Tuyển sinh đại học năm 2023: “Bùng nổ” các kỳ thi riêng xét tuyển đại học

Tuyển sinh đại học năm 2023: “Bùng nổ” các kỳ thi riêng xét tuyển đại học

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Nguyễn Ngọc Hoài Thanh

Thứ 7, 24/12/2022 14:00

Hiện đã có một số trường đại học trên cả nước công bố thông tin tuyển sinh 2023. Có gì mới ở kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học sắp tới?

Giữ ổn định về cơ bản như năm 2022

Năm 2023 sẽ có một số điều chỉnh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng bảo đảm kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh. Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 theo hướng giữ ổn định về cơ bản như năm 2022.

Để đảm bảo kết quả thi phản ánh trung thực, khách quan, đúng trình độ, năng lực học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cần tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở trường phổ thông theo định hướng đánh giá năng lực; bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị điều kiện để thí điểm xây dựng các ngân hàng câu hỏi thi phục vụ cho kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ các môn học ở cấp THPT.

Sở Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023; đồng thời xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi; nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh (nếu có).

Cũng theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và định hướng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi của Bộ. Đồng thời, tăng cường chức năng quản lý nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và sở giáo dục và đào tạo trong chỉ đạo tổ chức thi tại địa phương.

Nhiều trường đưa ra phương thức tuyển sinh riêng

Năm tới, Trường Đại học Kinh tế quốc dân tuyển sinh 60 mã ngành/chương trình với 6.200 chỉ tiêu đại học chính quy. Theo GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường, 4 phương thức xét tuyển năm 2023 bao gồm: Xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển theo điểm thi đánh giá tư duy năm 2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội với 7 mã (3%); xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (25%); xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường (70%).

Thí sinh lưu ý ở phương thức chiếm phần lớn chỉ tiêu xét tuyển, trường phân thành 5 nhóm đối tượng gồm: Thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT và ACT, thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của Đại học Quốc gia, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi ĐGNL của Đại học quốc gia, thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT và thí sinh là học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên toàn quốc/trường THPT trọng điểm quốc gia kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, những thí sinh sở hữu chứng chỉ quốc tế hay có tham dự các kỳ thi ĐGNL, đánh giá tư duy sẽ có thêm lợi thế xét tuyển so với những thí sinh chỉ có duy nhất điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 do phương thức này chỉ còn 25% chỉ tiêu trúng tuyển.

Giáo dục - Tuyển sinh đại học năm 2023: “Bùng nổ” các kỳ thi riêng xét tuyển đại học

Mùa tuyển sinh 2023 sẽ công bằng, thuận tiện hơn cho thí sinh Ảnh minh họa.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi độc lập để tuyển sinh vào đại học năm 2023. Dự kiến sẽ có 1 hoặc 2 đợt vào cuối tháng 4 và tháng 5. Kỳ thi ĐGNL sẽ gồm 8 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Nhà trường cho biết sẽ tăng tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi ĐGNL năm 2023 lên khoảng 20 - 30% tùy ngành. Ngoài ra, trường vẫn giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh tương tự năm trước. Hiện nay, đã có một số trường đại học quyết định sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển năm 2023.

8 trường sư phạm sẽ dùng chung bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển do Đại học Sư phạm Hà Nội chủ trì. 

Ngoài trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Công an cũng tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển và được nhiều trường đại học khác công nhận.

Tháng trước, hai trường đại học quốc gia cho biết sẽ xây dựng thang điểm quy đổi hai bài thi đánh giá năng lực để sử dụng kết quả của nhau. Trong khi đó, Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt thi đánh giá tư duy, tăng 2 đợt so với năm ngoái. Việc thi này sẽ bắt đầu từ tháng 3 năm sau.

“Bùng nổ” các kỳ thi riêng xét tuyển đại học, thí sinh cần lưu ý gì?

GS. TS Nguyễn Mậu Bành, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, hiện nay thí sinh có rất nhiều lựa chọn vào đại học khi được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Và với một ngành của một trường đại học, thí sinh cũng có thể đăng ký rất nhiều phương thức tuyển sinh để tăng cơ hội trúng tuyển, quan trọng là các em sớm xác định được năng lực, sở thích và định hướng tương lai của bản thân.

Theo đó, việc các trường giảm dần việc xét tuyển phụ thuộc vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đòi hỏi thí sinh cần cân nhắc việc tham gia thi các chứng chỉ quốc tế hoặc các kỳ thi ĐGNL, đánh giá tư duy. Tuy nhiên, khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT, các kỳ thi riêng do các trường tổ chức có mức độ kiến thức bao phủ rộng hơn ở tất cả các môn học và độ khó cũng khác… nên các thí sinh bên cạnh việc học và thi tốt nghiệp, nếu có dự định thi các kỳ thi riêng thi cần có chiến lược ôn tập hợp lý.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, Đại học theo học ở các trung tâm luyện thi không có tác dụng gì đối với thí sinh. Thay vào đó, thí sinh hãy tập trung học tập tốt trên lớp, tự xây dựng kế hoạch ôn tập và làm tốt bài thi tham khảo đã công bố sẽ đạt kết quả cao. Thống kê số lượng thí sinh dự thi đạt top 10% điểm cao năm 2022 đều là các thí sinh tự ôn tập và có kết quả học tập tốt trên lớp học.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đại Cường (Hà Nội) cho biết, ngay từ khi vào trường, học sinh đã được giáo viên tư vấn, hướng nghiệp. Đặc biệt với học sinh cuối cấp, những em nào có nguyện vọng thi đại học, cao đẳng thầy cô đều có những tư vấn cụ thể về ngành nghề, trường phù hợp với năng lực và sở thích của các em. Trong đó, bên cạnh việc dạy kiến thức để phục vụ thi tốt nghiệp THPT, thầy cô cũng có những chuyên đề ôn tập, các kiến thức tổng hợp để học sinh vừa học vừa ôn thi các kỳ thi riêng. Việc chuẩn bị tâm lý, kiến thức từ sớm sẽ giúp học sinh có thêm cơ hội để vào đúng ngành nghề các em yêu thích.

Dự kiến sẽ không còn điểm chuẩn chạm trần

Từ năm 2023, sẽ áp dụng chính sách cộng điểm ưu tiên mới trong xét tuyển đại học. Cụ thể, từ năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ áp dụng quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10), sau đó sẽ giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).

Điều này được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội và sự công bằng cho những thí sinh có năng lực nhưng vì không có điểm ưu tiên nên gần như khó đỗ vào các ngành hot của trường top trên.

Cũng vì chính sách cộng điểm ưu tiên chưa hợp lý, nên tại nhiều trường, thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất vào trường có thể không phải là thí sinh có điểm thi cao nhất. Đơn cử, thủ khoa của Trường Đại học Y Hà Nội năm 2022 có tổng điểm xét tuyển 31,30/30 điểm (đến từ Vĩnh Phúc). Thí sinh này đạt 8,8 điểm môn Toán, môn Hóa đạt 9,00, môn Sinh đạt 9,25 điểm và có điểm cộng khu vực 0,25 cùng 4 điểm cộng từ quy đổi giải học sinh giỏi quốc gia.

Trong khi đó, á khoa của trường này là thí sinh có điểm thi môn Toán 9,2 điểm; môn Hóa 9,75 điểm; môn Sinh 9,25 điểm. Do có hộ khẩu Hà Nội nên thí sinh này không được cộng điểm ưu tiên khu vực song em có thêm 3 điểm cộng khuyến khích khi quy đổi giải học sinh giỏi quốc gia.

Trước vấn đề điểm cộng, chuyên gia chỉ ra với trường top giữa, mức 0,25-0,75 điểm cộng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả. Tuy nhiên, với trường top trên, chỉ 0,01 điểm cũng có thể quyết định đậu hay trượt nên việc cộng điểm ưu tiên dù đã được điều chỉnh trong những năm qua vẫn cần tiếp tục điều chỉnh vì quyền lợi, công bằng của thí sinh.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp THPT hàng năm.

Việc áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế.

Việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế.

Năm 2023, điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên.

Trúc Chi (Đại Đoàn Kết, Tiền Phong, Thanh Niên)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.