của những vấn đề này, không chỉ liên quan đến cân bằng sinh thái mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển của con người.
Cậu hy vọng có thể đóng góp sức của mình vào công cuộc bảo vệ Trái đất. Để thực hiện hoá lý tưởng này, cậu không ngừng học hỏi và khám phá. Cậu cũng không ngừng thử thách bản thân và tham gia nhiều cuộc thi khác nhau. Hơn nữa, cậu còn tích cực tham dự các bài giảng, trong đó có bài giảng của giáo sư Ben Ferlinga, người đoạt giải Nobel.
Sự quan tâm và khám phá của cậu đối với học thuật cuối cùng đã gây ấn tượng với trường Đại học Oxford, họ đã gửi cho cậu lời mời nhập học.
Niềm yêu thích học tập của Tôn Thiên Ninh không thể tách rời gia đình cậu. Từ những bước đi nền tảng mà bố mẹ tạo dựng cho con trai mình, nó đã trở thành bệ phóng giúp cậu bắt đầu nhận ra giá trị của bản thân và niềm đam mê Hoá học của mình.
Phan Hằng (Theo Sohu)