Quân đội Nga và Belarus tập trận chung (ảnh: RT)
Dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine, ông Andrii Sybiha, Ukrainska Pravda hôm 16/7 đưa tin, Kiev nắm được ít nhất 7 thỏa thuận giữa Belarus với “chính quyền thân Nga” trên bán đảo Crimea.
Theo ông Sybiha, hồi tháng 6, chính quyền thành phố Vitebsk (Belarus) đã ký kết “thỏa thuận hợp tác” với “chính quyền thân Nga” ở thành phố Simferopol và Feodosia (thuộc Crimea), cũng như với “Hội đồng bộ trưởng Crimea”, “Cơ quan Văn hóa Du lịch” Crimea và “chính quyền” quận Saki (thuộc Crimea).
“Biên bản ghi nhớ về việc thành lập khu kinh tế mở Vitebsk – Crimea cũng được ký kết”, ông Sybiha cho hay.
“Tất cả hành động bất hợp pháp, đe dọa chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Ukraine đều được giới chức thực thi pháp luật của chúng tôi ghi lại đầy đủ. Một cuộc điều tra đang được tiến hành và tất cả những người liên quan sẽ không thoát khỏi trừng phạt. Họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Sybiha cảnh báo.
Theo ông Sybiha, giới chức Kiev nắm được ít nhất 7 thỏa thuận giữa Belarus với “chính quyền thân Nga” trên bán đảo Crimea và những cơ quan liên quan đến các thỏa thuận này sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt từ Ukraine cùng các đối tác phương Tây.
“Họ phải chịu hậu quả vì coi thường luật pháp quốc tế”, ông Sybiha nhấn mạnh.
Theo Ukrainska Pravda, Belarus (đồng minh thân cận nhất của Nga) đã bị Mỹ - EU áp đặt hàng chục lệnh trừng phạt, kể từ cuối tháng 2/2022.
Năm 2014, bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga sau cuộc một trưng cầu dân ý. Kiev không chấp nhận kết quả này và tuyên bố Crimea vẫn là một phần của Ukraine.
“Crimea trên thực tế là của Nga. Sau cuộc trưng cầu dân ý, Crimea đã trở thành một phần của Nga”, Tổng thống Belarus – ông Aleksander Lukashenko – phát biểu hồi tháng 11/2021, đồng thời cho rằng ông có toàn quyền đến thăm Crimea.
Quan hệ Ukraine – Belarus ngày càng căng thẳng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo RT.
Hồi tháng 6, Bộ Quốc phòng Belarus thông báo, Ukraine điều thêm quân tới khu vực biên giới và phóng UAV “do thám” lãnh thổ Belarus.
Để đáp trả, quân đội Belarus điều một đơn vị pháo phản lực hạng nặng Polonez tới gần biên giới với Ukraine.
Phát biểu hôm 16/7, Tổng thống Lukashenko cho biết, tình hình căng thẳng dọc biên giới Belarus – Ukraine đã được giải quyết nhờ năng lực phản ứng của quân đội nước này, chưa cần tới súng đạn hay các nhà ngoại giao.
“Tất cả những người đã tham gia vào phản ứng này đều xứng đáng được ghi nhận. Tôi rất biết ơn các bạn vì điều đó. Hãy nhớ rằng súng đạn chỉ nên được sử dụng như một biện pháp cuối cùng. Chúng ta luôn phải học cách đàm phán, kể cả quân đội”, ông Lukashenko nói.
Vương Nam - Ukrainska Pravda, RT