Bộ trưởng Truyền thông Paul Fletcher Úc cho biết, cơ quan giám sát truyền thông nước này sẽ được trao nhiều quyền quản lý hơn đối với các công ty công nghệ không đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ quy tắc tự nguyện về thực hành chống thông tin sai lệch và thông tin xuyên tạc.
Theo bộ quy tắc trên, thông tin sai lệch (misinformation) là thông tin sai hoặc gây hiểu lầm có khả năng gây hại, trong khi thông tin xuyên tạc (dissinformation) là thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm được phát tán có chủ đích qua thư rác.
Các quy định mới, dự kiến được trình Quốc hội Úc vào cuối năm nay, sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc đánh giá hiệu quả của tự kiểm soát thông tin và giúp chính phủ liên bang quyết định có cần ban hành một quy tắc bắt buộc để giải quyết vấn đề này hay không.
"Các nền tảng kỹ thuật số phải chịu trách nhiệm về những gì có trên trang web của họ và phải hành động khi nội dung có hại hoặc sai lệch xuất hiện", Bộ trưởng Fletcher nhấn mạnh.
Theo dự thảo các quy định mới, Cơ quan Truyền thông và các phương tiện thông tin Úc (ACMA) sẽ được phép thu thập thông tin và yêu cầu các nền tảng công nghệ như Meta (Facebook), Google và Twitter cung cấp thông tin để có thể xử lý các khiếu nại liên quan đến nội dung có hại. ACMA cũng sẽ có thể đăng ký và thực thi các quy tắc hoặc tiêu chuẩn ngành mới, nếu thấy các nỗ lực từ phía các công ty công nghệ là chưa đủ.
Kế hoạch xây dựng luật được Chính phủ liên bang Úc đưa ra sau khi Tập đoàn Công nghiệp Kỹ thuật số (DIGI) của Australia ban hành Bộ quy tắc thực hành về thông tin sai lệch, với sự tham gia của các đại gia công nghệ như Facebook, Google, Microsoft, Tik Tok, Twitter và Redbubble.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 22/2, bà Sunita Bose, Giám đốc điều hành của DIGI, cho biết Bộ quy tắc được thiết kế nhằm giảm sự lan truyền thông tin sai lệch và nội dung độc hại trên Internet, cung cấp cho các công ty công nghệ một khuôn khổ nhất quán và minh bạch, giúp họ nhanh chóng đưa ra cảnh báo thường xuyên đối với người dùng về mức độ đáng tin cậy của các nguồn thông tin báo chí và quảng cáo.
Các công ty tham gia cam kết thực hiện những biện pháp bảo vệ mạnh mẽ chống lại thông tin độc hại và sai lệch, cũng như bảo vệ quyền riêng tư, tự do ngôn luận và giao tiếp chính trị.
Dựa trên Bộ quy tắc mới, rất nhiều biện pháp cụ thể để chống lại các nguồn tin không chính xác đã được thiết lập, như gắn nhãn nội dung sai sự thật, sử dụng các chỉ số tin cậy trên các bài báo, giảm mức độ hiển thị nội dung có khả năng khiến người dùng tiếp nhận phải thông tin độc hại và sai lệch, đồng thời đình chỉ, vô hiệu hóa vĩnh viễn tài khoản người dùng có hành vi phát tán thông tin độc hại, thông tin không xác thực.
Tất cả các bên tham gia ký kết được yêu cầu công bố thông tin cho người dùng liên quan đến những biện pháp mà họ thực hiện và sẽ phát hành báo cáo hằng năm về những nỗ lực này.
Họ cũng sẽ thiết lập các quy định để xử lý việc không tuân thủ Bộ quy tắc. Ngoài ra, các đại gia công nghệ cũng cam kết ưu tiên cho các nguồn tin tức đáng tin cậy, đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác kiểm tra thực tế thông tin…
Chủ tịch ACMA Nerida O’Loughlin đã lên tiếng hoan nghênh Bộ quy tắc mới và khuyến khích tất cả các nền tảng công nghệ tham gia.
Theo bà, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã cho thấy những tổn hại nghiêm trọng mà nguồn thông tin sai lệch trên các nền tảng mạng xã hội trực tuyến có thể gây ra, đặc biệt là với những nhóm người dễ bị tổn thương. Báo cáo mới đây của ACMA cho thấy, 82% người dân nước này đã nhận phải thông tin sai lệch về đại dịch Covid-19 trong 18 tháng qua.
Bà Nerida O’Loughlin cho biết, trong những tháng tới, cơ quan của bà sẽ tập trung vào việc kiểm tra xem các thỏa thuận tự kiểm soát có hiệu quả hay không và có cần thực hiện thêm những hành động khác để giải quyết các tác hại đối với người sử dụng các dịch vụ mạng xã hội ở Úc.
Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, Vietnam+)