Mới đây, trong một gia đình ở Bắc Kạn, 2 bà cháu tử vong, hai người còn lại nhập viện được xác định bị viêm màng não do não mô cầu.
Theo Bộ Y tế, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitides. Dựa vào đặc tính kháng nguyên polysaccarit của vi khuẩn, vi khuẩn não mô cầu được chia thành 13 nhóm huyết thanh, trong đó có 6 nhóm: A,B,C, W-135, X và Y có khả năng gây dịch.
(Ảnh minh họa).
Vi khuẩn nhóm A, B, C gây ra 90% ca bệnh. Ở các nước châu Âu và châu Mỹ La tinh vi khuẩn nhóm B, C gây bệnh là chủ yếu, trong khi đó vi khuẩn nhóm A gây bệnh chủ yếu ở châu Phi và châu Á.
Phương thức lây truyền
Lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp và các hạt nước bọt bị nhiễm vi khuẩn não mô cầu từ người bệnh sang người cảm miễn.
Triệu chứng
- Khởi phát đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, táo bón và tăng kích thích da, đau khớp/cơ, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước, lú lẫn, lơ mơ, hôn mê, co giật, liệt.
- Bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như viêm màng não tủy cấp có mủ, nhiễm vi khuẩn huyết, viêm khớp, viêm màng trong tim, chỉ có sốt và/hoặc viêm mũi họng, nhiễm khuẩn không có triệu chứng.
Biến chứng
Nhiễm trùng huyết, viêm mủ khớp, rối loạn thị giác, liệt nửa người, áp xe não, tử vong.
Nếu có biểu hiện mắc bệnh viêm màng não mô cầu, cần đưa ngay bệnh nhân tới các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm màng não mô cầu là một bệnh nguy hiểm, có khả năng năng trở thành bệnh dịch vì nó lây truyền qua đường hô hấp.
Chính vì vậy, người dân nên tiêm vắc-xin, đặc biệt là vắc-xin phòng ngừa viêm màng não mô cầu tuýp B,C dành cho trẻ từ 6 tháng trở lên và người lớn dưới 45 tuổi hoặc vắc xin ngừa viêm màng não mô cầu 4 tuýp A, C, Y, W-135 bắt đầu 9 tháng trở lên và người lớn dưới 55 tuổi.
Diệu Thu