Thời điểm này, hầu hết các cơ sở đào tạo đại học trên cả nước đã công bố đề án tuyển sinh đại học năm 2023. Về cơ bản, các trường vẫn áp dụng phương thức tuyển sinh như năm 2022, trong đó dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tiếp đến là xét tuyển bằng học bạ kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ. Dù vậy, việc ghi nhớ các nguyên tắc khi đăng ký xét tuyển để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vẫn là điều thí sinh không được chủ quan.
Mùa tuyển sinh năm 2023 đang đến gần. Thí sinh cần đặc biệt ghi nhớ các mốc thời gian quan trọng sau để đảm bảo quyền lợi của bản thân.
Trước 17h ngày 20/6, theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, thí sinh (trừ thí sinh đã và chưa tốt nghiệp các năm trước) sử dụng tài khoản đã được cấp để rà soát kết quả điểm học tập (học bạ) cấp THPT trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung (Hệ thống); phản ánh lại với người có trách nhiệm nơi thí sinh học cấp THPT để cập nhật, sửa các lỗi sai (nếu có).
Trước 17h ngày 30/6, theo hướng dẫn của cơ sở đào tạo, thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành cần nộp Hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển (không giới hạn số nguyện vọng) về các cơ sở đào tạo.
Từ 15/6 đến 20/7, thí sinh đã tốt nghiệp THPT, trung cấp (thí sinh tự do) nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thông tin cá nhân trên Hệ thống phải thực hiện việc đăng ký để được cấp tài khoản sử dụng cho việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Từ 10/7 đến 17h ngày 30/7, thí sinh có quyền đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần: Thí sinh sử dụng tài khoản đã được cấp để xử lý thông tin (nhập, sửa, xem) thông tin của thí sinh trên Hệ thống;
Đặc biệt, việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đối với các nhóm ngành, ngành hoặc chương trình đào tạo phải thực hiện theo hình thức trực tuyến trên Hệ thống hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia (Nội dung hướng dẫn đăng tải tại Hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia). Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các cơ sở đào tạo được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh vào cơ sở đào tạo được xử lý trên Hệ thống. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm điều kiện trúng tuyển.
Thí sinh đã hoàn thành việc dự tuyển vào cơ sở đào tạo theo kế hoạch xét tuyển sớm của cơ sở đào tạo, nếu đủ điều kiện trúng tuyển phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống để được xét tuyển theo quy định.
Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh phải nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đối với thí sinh thuộc diện hưởng chính sách ưu tiên khu vực, ưu tiên đối tượng phải phối hợp với các điểm tiếp nhận rà soát thông tin khu vực và đối tượng ưu tiên của thí sinh (nếu có).
Từ 5/7 đến 17h ngày 15/8, thí sinh trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ GD&ĐT có thể xác nhận nhập học trên Hệ thống (những thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được đăng ký nguyện vọng xét tuyển tiếp theo, trừ các trường hợp được Hiệu trưởng/Giám đốc cơ sở đào tạo cho phép không nhập học).
Trường hợp chưa xác định nhập học, nhóm thí sinh này có thể tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia như các thí sinh khác để các cơ sở đào tạo xét tuyển, nếu trúng tuyển thí sinh sẽ xác nhận nhập học theo lịch chung.
Trước 17h ngày 6/9, tất cả thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống và sau đó, đến trường nhập học theo lịch cụ thể của từng trường.
Từ ngày 7/9 đến tháng 12 năm 2023, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo. Nếu cơ sở đào tạo xét tuyển bổ sung, thí sinh đã trúng tuyển và đã xác nhận nhập học không được xét tuyển bổ sung, trừ các trường hợp được Hiệu trưởng/Giám đốc cơ sở đào tạo cho phép không nhập học.
Trong hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ các nội dung yêu cầu đối với các sở GD&ĐT, các cơ sở đào tạo; trong đó, yêu cầu các cơ sở đào tạo phải đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong Hệ thống với các thông tin trong đề án tuyển sinh. Các cơ sở đào tạo phải thông báo rõ thời điểm nhận hồ sơ xét tuyển và tổ chức xét tuyển theo phương thức xét tuyển sớm, bảo đảm đồng bộ giữa việc thí sinh nộp hồ sơ về cơ sở đào tạo và đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.
Điều cần lưu ý nữa là, theo quy định, khi đi thi, thí sinh chỉ được mang theo bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lý Việt Nam khi thi môn Địa lý vào phòng thi.
Trước đó, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học có những chia sẻ về những điểm mới trong công tác tuyển sinh năm nay, năm 2023, công tác xét tuyển đại học cơ bản giữ ổn định như các năm trước.
Năm nay Bộ GD&ĐT có thay đổi, điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các trường thực hiện kế hoạch tuyển sinh của mình. Đồng thời, giúp người học đăng kí xét tuyển vào đại học trên nguyên tắc đảm bảo chính xác, khách quan và công bằng đối với mọi thí sinh.
"Các trường đại học vẫn được quyền tự chủ kế hoạch tuyển sinh của mình theo các phương thức xét tuyển. Các trường được quyền quyết định quyền tổ chức tuyển sinh một đợt hay nhiều đợt.
Thí sinh được quyền đăng kí nguyện vọng không giới hạn nhưng bắt buộc phải đăng kí vào hệ thống chung. Hệ thống tuyển sinh chung giúp thí sinh trúng tuyển duy nhất một nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng các em đăng kí và đủ điều kiện trúng tuyển", ông Nghệ chia sẻ.
Trúc Chi (theo Sức khỏe & Đời Sống, Lao Động)