Đó là chia sẻ của anh Lường Văn Hậu (SN1993), trú tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La) về một trong những khó khăn trên hành trình khởi nghiệp đầy gian nan của mình.
Anh Hậu từng thi đỗ một trường Đại học ở Hà Nội. Tuy nhiên, khi học đến năm thứ 2, thấy hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, trong khi ngành mình học lại có đặc thù riêng, rất khó để xin việc khi ra trường nên anh quyết định nghỉ học giữa chừng.
Anh Hậu tận dụng chính mảnh đất và ngôi nhà gia đình anh đang ở để khởi nghiệp.
“Năm 2014, tôi về quê. Nhận thấy khu vực nơi mình ở thuộc Rừng thông Bản Áng, đang trên đà phát triển du lịch nên quyết định đi xin giấy phép mở Homestay phục vụ khách nghỉ tại nhà. Xin được giấy phép rồi nhưng bố mẹ không đồng ý nên tôi xuống Hà Nội để làm thuê lấy tiền”, anh Hậu kể.
Quyết tâm đi kiếm tiền để nuôi ước mơ khởi nghiệp, anh Hậu đã trải qua nhiều nghề khác nhau, trong đó công việc gắn bó lâu nhất của anh là làm phụ bếp với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Tích cóp được khoảng 100 triệu, có vốn, anh quyết định về quê, sửa sang lại chính ngôi nhà sàn của bố mẹ để đón khách nghỉ qua đêm với mức chi phí 50 nghìn đồng/người/đêm.
Mới đầu homestay của anh chủ yếu phục vụ khách nghỉ cộng đồng là khách phượt, tour.
“Nhà mình là nhà sàn nên chủ yếu phục vụ khách phượt, khách theo tour nghỉ cộng đồng, có thể chứa được tối đa 50 khách nghỉ một đêm. Làm được một thời gian, có vốn, mình lại mở thêm một quán ăn nhỏ phục vụ khách đến nghỉ tại nhà sàn”, anh Hậu cho hay.
Quán ăn nhỏ phục vụ khách nghỉ tại homestay.
Đi vào hoạt động được khoảng 2 năm, dịch bệnh Covid-19 lan rộng đã khiến anh Hậu gặp không ít khó khăn khi không có khách du lịch lên Mộc Châu. Anh Hậu phải trải qua rất nhiều nghề để kiếm sống.
“Ban đầu, mình và một số hộ gia đình trong khu không có doanh thu nên rủ nhau chế biến các món ăn dân tộc như pa pỉnh tộp, mắc khén, canh bon, nộm để mang ra thị trấn bán cho dân và khách. Sau đó thì trồng dâu tây”, anh Hậu chia sẻ.
Gặp khó khăn, anh Hậu đã làm các món ăn để bán.
Anh cũng bắt tay đầu tư 150 triệu để trồng hơn 1 vạn cây dâu tây trên diện tích đất 3.000m2 để phục vụ khách du lịch đến thăm quan và trải nghiệm, hái dâu tây tại vườn và nghỉ tại homestay.
Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn không được khống chế, khách du lịch không có cùng với mô hình trồng nhỏ lẻ khiến giá dâu tây xuống thấp. Lỗ lại thêm lỗ.
Liên tiếp gặp thất bại nhưng anh Hậu cũng không nản lòng, anh quay ra làm bất động sản bằng việc môi giới, mua đi bán lại một số mảnh đất quanh khu vực cho khách cần. Nhờ may mắn và đúng thời điểm, anh Hậu đã gặt hái được những thành công bước đầu.
Có vốn, anh Hậu làm mới lại homestay và xây dựng nhà hàng.
Có được số tiền lớn nhờ kinh doanh bất động sản, thấy du lịch bắt đầu phục hồi, anh Hậu bắt tay vào làm mới lại toàn bộ hệ thống homestay để đón khách với chi phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng.
Hiện tại, homestay của anh có một nhà sàn cộng đồng phục vụ từ 30-40 khách với giá 100 nghìn đồng/khách/đêm; 8 phòng bungalow đảm bảo đầy đủ tiện nghi phục vụ đối tượng khách gia đình với giá từ 400-600 nghìn đồng/phòng ngày thường, từ 700-900 nghìn đồng/phòng ngày cuối tuần và ngày lễ, Tết.
Ngoài nhà sàn cộng đồng, anh Hậu đầu tư làm thêm 8 phòng bungalow.
Ngoài ra, anh Hậu còn đầu tư xây dựng nhà hàng 2 tầng với sức chứa khoảng 200 khách, chuyên phục vụ các món ăn đặc sản Tây Bắc.
Dù hệ thống homestay của anh mới đi vào hoạt động từ tháng 9/2022 nhưng đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến nghỉ dưỡng và thăm quan, trải nghiệm. Nhờ đó, doanh thu của homestay trung bình đạt được từ 50-80 triệu đồng/tháng.
Lượng khách du lịch ngày một tăng đã giúp anh Hậu có doanh thu từ 50-80 triệu đồng/tháng.
Anh Hậu cho biết, thời gian tới, anh sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn một số hạng mục của homestay nhằm phục vụ tối đa nhu cầu của khách du lịch và phát triển hơn nữa tiềm năng du lịch tại địa phương mình.
Theo anh, chỉ có làm du lịch mới có thể vừa phát triển kinh tế gia đình vừa giới thiệu cảnh quan thiên nhiên và các món ăn truyền thống của địa phương đến với khách du lịch trong và ngoài nước.
Hồng Cảnh