Một xe bọc thép quân đội Ukraine tịch thu của Nga, nay nằm trong xưởng sửa chữa ở Kharkiv.
Khi các binh sĩ Ukraine làm nhiệm vụ trên chiến trường, phát hiện xe quân sự Nga bỏ không, họ biết rằng mình đã tìm được chiến lợi phẩm quý giá.
Xe bọc thép BMP-3, trang bị pháo chính 100mm và một pháo phụ 30mm, là một trong những vũ khí binh sĩ Ukraine tịch thu được từ quân đội Nga.
Khoảng một tháng trước, sau vài tuần binh sĩ Ukraine vận hành mẫu xe quân sự này, họ gặp phải vấn đề với hệ thống động cơ và bơm nhiên liệu.
Chiếc xe hiện không còn tham gia chiến đấu và bị bỏ không tại một xưởng sửa chữa ở tỉnh Kharkiv, phía đông bắc Ukraine.
Các kỹ sư Ukraine thiếu các trang thiết bị cần thiết để sửa chữa khí tài tịch thu của Nga.
"Lẽ ra nó nên được sử dụng trên chiến trường, chứ không phải nằm ở xưởng", Ruslan, 47 tuổi, chỉ huy tiểu đoàn bảo trì, nói trên báo Mỹ Washington Post.
Để sửa chữa một khí tài nào đó, tiểu đoàn cần tìm linh kiện thay thế phù hợp. Xe chiến đấu BMP-3 của Nga không thể sửa chữa bằng những linh kiện lấy từ phương tiện tương tự của Ukraine.
Một lữ đoàn khác có thể sở hữu linh kiện thay thế, nhưng quân đội Ukraine hiện không có cơ chế để phân bổ hay lưu trữ thông tin. Theo Ruslan, quân đội nên xây dựng một cơ sở dữ liệu theo dõi các linh kiện. "Nó sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và nguồn lực", Ruslan chia sẻ.
Một sĩ quan thuộc Lữ đoàn 14, đơn vị duy nhất chiến đấu trên tất cả các mặt trận chính ở Ukraine, nói đùa rằng người Ukraine luôn muốn giữ chặt những gì họ coi là quý giá. Vậy nên đề nghị một lữ đoàn khác cung cấp linh kiện xe tăng, xe bọc thép là điều không dễ dàng.
Khí tài quân sự Nga mới hơn so với các vũ khí thời Liên Xô mà Ukraine đang sở hữu.
Tại tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine, Vadym Ustymenko, thành viên một đơn vị xe tăng thuộc Lữ đoàn Tấn công Đổ bộ Đường không số 25, nói mình đã phải thay xe tăng "6-7 lần" trong 7 tháng qua vì chúng thường xuyên phải sửa chữa. Ustymenko đang điều khiển chiếc xe tăng T-80 - mẫu xe tăng tốt nhất của Ukraine hiện nay.
Lữ đoàn 25 là đơn vị đầu tiên tiến vào thành phố Izyum sau khi lực lượng Nga rút lui vào tháng 9, bỏ lại một lượng lớn xe tăng và xe bọc thép.
"Số xe thiết giáp bị bỏ lại rất nhiều, nhưng chỉ vài chiếc có thể hoạt động được", Vadym nói. "Những chiếc cần sửa chữa nhưng vẫn đủ khả năng hoạt động có lẽ chiếm khoảng 30%. 50% còn lại cần rất nhiều công sức sửa chữa".
Các lữ đoàn chiến đấu Ukraine đều có các đơn vị trinh sát chuyên tìm kiếm các khí tài Nga bỏ lại trên chiến trường.
Quân đội Ukraine cũng có thể tháo dỡ khí tài tương đối mới mà Nga bỏ lại để lấy linh kiện, bổ sung cho các mẫu xe tăng chiến đấu có tuổi đời hàng chục năm, theo Washington Post.
Theo Ruslan, thông thường, phần khó khăn nhất trong việc sửa chữa xe tăng Nga nằm ở việc xác định vấn đề, do Ukraine không có trang thiết bị sửa chữa phù hợp.
Cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra với cường độ cao cũng đặt ra nhiều thách thức trong công việc bảo trì trang thiết bị quân sự. Những tháng mùa đông khắc nghiệt cũng là thử thách do thường gây hao mòn nhiều hơn.
Mất điện liên tục cũng là một trở lại lớn, làm trì hoãn công việc của tiểu đoàn sửa chữa của quân đội Ukraine ở Kharkiv. Khi tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra, một chiếc máy phát chạy xăng không đủ công suất để cung cấp năng lượng cho tất cả thiết bị sửa chữa.
"Đây có thể là một trong những mục tiêu của Nga khi tập kích cơ sở hạ tầng năng lượng", Ruslan nói. "Người Nga làm điều đó chắc chắn là có lý do".
Đăng Nguyễn - Washington Post