Điểm chuẩn năm 2021 vào đại học thế nào?
Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển theo các phương thức xét điểm học bạ, đánh giá năng lực hoặc xét tuyển kết hợp. Với diễn biến khó lường của dịch bệnh, cùng với việc các trường triển khai nhiều phương án tuyển sinh, và điểm chuẩn 2021 có xu hướng tăng, đòi hỏi những thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cần có một lộ trình học tập chỉn chu ngay từ bây giờ.
Cụ thể, năm 2021, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trường đại học đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ. Cùng với đó, thí sinh cũng có xu hướng lựa chọn phương thức này để nộp hồ sơ xét tuyển, do đó điểm chuẩn xét học bạ ở nhiều trường năm nay tăng từ 0,5-1,5 điểm.
Ngành Sư phạm Toán tiếng Anh của trường đại học Sư phạm Hà Nội có điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ ở mức gần chạm đỉnh là 29,8 điểm.
Ở trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh, ngành Sư phạm Hóa học cũng có mức điểm trúng tuyển theo phương thức xét tuyển học bạ rất cao: 29,75 điểm.
Điểm chuẩn xét kết quả học bạ vào ngành Y dao động từ 28 - 29,72 điểm.
Đối với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường có xu hướng giảm tỉ lệ xét tuyển bằng phương thức này để chủ động trong bối cảnh dịch bệnh, thêm vào đó, đề thi của một số môn có phần dễ hơn năm 2020, bài thi đạt điểm cao ở các môn tiếng Anh, Ngữ văn, Giáo dục công dân, Sinh học năm nay có số lượng nhiều, cũng là yếu tố dẫn tới việc điểm chuẩn có xu hướng tăng.
Mặc dù các trường đại học vẫn chưa công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, song, thầy Vũ Khắc Ngọc (hệ thống Giáo dục Hocmai) nhận định, nhìn vào phổ điểm thi năm nay có thể thấy, khối B gần như đi ngang so với năm ngoái, top các trường y và các ngành khối B có điểm năm ngoái từ 24 trở lên năm nay hầu như sẽ không có thay đổi nhiều.
Các ngành khối B năm trước lấy 21-23 điểm có thể sẽ tăng khoảng 0,5-1 điểm. Đối với khối A ở các ngành năm trước lấy khoảng 26 điểm trở lên thì năm nay có thể sẽ giảm 0,5 điểm.
Tuy nhiên, thầy Ngọc phân tích, các ngành năm trước lấy điểm chuẩn 22-24 điểm sẽ tăng khá mạnh, thậm chí cá biệt có thể tăng từ 2-3 điểm. Còn với khối A1 và D, vùng điểm chuẩn mà năm trước lấy 26 điểm trở lên thì năm nay phải tăng từ 1-1,5 điểm. Còn vùng 22-24 điểm năm trước có thể tăng tới 3-4 điểm.
Đồng quan điểm đó, thầy Trần Văn Năng (giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) cũng cho rằng, các trường đại học top đầu có xu hướng tổ chức các kỳ thi riêng, đồng thời có thể sẽ tăng điểm chuẩn và giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT.
Ví dụ, trường đại học Kinh tế (đại học Quốc gia Hà Nội) có tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm từ 91,67% (năm 2020) xuống 72,06% (năm 2021). Năm 2018, mức điểm chuẩn dao động từ 21,7 đến 27,05. Năm 2019, con số này đã nằm trong khoảng từ 23,5 đến 31,06 và đến năm 2020 thì tăng lên trong khoảng từ 30,57 đến 34,5.
Theo thầy Trần Văn Năng, sở dĩ có xu hướng trên là do kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay được thực hiện theo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung 2019, có hiệu lực từ tháng 7/2020. Theo đó, kỳ thi THPT Quốc gia đã được đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp THPT và đánh giá hiệu quả của chương trình giáo dục phổ thông, thay vì kết hợp với mục tiêu xét tuyển đại học, cao đẳng như trước đây.
Chiến lược cho thí sinh năm sau “rộng cửa” vào đại học
Thầy Vũ Khắc Ngọc cũng chỉ ra, điểm chuẩn qua 3 năm (2019, 2020, 2021) đều tăng. Điểm chuẩn của nhiều ngành đã tăng tới ngưỡng kỷ lục của các trường, do đó năm 2022, điểm chuẩn ít có khả năng tăng thêm nữa.
Thầy Vũ Khắc Ngọc chỉ ra một số lưu ý cho thí sinh trong năm sau.Tuy nhiên, diễn biến của dịch Covid-19 vẫn còn khó lường và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vẫn phải bám sát tình hình thực tiễn, do đó, điểm chuẩn vào các trường đại học top đầu và các ngành hot trong năm tới có thể vẫn sẽ ở ngưỡng cao. Theo đó, thầy Ngọc cho rằng, ngay từ bây giờ, học sinh 2004 nên có chiến lược học và ôn thi hợp lý và tập trung ôn luyện cho phương án tuyển sinh phù hợp ngay từ bây giờ.
Theo đó, lộ trình học cụ thể như sau: “Muốn tối ưu hóa thành quả của quá trình học tập, gia tăng cơ hội đỗ vào các trường top thì các em hãy dành thời gian khoảng 6-7 tháng đầu năm học lớp 12 để ôn luyện toàn diện kiến thức và dạng bài thường gặp trong đề thi, không phân biệt thi tốt nghiệp THPT hay kỳ thi riêng của các trường đại học”.
Song song với đó, các thí sinh cũng cần chủ động tìm hiểu, định hướng ngành, nghề và trường đại học mà mình mong muốn theo học từ sớm, theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường và cân nhắc nhiều phương án xét tuyển để điều chỉnh kế hoạch ôn luyện phù hợp.
Sau khi đã ôn luyện toàn diện kiến thức, thời gian còn lại, các thí sinh cần tập trung vào việc luyện đề, thành thạo mọi dạng bài và nên dành khoảng 3 tháng trước kỳ thi ôn luyện chọn lọc, tối đa hóa điểm số.
Trong quá trình ôn luyện, các thí sinh cũng nên sưu tầm đề thi tham khảo, đề thi chính thức qua các năm để hình dung cụ thể hơn những nội dung kiến thức cần chuẩn bị, dạng thức của câu hỏi, bài tập. Sau đó, chủ động tìm kiếm các tài liệu học có chứa các câu hỏi và bài tập tương tự để luyện tập thêm, đồng thời cần học được các phương pháp giải nhanh, rút gọn, nhằm rút ngắn thời gian làm bài thi và tăng khả năng đạt điểm tối đa.
Bên cạnh đó, thầy Năng nhắn nhủ: “Phạm vi thi và nội dung thi đã có nhiều thay đổi với độ khó được giảm bớt. Theo đó, học sinh 2004 nên cân nhắc lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp với khả năng của mình. Sau đó thiết lập mục tiêu, xây dựng lộ trình học tập cụ thể và kiên trì thực hiện”.
“Nếu đủ điều kiện, các thí sinh có thể tham gia kỳ thi riêng do một số trường đại học tổ chức”, thầy Trần Văn Năng nhấn mạnh.
Tiểu Chiến