Nga cho biết, một số phần của thỏa thuận hòa bình với Ukraine sắp được thống nhất sau khi Kiev ám chỉ về một lộ trình thỏa hiệp khả thi, làm dấy lên hy vọng chấm dứt cuộc chiến vốn đã kéo dài 3 tuần.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, các cuộc đàm phán đang trở nên “thực tế hơn”, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov nói rằng có “một số hy vọng về sự thỏa hiệp”, với tính trung lập đối với Ukraine - một nhu cầu chính của Nga - hiện đang được thảo luận trên bàn đàm phán.
"Tính trung lập hiện đang được thảo luận nghiêm túc, tất nhiên, cùng với các đảm bảo an ninh", ông Lavrov nói với RBC News hôm 16/3.
“Bây giờ chính điều này đang được thảo luận trong các cuộc đàm phán - có những công thức hoàn toàn cụ thể mà theo quan điểm của tôi là khá gần với mức có thể thỏa thuận được”, Ngoại trưởng Nga nói.
Ông Lavrov cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã nói về sự trung lập, cùng với các đảm bảo an ninh cho Ukraine mà không cần tới sự mở rộng thành viên của NATO.
Các cuộc đàm phán đã tiếp tục diễn ra vào ngày 16/3 thông qua liên kết video. Đây là ngày đàm phán thứ ba liên tiếp giữa Nga và Ukraine. Điều này được cả hai bên đánh giá rằng đàm phán đã bước vào một giai đoạn nghiêm túc hơn.
Phóng viên Imran Khan của Al Jazeera, đưa tin từ thủ đô Kiev của Ukraine, cho biết việc đàm phán giữa các quan chức Ukraine và Nga tiếp tục sang ngày thứ ba là "một dấu hiệu tốt".
Điện Kremlin cũng cho biết hôm thứ 16/3 rằng, một Ukraine phi quân sự hóa với quân đội của riêng mình tương tự như mô hình của Áo hoặc Thụy Điển đang được coi là một thỏa hiệp khả thi.
Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: “Đây là một phiên bản hiện đang được thảo luận và thực sự có thể được coi là một sự thỏa hiệp”.
Tuy nhiên, ông Mikhailo Podolyak, Cố vấn Tổng thống Ukraine, ngay sau đó cho biết, Ukraine bác bỏ đề xuất về mô hình trung lập giống như của Áo hoặc Thụy Điển.
"Ukraine hiện đang trong tình trạng chiến tranh trực tiếp với Nga. Do đó, mô hình chỉ có thể là của Ukraine và chỉ dựa trên các đảm bảo an ninh được xác minh hợp pháp", ông Podolyak cho biết trong các bình luận do Văn phòng Tổng thống Zelenskyy công bố.
Ông Podolyak kêu gọi một thỏa thuận an ninh ràng buộc về mặt pháp lý, được ký kết bởi các đối tác quốc tế, những đối tác sẽ “không đứng sang một bên trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào Ukraine, như họ vẫn làm hiện nay”.
Con đường chấm dứt bạo lực
Theo luật pháp quốc tế, tính trung lập đề cập đến nghĩa vụ của một quốc gia là không can thiệp vào các cuộc xung đột quân sự của các quốc gia khác.
Điều này bao gồm tránh tham gia vào các liên minh quân sự như NATO hoặc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO).
Ở vào một loại trạng thái không tham chiến, công dân của các nước trung lập được hưởng sự bảo vệ theo luật chiến tranh khỏi các hành động hiếu chiến ở mức độ lớn hơn so với những người không tham chiến khác, chẳng hạn như dân thường và tù nhân chiến tranh của đối phương.
Các ví dụ tiêu biểu về các quốc gia trung lập có thể kể đến là Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ireland, Phần Lan và Áo. Tuy nhiên, tình trạng trung lập được các quốc gia giải thích theo các cách khác nhau. Ví dụ, Costa Rica là một quốc gia trung lập, tuy nhiên, nước này đã phi quân sự hóa, trong khi Thụy Sĩ đã áp dụng mô hình "trung lập có vũ trang" nhưng không triển khai quân đội ở nước ngoài.
Một cách chính thức, Thụy Điển không liên kết quân sự trong thời bình và trung lập trong thời chiến, sau khi chấm dứt chính sách trung lập vào năm 1992 khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nước này không phải là một thành viên của NATO, nhưng đã là một đối tác của liên minh này trong gần 30 năm.
Theo các chuyên gia, áp dụng quy chế trung lập là con đường dễ dàng tiến tới để Ukraine chấm dứt bạo lực đã hoành hành hơn 3 tuần nay ở đất nước này.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Hindustan Times)