Sáng 11/5/2025, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, đã chủ trì Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
15 địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung báo cáo, từ phiên họp thứ 3 đến nay, tình hình triển khai Chương trình đã có chuyển biến tích cực, rõ nét.
Các địa phương đã hoàn thành rà soát nhu cầu về nhà ở đối với ba nhóm đối tượng gồm: người có công với cách mạng, hộ nghèo – cận nghèo thuộc hai Chương trình mục tiêu quốc gia, và đối tượng thuộc Chương trình riêng.
Hiện toàn quốc có 209.000 căn nhà được xóa bỏ trên tổng số 270.800 căn đăng ký (đạt 77%), trong đó có 111.000 căn đã khánh thành và 98.000 căn khởi công.
Đặc biệt, có 15 địa phương đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó 8 địa phương mới hoàn thành trong dịp 30/4 bao gồm: Thái Nguyên, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang và Khánh Hòa.
Ba địa phương hoàn thành cả ba nhóm đối tượng là Cần Thơ, Tây Ninh và Khánh Hòa. Trong tháng 5, dự kiến có thêm 6 địa phương hoàn thành; đến cuối tháng 6, dự kiến có 37 địa phương hoàn thành chương trình và có thể tổ chức sơ kết toàn quốc.
Nguồn lực huy động cũng đạt kết quả tích cực. Đến nay đã huy động được 3.142,8 tỷ đồng, đạt 91,8% phương án huy động theo kế hoạch.
Trong đó, các nhà tài trợ đã cơ bản hoàn tất tài trợ, hai đơn vị còn lại là Tập đoàn Dầu khí và TH True Milk cam kết hoàn tất trong tháng 5/2025. Ngoài ra, xã hội hóa từ các địa phương đạt hơn 1.807 tỷ đồng; người dân đóng góp hơn 1.074 tỷ đồng cùng hàng trăm ngàn ngày công và vật liệu xây dựng.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng: Bộ Công an sẵn sàng huy động, phân công lực lượng, hỗ trợ các địa phương thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ.
Đáng chú ý, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng tích cực hỗ trợ chương trình. Bộ Công an đã vận động đóng góp xây dựng 4.444 căn nhà với tổng kinh phí 645 tỷ đồng, huy động 22.750 cán bộ, chiến sĩ với hơn 524.000 ngày công.
Bộ Công an cũng phát hiện một số địa phương còn bỏ sót đối tượng cần hỗ trợ và kiến nghị tiếp tục rà soát với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết Bộ đã phối hợp cùng các địa phương rà soát và hướng dẫn thực hiện chính sách nhà ở theo đúng Quyết định 90 của Thủ tướng. Bộ cũng đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn điều chỉnh linh hoạt các nguồn kinh phí theo các chương trình hiện hành.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy thông tin, từ đầu năm đến nay, số lượng hộ cần hỗ trợ nhà ở tăng thêm 3.580, nâng tổng số lên 95.668 hộ.
Tính đến nay, đã có gần 72% số hộ được hỗ trợ trên toàn quốc, với tốc độ thi công trong tháng 4/2025 đạt hơn 11.000 căn – một con số rất ấn tượng.
Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng khẳng định quyết tâm hoàn thành các mục tiêu trước ngày 30/6. Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng thêm 500 căn nhà mới trong thời gian tới và đề nghị các địa phương rà soát kỹ, tránh bỏ sót đối tượng cần giúp đỡ.
Bộ, ngành sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Phát biểu tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, việc triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, chủ yếu liên quan đến vấn đề kinh phí. Các cơ quan liên quan đã chủ động, tích cực phối hợp để giải quyết căn bản những khó khăn này.
Về bố trí và điều phối nguồn lực, Bộ Tài chính đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phân bổ và điều chuyển nguồn lực hỗ trợ cho Chương trình.
Đồng thời, Bộ đã trình Chính phủ Quyết định dự toán chi bổ sung kinh phí để đảm bảo các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có nội dung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và cận nghèo giai đoạn 2021–2025.
Bộ Tài chính cũng thống nhất với đề xuất cho phép các địa phương linh hoạt điều chỉnh nguồn vốn, tạm ứng từ các nguồn khác để triển khai. Trường hợp được Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính sẽ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để triển khai thống nhất tại các địa phương.
Hiện nay, chỉ còn 9 địa phương báo cáo thiếu nguồn kinh phí do phát sinh nhu cầu thực tế vượt dự kiến. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Dân tộc và Tôn giáo để xác minh, làm rõ hiện trạng, trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: "Về nguồn lực hỗ trợ, chúng ta cơ bản đã chủ động và không gặp vướng mắc lớn".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Để tháo gỡ khó khăn còn tồn đọng và đẩy nhanh tiến độ, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cũng đã đưa ra loạt kiến nghị.
Thứ nhất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kết luận chỉ đạo các địa phương phấn đấu cơ bản hoàn thành trước ngày 2/9.
Thứ hai, đề nghị các địa phương chưa phân bổ nguồn lực thì khẩn trương phân bổ nguồn lực, chủ động huy động nguồn lực để bổ sung thêm. Cân đối, hỗ trợ thêm cho các địa phương khó khăn như tỉnh Hà Giang.
Thứ ba, theo dõi, tổng hợp chung 3 chương trình về số lượng trong một tỉnh, ví dụ như Sơn La cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nhưng chương trình giảm nghèo số lượng còn lại rất lớn. Hay như Hà Giang, Quảng Nam nhìn vào số lượng tổng thể của cả 3 chương trình sẽ có bức tranh tổng thể hơn và có hướng giải quyết cụ thể hơn.
Chủ động lồng ghép dự án năm với 2 đề án còn lại để cân đối nguồn lực và theo dõi bổ sung, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh nếu có.