Binh sĩ Ukraine vận hành lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp.
Một số luồng ý kiến cho rằng, đợt phản công gần đây của Ukraine có thể đem lại động lực mới để Mỹ và châu Âu đẩy mạnh hơn nữa các chuyến hàng viện trợ vũ khí.
Trên thực tế, các quan chức Mỹ đã bày tỏ quan điểm thận trọng. Các nhà phân tích ở Washington cho rằng, Mỹ sẽ chưa cung cấp vũ khí mạnh hơn hay đẩy nhanh hơn nữa việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong ngắn hạn, chủ yếu vì lo ngại căng thẳng leo thang với Nga vượt khỏi tầm kiểm soát.
Thành công của Kiev ở Kharkiv thậm chí còn cản trở khả năng Mỹ cung cấp cho Ukraine các chiến đấu cơ F-15/F-16, xe tăng chủ lực hay tên lửa đạn đạo tầm bắn 300km.
"Ukraine càng thành công, Mỹ và các đồng minh ở châu Âu như Đức hay Pháp càng thận trọng", John Herbst, cựu đại sứ Mỹ ở Ukraine giai đoạn 2003-2006, giám đốc Trung tâm Eurasia tại Hội đồng Đại Tây Dương, nói trên đài RFE/RL.
"Tôi không ngạc nhiên nếu Mỹ và phương Tây nói rằng Ukraine chưa cần tới các vũ khí mạnh mẽ hơn sau thành công ở Kharkiv", ông Herbst nói.
"Mức độ hỗ trợ quân sự của Mỹ và châu Âu nhằm giúp quân đội Ukraine chiến đấu hiệu quả trên thực địa", Daniel Vajdich, chủ tịch của công ty Yorktown Solutions có trụ sở tại Washington, nói.
Vajdich không cho rằng các vũ khí và gói hỗ trợ mạnh mẽ hơn của Mỹ sẽ ngay lập tức được bổ sung cho Ukraine sau đợt phản công vượt mong đợi, nhưng điều này có thể thay đổi trong dài hạn.
"Tôi nghĩ trong tương lai, những thành công như vậy sẽ tạo sức ép để Ukraine hối thúc phương Tây hỗ trợ vũ khí mạnh hơn, chứng minh rằng họ có thể sử dụng các vũ khí viện trợ một cách hiệu quả", Vajdich nói.
Chuyên gia Herbst cũng đồng tình, nói rằng: "Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine với tốc độ tương đối chậm và tôi chưa nhận thấy sự thay đổi".
Ở châu Âu, Đức thậm chí đã tuyên bố đạt giới hạn viện trợ vũ khí cho Ukraine và từ chối gửi các xe tăng chủ lực Leopard-2 mạnh nhất châu Âu tới Kiev.
"Chưa có quốc gia nào cung cấp cho Ukraine xe tăng của phương Tây và Đức cũng không phải ngoại lệ", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 12/9 nói.
Các chuyên gia nói rằng viện trợ quân sự lớn hơn cho Ukraine là điều phương Tây khó có thể đạt được trong bối cảnh dư luận trong nước đang tập trung vào vấn đề lạm phát và tác động tiêu cực của việc Nga giảm nguồn cung khí đốt.
Mỹ đã phê duyệt ngân sách 54 tỉ USD hỗ trợ cho Ukraine, trong đó đã gửi vũ khí và đạn dược cho Ukraine với tổng trị giá 14,5 tỉ USD.
"Đến một lúc nào đó sự hỗ trợ vẫn sẽ đến giới hạn, bất kể các bước tiến của Ukraine", Mark Cancian, cựu đại tá thủy quân lục chiến Mỹ, cố vấn Viện Nghiên Cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói.
"Hiện tại, Mỹ vẫn sẽ chỉ hỗ trợ Ukraine các vũ khí như cũ và với tần suất như trong vài tháng qua", Cancian nhận định.
Đăng Nguyễn - RFE/RL.