Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục tăng

Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục tăng

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 3, 30/03/2021 10:19

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2021 ước tính là 2,19%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,96%.

Tổng cục Thống kê vừa công bố thông tin về tình hình lao động, việc làm trong quý I/2021.

Theo đó, tình hình lao động và việc làm (số liệu được tính toán theo Khung khái niệm mới của Tổ chức lao động quốc tế, tiêu chuẩn ICLS 19) cả nước trong quý I/2021 chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng Một. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,20%, tăng so với quý I/2020 (Tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 2,34%; tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi quý I/2020 là 1,98%).

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I/2021 ước tính là 51 triệu người, giảm 1,1 triệu người so với quý trước và giảm 180,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ước tính đạt 68,7%, giảm 1,6 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc ước tính là 49,9 triệu người.

Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước quý I/2021 ước tính là 2,19%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,96%; khu vực nông thôn là 1,76%.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I/2021 ước tính là 2,20%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,52%; khu vực nông thôn là 2,60% (tỷ lệ thiếu việc làm của quý I/2020 tương ứng là 1,98%; 1,07%; 2,47%).

Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp 2021

Cách tính trợ cấp thất nghiệp hiện nay như sau:

Mức hưởng hàng tháng = Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%

Mức hưởng này tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng đối với người thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 - 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Thời điểm hưởng trợ cấp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

Ngoài ra, người lao động được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Hỗ trợ học nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng, trong thời gian không quá 6 tháng.

Về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thứ nhất, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái luật; Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Thứ hai, đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động xác định và không xác định thời hạn; 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 -12 tháng.

Thứ ba, đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; Đi học có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc; Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; Chết.

Điều kiện hỗ trợ học nghề là đã chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật hoặc đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; Đã nộp hồ sơ hưởng BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm; Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ; Đã đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Đề xuất chi 6.000 tỷ đồng đào tạo lại lao động

Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đề xuất trích 6.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để doanh nghiệp đào tạo lại các lao động có nguy cơ mất việc do Covid-19.

Theo dự thảo, mỗi người lao động sẽ nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng và liên tục trong 6 tháng. Dự kiến, khoảng 1 triệu lao động sẽ được thụ hưởng, nếu chính sách này được thông qua.

Để áp dụng chính sách này, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục 12 tháng trở lên, tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; có thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất, kinh doanh, do ảnh hưởng của Covid-19; có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ, trong đó thể hiện doanh thu bị giảm từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019.

Đồng thời, doanh nghiệp phải có phương án cụ thể về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Doanh nghiệp có nhu cầu gửi hồ sơ về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định. Thời hạn áp dụng hỗ trợ dự kiến một năm kể từ ngày chính sách được ban hành.

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất và cắt giảm lao động. Luật Việc làm quy định Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động do chuyển đổi công nghệ. Tuy nhiên các điều kiện đặt ra khó tiếp cận, như: quy mô lao động bị cắt giảm phải từ 30% trở lên, không đủ kinh phí cho đào tạo lại lao động thông qua báo cáo sản xuất kinh doanh của năm trước mà bị lỗ có xác nhận của cơ quan thuế... Tới nay, chưa doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện và được hưởng chế độ này.

Đến cuối năm 2020, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư khoảng 84.000 tỷ đồng. Cùng năm này, hơn 1,1 triệu lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 32% so với năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch. 43% lao động nộp hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp đến từ 5 tỉnh thành có công nghiệp phát triển, gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Hơn 26.000 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, chủ yếu học lái xe, nấu ăn, pha chế.

H.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.