Theo báo Ấn Độ EurAsian Times, F-4 Phantom II là mẫu máy bay chiến đấu siêu thanh được sản xuất với số lượng lớn nhất trong lịch sử. Đây là mẫu máy bay đa năng hai chỗ ngồi, hai động cơ, hoạt động tầm xa trong mọi điều kiện thời tiết.
Những chiếc F-4 Phantom II được biên chế cho hải quân Mỹ năm 1961. Do những chiếc F-4 Phantom II chứng minh được năng lực thích nghi rất tốt, Thủy quân Lục chiến (USMC) và Không quân Mỹ (USAF) cũng tiếp nhận loại máy bay này.
Giữa năm 1960, F-4 Phantom II đã trở thành mẫu máy bay chủ lực của quân đội Mỹ. Video được nhà sử học hàng không Anh Ron Eisele chia sẻ hôm 21/3, quay cảnh một chiếc F-4 rơi ngay sau khi cất cánh ở thành phố St. Louis, bang Missouri (Mỹ).
Chiến đấu cơ F-4J Phantom II của hải quân Mỹ.
Trong video, chiếc F-4 cất cánh khỏi đường băng và tăng độ cao, chuyển sang trạng thái gần như thẳng đứng. Máy bay đột ngột mất tốc độ và rơi thẳng xuống, va chạm với đường băng tạo thành quả cầu lửa khổng lồ. Khói đen bốc lên từ ngọn lửa cháy dữ dội.
Hai phi công CD “Pete” Pilcher và Harvey A. Begay kịp thời kích hoạt ghế phóng, thoát ra ngoài an toàn. Sự việc xảy ra vào ngày 20/3/1968, cách đây 55 năm, liên quan đến một chiếc F-4J vừa mới được xuất xưởng.
Theo kết quả điều tra sau đó, chiếc F-4J vừa mới ra khỏi dây chuyền lắp ráp này đã gặp sự cố kỹ thuật. Phi công Pete Pilcher có nhiệm vụ bay thử, kiểm tra chất lượng máy bay.
Khi bắt đầu cất cánh, Pilcher kéo cần điều khiển hết mức ra phía sau để lấy độ cao. Nhưng cần điều khiển sau đó bị kẹt, khiến phi công không thể hạ mũi máy bay xuống. Sau vài giây không ngừng lấy độ cao, máy bay dần mất đà và rơi không kiểm soát.
Hai phi công kích hoạt ghế phóng ở độ cao thấp nhưng may mắn không bị đe dọa tính mạng. Theo kết quả điều tra, nhóm bảo trì và lắp ráp máy bay đã bỏ quên thiết bị trong khoang lái, dẫn tới việc làm kẹt cần điều khiển. Sự cố này đã không được phát hiện cho đến khi máy bay cất cánh.
F-4 Phantom II là mẫu máy bay cỡ lớn, đạt tốc độ tối đa 2.700 km/giờ, có thể mang theo 8,4 tấn bom đạn ở 9 giá treo vũ khí, bao gồm tên lửa đối không, tên lửa đối đất và các loại bom. Các phiên bản F-4 sau này còn được trạng bị pháo M61 Vulcan để sử dụng trong trường hợp cận chiến. Phiên bản F-4J có thêm cải tiến và khí động học và radar, cũng như động cơ mới tạo ra lực đẩy mạnh mẽ hơn.
Đăng Nguyễn - EurAsian Times