Thiếu căn cứ
Tình hình dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, tuy nhiên gần đây trên một số diễn đàn mạng xã hội có thông tin rằng hút thuốc lá, thuốc lào có thể chữa được Covid-19, lý do mà họ đưa ra là bởi chất nicotine trong thuốc lá, thuốc lào có khả năng kháng nhiễm Covid-19. Chưa hết, nhiều người cũng truyền tai nhau việc xông bồ kết trong nhà cũng giúp cho việc lây truyền Covid-19 hạn chế.
Trước đó, cũng có rất nhiều các thông tin khác xoay quanh việc uống rượu bia hay ăn tỏi để phòng chống virus SARS-CoV-2.
Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM khẳng định, đây là sự hiểu nhầm nghiêm trọng: “Trước đây người ta có nghiên cứu và thấy một vài trường hợp như vậy, còn đến sau này thì các nhà khoa học đã chỉ ra rằng người hút thuốc lá có khả năng bị nhiễm Covid-19 cao hơn và bệnh nặng hơn những người không hút thuốc”.
Giải đáp về cơ chế tác động của chất nicotine khi hút thuốc lá, thuốc lào đối với khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh của đường hô hấp, bác sĩ Khanh cho biết: “Cho đến nay, tế bào đường hô hấp của những người hút thuốc lá vẫn hoạt động rất kém, không đẩy được vi khuẩn hay những tác nhân gây bệnh ra ngoài, người ta sẽ dễ mắc các biến chứng hơn.
Virus xâm nhập không ở hầu họng mà xuống dưới phổi, cũng giống như những người bị viêm phổi mãn tính, long chuyển yếu. Đường hô hấp của con người có hệ thống long chuyển, khi có vật lạ vào là phổi, phế quản sẽ đẩy ra ngoài trong khi đó những người hút thuốc lá bị mãn tính về phổi thì long chuyển sẽ yếu, không thể đẩy được vi khuẩn hay tác nhân gây bệnh ra ngoài”.
Còn về việc đốt bồ kết để xông nhà ngừa virus, vị bác sĩ này cho biết đây là phương pháp cổ từ ngày xưa, nhưng nên cẩn thận khói quá sẽ bị ngộ độc thêm. Bởi, nếu muốn xông bồ kết thì khi nào trong nhà có người bệnh chứ không thể xông ngừa virus được.
“Việc xông bồ kết trong nhà có người bệnh cho người bệnh an tâm hơn, nhưng chưa có bằng chứng bồ kết phòng ngừa virus corona”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Có thể thấy, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều thông tin giả mạo, thậm chí không ít người dùng mạng tin và làm theo. Theo các chuyên gia y tế, điều này gây nên những tác hại vô cùng lớn, thậm chí có thể gây nguy hại cho sức khoẻ.
Nên chăng phải xử lý hình sự?
Ngoài ra, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý về việc tung tin giả, tin đồn trên mạng xã hội nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp sẽ bị xử lý ra sao? Về vấn đề nàytrao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật Chính pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết việc tung tin đồn thất thiệt lên mạng không đúng có thể bị xử lý.
Cụ thể, tại điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) quy định hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng như sau: “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
Việc xử phạt hành vi cung cấp thông tin sai sự thật bị phạt hành chính 20.000.000-30.000.000 đồng, cá nhân bị phạt 10.000.000-15.000.000đồng, quy định tại Điều 64 Nghị định 174/2013.
Tuy nhiên, luật sư đánh giá áp dụng Nghị định này khi xử phạt hành vi tung tin thất thiệt trên mạng có nhiều hạn chế, mức phạt đối với một số hành vi chưa đủ sức răn đe. "Từ đó dẫn đến vi phạm pháp luật trên không gian mạng thời gian qua diễn ra tràn lan, khó kiểm soát", luật sư Cường nhận định.
Tùy từng hành vi tung tin thất thiệt trên mạng đó xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bộ TT&TT, sở TT&TT, bộ Văn hóa, thể thao và du lịch… sẽ có trưng cầu xác định mức độ nguy hiểm rồi đề nghị cơ quan công an xử lý hình sự; nếu không thì sẽ xử lý hành chính.
Theo luật sư Cường, việc một số đối tượng tung tin đồn về dịch Covid -19 nên chăng cần phải xử lý hình sự, bởi lẽ cả nước đang chung tay chống dịch thì một số người tung tin sai sự thật gây ảnh hưởng lớn cho xã hội.
Ngoài ra, một số chuyên gia pháp luật cũng cho rằng, việc tung tin đồn thất thiệt không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Vì vậy, các chuyên gia pháp luật cũng đồng tình cho rằng cần kiên quyết xử lý việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19, thậm chí có thể xử lý hình sự để răn đe.
Thanh Lam