Theo TASS, ngày 26/6, quan chức cấp cao Nga tuyên bố Ba Lan nên hiểu rõ cái giá của việc nắm giữ vị thế là “quốc gia tuyến đầu”, trong đó có vấn đề an ninh.
“Nếu Warsaw có ý định muốn đặt nước này vào vị trí một quốc gia tuyến đầu, bằng cách thành nơi đồn trú thường trực của các lực lượng nước ngoài, Ba Lan có lẽ nên hiểu rõ tất cả những cái giá liên quan, trong đó có sự lo ngại cho chính an ninh của nước này”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Aleksandr Grushko tuyên bố sau khi dẫn bình luận về thông tin Mỹ đang lên kế hoạch tái bố trí các lực lượng từ Đức sang Ba Lan.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/6 thông báo Washington dự kiến điều chuyển một số binh sĩ đồn trú tại Đức sang Ba Lan.
"Một số binh sĩ sẽ về nhà và một số khác sẽ được điều chuyển đến những nơi khác. Ba Lan là một trong những nơi đó", ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ giảm lực lượng đồn trú tại Đức từ 52.000 binh sĩ xuống 25.000.
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Nga lên tiếng cảnh báo về việc các lực lượng NATO triển khai gần biên giới Nga. Ngày 11/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Vladimir Titov, tuyên bố, Moskva sẽ đáp trả nếu Washington triển khai vũ khí hạt nhân ở Ba Lan. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA Novosti, Thứ trưởng Titov nêu rõ Nga sẽ đáp trả thích đáng mọi hành động tương tự như vậy.
Về phần mình, Tổng thống Andrzek Duda cho rằng quyết định trên của Mỹ "rất hợp lý". Ông cũng cho biết ông đã đề nghị Tổng thống Trump không rút quân Mỹ khỏi châu Âu. Ông nhấn mạnh "vì an ninh của châu Âu rất quan trọng đối với tôi".
Hôm 20/6, Đài phát thanh Ba Lan dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này Mariusz Błaszczak cho biết, Ba Lan đã chuẩn bị để binh lính Mỹ có thể tăng cường sự hiện diện trên lãnh thổ quốc gia châu Âu.
Năm 2019, Tổng thống Duda và người đồng cấp Mỹ Donald Trump đã ký một thỏa thuận quốc phòng, theo đó Ba Lan đồng ý cho phép khoảng 1.000 binh sĩ Mỹ đóng quân tại nước Đông Âu này.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher phát biểu với báo giới rằng "nếu Đức muốn thu hẹp năng lực hạt nhân và làm suy yếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có lẽ Ba Lan sẽ là nơi triển khai các tiềm lực đó".
Nga luôn phản đối việc mở rộng về phía đông của NATO và triển khai vũ khí hạt nhân gần biên giới với Nga. Hiện, giới chức Đức cũng phản đối mạnh mẽ việc Mỹ tiếp tục triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Đức.
Hồi năm 2016, Anh, Đức và Mỹ từng đề xuất dẫn đầu một lực lượng mới, thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ở khu vực gần biên giới Nga từ năm 2017 để "răn đe" Moscow.
Khi đó, vài tuần trước khi Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân của NATO diễn ra tại Warsaw (Ba Lan) khai mạc, 3 trong số các cường quốc quân sự lớn nhất của NATO tuyên bố, mỗi nước sẽ điều một tiểu đoàn sang sườn phía đông để giúp ngăn chặn bất cứ một hành động biểu dương lực lượng nào đe dọa đến châu Âu.
Kế hoạch bao gồm luân chuyển binh sĩ, bố trí trang thiết bị và lập một lực lượng cơ động cao. Đội quân này sẽ được hỗ trợ bởi đơn vị phản ứng khẩn cấp của NATO.
Các đồng minh phía đông NATO hoan nghênh động thái tăng quân của liên minh nhưng vẫn muốn nhận được thêm sự hỗ trợ. Những nước đồng minh bờ phía nam như Bulgaria và Romania lại thúc đẩy NATO mở rộng sự hiện diện trên biển ở Biển Đen, điều thêm binh sĩ đến khu vực.
Nga coi kế hoạch răn đe của NATO là hành động thù địch. Đại sứ Nga tại NATO từng cảnh báo động thái này sẽ đe dọa hòa bình ở trung tâm châu Âu.