Từ vụ "trùm" siêu xe Phan Công Khanh bị tạm giữ: Chiếm đoạt tài sản người khác bị xử lý thế nào?

Thứ 2, 10/07/2023 09:55

Sau thông tin "trùm" siêu xe Phan Công Khanh bị cảnh sát tạm giữ, nhiều độc giả thắc mắc, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị xử lý thế nào?

img

Ông Phan Công Khanh tại cơ quan công an (Ảnh: A.X.).

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã tạm giữ Phan Công Khanh (29 tuổi, quê Bến Tre, tạm trú Quận 7, TP.HCM) để phục vụ điều tra. Khanh nổi tiếng là người chơi và mua bán siêu xe với nhiều mẫu ô tô, mô tô phân khối lớn đắt tiền. Khanh biệt danh Khanh Super thường xuyên đăng tải lên mạng xã hội hình ảnh chụp cùng những mẫu xe đắt tiền như Lamborghini, Ferrari, Porsche, G63 Rolls-Royce, McLaren...

Sau thông tin Khanh bị cảnh sát tạm giữ, nhiều độc giả thắc mắc, người có hành vi lạm dụng tín nhiệm hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV về thắc mắc trên, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết: Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được Bộ luật Hình sự quy định tại điều 175 với khung hình phạt nhẹ nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm nếu phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên.

"Theo điều 175, hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Việc xác định khung hình phạt với người phạm tội sẽ căn cứ vào hậu quả của hành vi phạm tội" - luật sư Kiên nói.

Theo luật sư Kiên, để làm rõ tình tiết liên quan đến hành vi lạm dụng chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ ai là bị hại, giao dịch dân sự giữa hai bên diễn ra khi nào, hợp đồng nào hợp pháp, hợp đồng nào có dấu hiệu vi phạm, số tiền chuyển giao cho người bị tố cáo là bao nhiêu, chứng cứ nào để chứng minh có việc chuyển tiền, đồng thời làm rõ thủ đoạn chiếm đoạt tài sản ở đây là gì... từ đó làm căn cứ xác định hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.

"Quá trình điều tra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ tài sản liên quan tới vụ việc là gì, ở đâu, ai quản lý để có các biện pháp niêm phong, thu giữ, nhằm đảm bảo thi hành án về sau, tránh tẩu tán tài sản" - luật sư Kiên cho biết.

Về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Kiên cho biết: Theo điều 174, Bộ luật Hình sự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác.

"Mặt khách quan của tội này là người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, thông tin không đúng sự thật nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Chiếm đoạt tài sản được hiểu là hành vi chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản của người khác thành của mình.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ cấu thành trong trường hợp người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ đối mặt với hình phạt nhẹ nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Hình phạt cao nhất ở tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân” – luật sư Kiên nói.

Luật sư Lê Văn Kiên cho biết thêm, trong trường hợp hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản chưa đến mức xử lý hình sự thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174, Bộ luật Hình sự)

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175, Bộ luật Hình sự)

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đỗ Tuấn

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.