Mùa tuyển sinh đại học năm 2023 dự kiến có thêm ngành hot, tăng chỉ tiêu
Tuyển năm 2023 Trường Đại học Ngoại thương sẽ giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh đại học chính quy như năm 2022. Điểm khác biệt đó là nhà trường sẽ bắt đầu tuyển sinh một số ngành mới là Kinh tế chính trị, chương trình Kinh tế chính trị quốc tế tại trụ sở chính Hà Nội. Tổng chỉ tiêu dự kiến tuyển sinh đại học chính quy năm 2023 của Trường Đại học Ngoại thương là 4.100 sinh viên cho cả trụ sở chính Hà Nội và các cơ sở trực thuộc.
Kỳ tuyển sinh năm nay, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết các ngành mới, dự kiến đào tạo từ năm nay gồm Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học. Ngoài mở thêm ngành, trường cũng tăng chỉ tiêu từ 7.120 (năm 2022) lên 7.500 trong mùa tuyển sinh năm nay. Dự kiến 6 phương thức tuyển sinh được giữ ổn định như năm 2022.
Là trường đầu tiên của khối ngành Sức khỏe công bố phương án tuyển sinh hệ chính quy năm 2023, Trường Đại học Y tế công cộng cho biết sẽ tuyển sinh 7 ngành, trong đó Kỹ thuật xét nghiệm y học tuyển nhiều nhất - 215 chỉ tiêu, Y tế công cộng 190 chỉ tiêu và Kỹ thuật phục hồi chức năng 130 chỉ tiêu. 4 phương thức tuyển sinh gồm xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Phương thức dùng điểm đánh giá năng lực chỉ dùng để tuyển ngành Khoa học dữ liệu, 3 phương thức còn lại áp dụng với tất cả 7 ngành. Dự kiến đầu tháng 4/2023, trường sẽ công bố đề án tuyển sinh.
Theo Dân Việt, nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng kỳ vọng bức tranh tuyển sinh đại học năm 2023 sẽ có những thay đổi lớn, trong đó hạn chế được các ngành có điểm chuẩn tiệm cận 30 điểm, thí sinh đạt 9 điểm/môn vẫn chưa đỗ nguyện vọng yêu thích.
Bên cạnh đó, cùng với dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023 có nhiều thay đổi đang được lấy ý kiến và sẽ áp dụng chính thức từ năm nay, thí sinh cần chú ý để cập nhật những điểm mới. Trong đó, đặc biệt là xu hướng nở rộ các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học, giảm dần sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Dựa vào kinh nghiệm của các sĩ tử mùa trước, những kỳ thi đánh giá năng lực có ma trận, cấu trúc hoàn toàn khác với những bài kiểm tra, bài thi tại phổ thông hiện nay nên thí sinh cần có sự chuẩn bị, ôn tập hợp lý.
Thực tế cho thấy những ngành học càng đặc thù, càng “nóng” thì càng áp lực
Thời gian qua điểm chuẩn ngành Y khoa luôn là tốp đầu trong nhóm trường đào tạo khối ngành sức khỏe. Theo những người trong cuộc, để khoác trên mình blouse trắng, sinh viên Y khoa phải vượt qua một chặng đường dài gian nan. Lê Hữu Hiếu, sinh viên năm thứ 6, ngành Y khoa, Trường Đại học Y dược Tp.HCM, thủ khoa tổ hợp B00 với 30 điểm năm 2017, từng được nhận học bổng “Nâng bước thủ khoa” của báo Tiền Phong. Theo Hiếu, áp lực theo học ngành Y là phải qua một hành trình học tập kéo dài với khối lượng kiến thức chuyên ngành khổng lồ ít nhất 6 năm, nhiều nhất có thể trên 10 năm. Áp lực lớn thứ hai là tài chính vì thời gian học dài và sắp tới khi các trường tự chủ, học phí rất cao. Hiện tại, Hiếu đóng mức học phí 1,43 triệu đồng/tháng nhưng những khóa tới, có thể sẽ phải đóng 6,8 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, sinh viên học Y khoa rất ít có thời gian đi làm thêm. Áp lực nữa mà Hiếu đề cập là viễn cảnh nghề nghiệp sau khi ra trường vì chưa hình dung ra được công việc sau khi tốt nghiệp.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Tiền Phong, PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, trước mùa tuyển sinh, ông nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến ngành này. Thế hệ trẻ hiện nay quen với trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, điện toán đám mây… Tốt nghiệp Công nghệ thông tin mở ra cho sinh viên nhiều cơ hội việc làm cũng như cơ hội thăng tiến dành cho người giỏi.
Đặc biệt học Công nghệ thông tin có nhiều thuận lợi nhưng cũng rất thách thức. Thách thức đầu tiên là cạnh tranh đầu vào. Khi trúng tuyển vào học, sinh viên cũng phải cạnh tranh với các “gã khổng lồ” khi 2/3 số học sinh của lớp được tuyển thẳng. Học sinh có thành tích thấp nhất là đoạt giải 3 kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tin học. Do vậy, rất khó xin học bổng học tập. Không những thế, còn áp lực trong học tập. PGS Điền lấy ví dụ, giảng viên vừa viết xong một câu hỏi giải tích, nhiều sinh viên đã có câu trả lời trong khi có sinh viên còn chưa hiểu câu hỏi.
PGS Nguyễn Phong Điền thông tin, hiện có gần 30 trường đại học lấy kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức để xét tuyển nên có thêm cơ hội trúng tuyển cho thí sinh năm nay.
Ông Điền nhấn mạnh, cần phải có thiết kế riêng chương trình giáo dục thể chất đối với sinh viên ngành Công nghệ thông tin vì điều kiện học tập và làm việc sau này yêu cầu phải có chế độ dinh dưỡng và rèn luyện tốt. “Đây là những thách thức thực tế phía sau ánh hào quang của ngành Công nghệ thông tin”, ông nói.
Một lưu ý đối với thí sinh là học phí của ngành Công nghệ thông tin luôn cao nhất trong nhóm ngành kỹ thuật ở đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng và các trường đại học nói chung với khoảng 30 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao từ 50 - 70 triệu đồng/năm, tùy từng trường.
Chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT 2023
Mới đây, Bộ GD&ĐT vừa công bố lịch thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cụ thể Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023.
Cụ thể ngày 27/6/2023: Làm thủ tục dự thi; Ngày 28, 29/6/2023: Tổ chức coi thi; Ngày 30/6/2023: Dự phòng.
Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức sớm hơn so với năm 2022. Trước đó, theo lý giải của Bộ GD&ĐT trong nhiều năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi diễn ra vào tháng 7. Năm nay, khi cuộc sống đã quay trở lại trạng thái bình thường nên kỳ thi cũng được tổ chức sớm hơn.
Điểm khác biệt thí sinh dự thi, xét tuyển đại học năm 2023 cần chú ý đó là từ năm nay, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng từ 22,5 điểm trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ không còn được cộng tối đa, mà được xác định theo công thức giảm tuyến tính. Việc thay đổi trong tính điểm ưu tiên này, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhằm tạo sự công bằng giữa các nhóm thí sinh thuộc các khu vực và đối tượng khác nhau.
Theo thống kê, tổng số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp hàng năm. Với thay đổi này, khi thí sinh dự định xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cần cân nhắc lượng sức mình, nhất là khi xét tuyển vào các ngành, các trường có mức độ cạnh tranh cao sự chênh lệch 0,5 điểm cũng đã phân rõ việc đỗ, trượt.
Trúc Chi (t/h)