Ca sĩ Tuấn Hưng hát tại ban công nhà riêng thu hút đông người theo dõi.
Cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang xem xét, xử lý sự việc nam ca sĩ Tuấn Hưng biểu diễn hát ở ban công nhà riêng trên phố Hàng Khay (quận Hoàn Kiếm).
Sau vụ việc trên, nhiều bạn đọc thắc mắc, người dân đàn hát tại nhà riêng có cần phải xin phép cơ quan chức năng? Hát karaoke tại nhà sẽ bị phạt trong trường hợp nào?
Trao đổi với PV về thắc mắc của độc giả, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa – Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, người dân có thể hát hò trong nhà thoải mái không cần xin phép cơ quan chức năng nếu không gây ồn ào làm ảnh hưởng đến hàng xóm và người xung quanh. Trường hợp tổ chức biểu diễn nghệ thuật thì bắt buộc phải xin phép cơ quan quản lý.
“Mọi người hát trong nhà đóng kín cửa, phòng cách âm, hoặc hát ở ban công nhưng tiếng ồn không vượt quá giới hạn cho phép, không gây ồn ào làm ảnh hưởng tới hàng xóm xung quanh thì không bị xử phạt”, luật sư Tùng cho biết.
Luật sư Tùng phân tích thêm, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Nghị định 144/2021/NĐ-CP) có quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối hành vi “Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau”.
"Như vậy, từ 22h ngày hôm trước đến 06 giờ sáng, người dân không nên hát hò gây tiếng động lớn để tránh việc bị xử phạt.
Với người dân bị ảnh hưởng bởi tiếng động lớn, hoặc việc hát karaoke của hàng xóm thì có thể báo cho UBND hoặc Công an nhân dân gần nhất để được giải quyết một cách nhanh chóng, không ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt”, luật sư Tùng khuyến cáo.
Luật sư Tùng cho biết thêm, ngoài Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người vi phạm về gây tiếng ồn cũng có thể bị xử phạt theo Điều 17 (Vi phạm các quy định về tiếng ồn), Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định 155/2016/NĐ-CP).
Đồng quan điểm, luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, nếu cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về tiếng ồn có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đến 160 triệu đồng phụ thuộc vào mức dBA tiếng ồn vượt quá bao nhiêu so với quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn, căn cứ quy định tại Điều 17, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
“Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP, trong trường hợp bị cơ quan chức năng xác định có hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị cảnh cáo.
Tuy nhiên, mức phạt sẽ tăng lên 1 triệu đồng - 5 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA.
Mức phạt có thể lên đến 160 triệu đồng, kèm hình thức phạt bổ sung đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.
Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các vi phạm; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các vi phạm” – luật sư Trần Xuân Tiền cho biết.
Gia Linh