Ukraine, mảnh đất "kẹt" giữa Nga và phương Tây

Thứ 7, 13/08/2022 18:52

Mỗi khi Ukraine nghiêng quá về Nga hay phương Tây thì đều xuất hiện những trở lực kéo lại, khiến quốc gia này luôn bị chia rẽ và "giằng xé".

img

Ukraine nằm giữa Nga và châu Âu. Ảnh minh họa: Wikimedia Commons

Đất nước Ukraine với hơn 43 triệu dân là gạch nối địa lý giữa Nga và châu Âu. Điều này phần nào tạo ra khác biệt văn hóa và sự giằng co giữa hai miền đông - tây của Ukraine. Một bên có xu hướng thân Nga, bên kia lại ngả về phương Tây nhiều hơn. Điều này có thể là nguồn gốc dẫn đến sự "chung chiêng" của Ukraine giữa hai thế lực lớn. Loạt bài này sẽ phần nào cung cấp tư liệu lịch sử và phân tích một số khía cạnh của vấn đề nói trên. Mời độc giả cùng theo dõi.

Nina Jankowicz, một thành viên tại Trung tâm Wilson (Mỹ), giải thích với tờ Washington Post rằng, Ukraine có nghĩa là "borderland" (vùng biên giới) trong tiếng Nga. Cách gọi này trước đây ngụ ý Ukraine là một phần của vùng biên giới Nga. Cư dân ở vùng biên giới thường là tập hợp những người có ngôn ngữ, tôn giáo và phong tục khác nhau.

Những người sống ở mỗi đầu của "borderland" sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi vùng giáp ranh với họ. Trong trường hợp của Ukraine, phía tây nước này giáp châu Âu, còn phía đông giáp Nga. Điều này phần nào lý giải vì sao cộng đồng người Ukraine ở phía tây đất nước thân với phương Tây hơn, trong khi cộng đồng ở phía đông Ukraine ngả về Nga hơn.

Tại những vùng biên giới như Ukraine, có nhiều câu chuyện trái ngược về nguồn gốc của quốc gia này.

Người Ukraine truyền lại cho nhau câu chuyện về nguồn gốc của nước này từ thế kỷ 11, trải qua nhiều thế kỷ bị Nga và Ba Lan kiểm soát, rồi sau đó tuyên bố độc lập năm 1991.

Với người Nga, từ thế kỷ thứ 9, các tỉnh miền tây và miền nam đất nước (ngày nay là Ukraine) chủ yếu là người Slavic ở biên giới (người Ukraine) sinh sống. Người Nga coi Ukraine là một phần của đế chế Nga trong nhiều thế kỷ sau đó.

Nguồn gốc chia rẽ đông – tây

Theo National Geographic, di sản chung của Nga và Ukraine có từ hơn 1.000 năm về trước khi Kiev, thủ đô của Ukraine hiện tại, là trung tâm của nhà nước Slavic đầu tiên - Kievan Rus. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói: "Người Nga và người Ukraine là một dân tộc, một tổng thể duy nhất". 

Tuy nhiên, trong hơn 10 thế kỷ qua, Kiev nhiều lần bị các cường quốc xâm chiếm. Vào thế kỷ 13, Kievan Rus chịu sự đô hộ của các chiến binh Mông Cổ từ phía đông. Quân đội Ba Lan và Litva xâm chiếm Kievan Rus từ phía tây vào thế kỷ 16. 

Vào thế kỷ 17, cuộc chiến giữa khối thịnh vượng chung Ba Lan - Lithuania và Sa hoàng Nga diễn ra ở Ukraine. Cuối cùng, các vùng đất phía đông Ukraine (tả ngạn sông Dnieper) nằm dưới sự kiểm soát của đế quốc Nga. Trong khi đó, các vùng đất phía tây Ukraine (hữu ngạn sông Dnieper) thuộc kiểm soát của Ba Lan. 

Khối thịnh vượng chung Ba Lan - Lithuania tiếp tục giao tranh với đế quốc Nga trong suốt năm 1792. Kết quả cuối cùng là đế quốc Nga chiến thắng và kiểm soát các vùng đất phía tây Ukraine năm 1793. Trong những năm sau đó, đế quốc Nga áp dụng chính sách cấm sử dụng và dạy tiếng Ukraine ở đây, đồng thời bắt những người Ukraine phải chuyển sang Chính thống giáo Nga. 

Vì phía đông Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga sớm hơn so với phía tây Ukraine nên người dân ở phía đông có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga và ủng hộ các nhà lãnh đạo thân Nga. Ngược lại, phía tây Ukraine đã trải qua nhiều thế kỷ dưới sự kiểm soát của các cường quốc châu Âu trong quá khứ như Ba Lan, đế chế Áo - Hung. Điều này lý giải vì sao người Ukraine ở phía tây đất nước có xu hướng ủng hộ các chính trị gia thân phương Tây hơn. Dân số phía đông Ukraine có xu hướng nói tiếng Nga nhiều hơn và theo Chính thống giáo. Trong khi đó, người dân ở phía tây thường nói tiếng Ukraine và theo Công giáo. 

Sự chia rẽ đông-tây ở Ukraine được thể hiện trong các cuộc tranh luận về việc có nên đưa tiếng Nga trở thành ngôn ngữ chính thức của Ukraine hay không. Sự chia rẽ cũng đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo Ukraine phải cân bằng chính sách đối ngoại một cách thận trọng, tích cực phát triển quan hệ với EU và Nga, đồng thời cẩn thận không quá ưu ái cho bất kỳ bên nào.

img

Khu vực phía tây Ukraine có xu hướng ngả về phương Tây, trong khi khu vực phía đông nước này có xu hướng thân Nga. Ảnh minh họa: LA Times

Lịch sử hiện đại của Ukraine với tư cách một quốc gia độc lập trải qua những năm tháng hỗn loạn của một nước cộng hòa nhân dân Ukraine bị lung lay giữa sự sụp đổ của đế quốc Nga năm 1917 và sự hợp nhất của Liên Xô vào năm 1920.

Theo The Conversation, việc sáp nhập vào Liên Xô là một dấu mốc quan trọng trên con đường dẫn tới chủ quyền quốc gia của Ukraine. Việc sáp nhập này thiết lập ranh giới lãnh thổ, công nhận người Ukraine mang quốc tịch Liên Xô.

Từ giữa thập niên 50, quan chức cấp cao nhất của Ukraine luôn là người Ukraine. Ngoài ra, Ukraine cũng có người trong Bộ chính trị Liên Xô và có ảnh hưởng đáng kể đến các vấn đề quốc gia của Liên Xô, theo The Conversation.

Chủ nghĩa dân tộc và cuối cùng là tư tưởng ly khai gia tăng ở Ukraine trong giai đoạn 1985 - 1991. Cuối năm 1991, khoảng 70% dân số Ukraine bỏ phiếu để không tách khỏi Liên Xô. Nhưng tới tháng 12 cùng năm, phần lớn người Ukraine ủng hộ tách khỏi Liên Xô.

Theo Geohistory Today, sự chia rẽ văn hóa và sắc tộc tương tự ở Ukraine đã dẫn đến nội chiến và xung đột vũ trang ở một số quốc gia. Dù tránh được điều này, nhưng Ukraine vẫn không tránh khỏi biến động chính trị. Năm 2004, ứng cử viên Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych - một người thân Nga - được tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraine. Tuy nhiên, do có thông tin gian lận bầu cử, những người biểu tình đã tập trung ở các thành phố lớn của Ukraine, đòi tổ chức lại bầu cử.

Chính phủ Ukraine không có lựa chọn nào khác ngoài tổ chức một vòng bầu cử mới. Trong lần bầu cử này, ông Viktor Yushchenko - một người thân phương Tây - giành chiến thắng với 52% phiếu bầu.

Ông Yushchenko điều hành đất nước với lập trường ủng hộ hội nhập châu Âu và NATO. Dù nhiệm kỳ bắt đầu với nhiều sự phô trương quốc tế, nhưng chính phủ của ông Yushchenko không thể thống nhất các lợi ích chính trị của đất nước. Chính phủ Ukraine cũng bị chia rẽ nội bộ khi ông Yushchenko mâu thuẫn với Thủ tướng Yulia Tymoshenko.

Ông Yushchenko cũng không thể củng cố các thể chế của Ukraine đủ tốt để cải thiện việc thu thuế và chống tham nhũng. Điều này dẫn đến hậu quả là nợ công tăng cao. Đặc biệt, Ukraine sớm gặp phải những vấn đề lớn trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính bên trong và bên ngoài sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu. 

Nền kinh tế Ukraine lúc đó còn bị ảnh hưởng vì mất nguồn khí đốt do Nga trợ cấp. Ngành công nghiệp của Ukraine, từ các nhà máy thép, điện đến các nhà máy hóa chất, tất cả đều phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để vận hành. Nga khi đó cung cấp phần lớn khí đốt tự nhiên cho Ukraine. Vì vậy, khi Nga yêu cầu tăng giá khí đốt, Ukraine phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi kinh tế bất ổn.

Năm 2010, Viktor Yanukovych - ứng viên thân Nga và từng thất bại trong cuộc bầu cử lại năm 2004 - được bầu làm Tổng thống Ukraine. Cũng giống như cuộc bầu cử năm 2004, ông Yanukovych nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các khu vực ở miền đông Ukraine, nơi có xu hướng thân Nga.

Năm 2019, ông Volodymyr Zelensky, người có xu hướng ngả về phương Tây, đắc cử với tỷ lệ ủng hộ 73%. Giới chuyên gia cho rằng ông Zelensky - người khi đó chưa có kinh nghiệm chính trị - nhận được nhiều ủng hộ vì người Ukraine quá thất vọng về tình hình chính trị, cuộc chiến với quân ly khai, nghèo đói và tham nhũng. Ông Zelensky khi nhậm chức tuyên bố duy trì lập trường cứng rắn với Nga, đồng thời cam kết giữ vững lập trường thân phương Tây từ thời ông Poroshenko. Việc ông Zelensky ngả nhiều về phương Tây được cho là lý do khiến Nga cảm thấy không yên tâm và có những phản ứng gay gắt.

img

Vấn đề chia rẽ ở Ukraine còn thể hiện rõ qua các đời lãnh đạo: Có người thân Nga, có người ngả về phương Tây. Ảnh minh họa: istock

Vấn đề gián điệp

Một biểu hiện của chia rẽ ở Ukraine phần nào thể hiện ở vấn đề gián điệp. Theo tờ New York Times (Mỹ), ở cuộc xung đột mới nhất tại Ukraine, Kiev phải vừa tập trung chống lại quân Nga ở tiền tuyến, vừa phải âm thầm thanh lọc gián điệp ngay trong nội bộ. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, nguy cơ từ gián điệp trong chính phủ, giáo hội, cơ quan tình báo cũng như những người Ukraine gốc Nga ở miền đông đất nước khiến Kiev gặp khó khăn trong nhiều năm. Vấn đề này càng nhức nhối hơn trong bối cảnh xung đột. 

Tờ báo Mỹ đưa tin, binh sĩ Ukraine ở các ngôi làng và thị trấn ở miền đông Ukraine luôn có nỗi lo thường trực rằng vị trí của họ sẽ bị chỉ điểm vì đây là khu vực có nhiều người thân Nga. 

Các quan chức Nga cho biết, vấn đề gián điệp đôi khi không phải chỉ đơn giản là chuyện tiền bạc mà có nhiều người Ukraine có cảm tình với Nga. Những người này sẽ thông tin cho quân đội Nga về vị trí của quân đội Ukraine hay vị trí kho đạn, kho vũ khí. Không ít người cộng tác với Moscow còn tháo gỡ chất nổ ra khỏi các cây cầu để mở đường tiến quân cho binh sĩ Nga. 

Một số nhà lập pháp Ukraine còn cho biết, các linh mục Chính thống giáo có thiện cảm với Nga cũng đưa ra những bài thuyết giảng có quan điểm ủng hộ Nga. Đồng thời, những người này cũng chỉ điểm vị trí các mục tiêu của quân Ukraine cho quân Nga. 

Không chỉ ở địa phương, Tổng thống Ukraine còn lo ngại vấn đề gián điệp ở cả cấp trung ương. Cơ quan An ninh Nội địa Ukraine (SBU) có số lượng nhân viên lớn nhất ở châu Âu với khoảng 27.000 người. 

Số lượng lớn cộng với việc hoạt động ở nhiều lĩnh vực nên việc SBU có gián điệp là điều không khó, theo tờ New York Times.

Hồi cuối tháng 3, ông Zelensky sa thải 2 tướng lĩnh trong lực lượng an ninh vì tội phản quốc.  Trong 2 tướng lĩnh bị sa thải, một người phụ trách an ninh của tỉnh Kherson, người còn lại phụ trách an ninh nội địa chung của Ukraine.

img

Tổng công tố viên Iryna Venediktova (phải) và Giám đốc SBU Ivan Bakanov bị ông Zelensky sa thải vào tháng 7. Ảnh: Reuters

Giữa tháng 7, ông Zelensky đã cách chức Tổng công tố viên Iryna Venediktova và Giám đốc SBU Ivan Bakanov. 

Tổng thống Ukraine nói rằng 2 quan chức cấp cao bị cách chức dù không mắc tội phản quốc nhưng đã làm ngơ khi những người dưới quyền của họ phản quốc.  

Sau khi đuổi việc 2 quan chức này, ông Zelensky cho biết Kiev đã mở 651 cuộc điều tra hình sự với cảnh sát, công tố viên và các quan chức an ninh khác vì nghi ngờ phản quốc.

----------------------------

Bắt nguồn từ việc Tổng thống Ukraine từ chối ký hiệp định liên kết với Liên minh châu Âu (EU), một loạt các biến cố sau đó đã đưa các nhân vật thân phương Tây lên lãnh đạo Ukraine. Mời độc giả đón đọc cụ thể trong bài kỳ tới đăng lúc 19h ngày 14.8 trên mục Thế giới.

Nguyễn Thái (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.