Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 19/5 đã lên án cuộc bắn phá vô nghĩa của các lực lượng Nga nhằm vào Donbass, khiến vùng công nghiệp này bị “phá hủy hoàn toàn".
Ông Zelenskyy cũng cáo buộc các lực lượng Nga cố gắng tiêu diệt càng nhiều người Ukraine và gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng của nước này càng nhiều càng tốt.
Ông cho biết, trong khi các lực lượng Ukraine đang tiếp tục giải phóng khu vực Kharkiv ở phía Đông Thủ đô Kyiv, Nga đang cố gắng gây sức ép nhiều hơn nữa ở Donbass (bao gồm Donetsk và Lugansk), miền Đông đất nước.
Trong bài phát biểu video đêm muộn của mình, Tổng thống Ukraine cho biết thêm 12 người đã thiệt mạng trong "cuộc bắn phá tàn bạo và hoàn toàn vô nghĩa" ở Severodonetsk thuộc vùng Lugansk hôm 19/5.
"Khu vực Odessa và các thành phố ở miền Trung Ukraine cũng liên tục bị tấn công. Donbass đã bị phá hủy hoàn toàn", ông Zelenskyy nói.
Moscow đã phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2 nhằm phi quân sự hóa nước láng giềng.
Trước đó, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết, Nga thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các khu vực khác ở Donbass nhưng không thu được kết quả, thậm chí còn phải chịu đựng những sự kéo lùi.
Trong một báo cáo hôm 19/5, các quan chức Ukraine cho biết, các lực lượng do Moscow hậu thuẫn đã "chịu tổn thất đáng kể" xung quanh khu định cư Velyka Komyshuvakha, ở phía Bắc vùng Donetsk.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine cũng cho biết, mặc dù giao tranh dữ dội xảy ra ở vùng Luhansk - bao gồm cả các cuộc tấn công mặt đất với sự hỗ trợ của máy bay Nga - nhưng Moscow đã không đạt được nhiều tiến triển.
Cuối ngày 18/5, Quân đội Ukraine tuyên bố đã giành được thêm lãnh thổ ở vùng Kharkiv. Cụ thể, các lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát làng Dementievka, gần biên giới Nga, trong một cuộc tiến công về phía Bắc Kharkiv, thành phố thứ hai của Ukraine nằm ở vùng cùng tên.
Thêm nhiều viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken hôm 19/5 cho biết, ông đã thông qua gói viện trợ trị giá 100 triệu USD cho Ukraine.
Gói này bao gồm "vũ khí, thiết bị và vật tư bổ sung của Mỹ cho Kyiv để củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine trước Nga. Chúng tôi đoàn kết với Ukraine", ông Blinken viết trên Twitter.
Trước đó, hôm 19/5, Thượng viện Mỹ đã thông qua gần 40 tỷ USD viện trợ cho Ukraine với kết quả áp đảo: 86 phiếu ủng hộ và 11 phiếu chống.
Như vậy gói viện trợ “khủng” này đã được Lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua chỉ 3 tuần sau khi Tổng thống Joe Biden đề xuất. Thậm chí gói này còn nhiều hơn 7 tỷ USD so với gói mà ông Biden đề xuất (33 tỷ USD).
Ông Biden dự kiến sẽ nhanh chóng ký dự luật này thành luật trong bối cảnh Washington đang chạy đua với thời gian để tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine khi cuộc xung đột với Nga đã kéo dài gần 3 tháng.
G7 cam kết hơn 15 tỷ USD viện trợ kinh tế cho Ukraine
Bộ trưởng Tài chính các nước G7 hôm 19/5 đã đồng ý cung cấp cho Ukraine các nguồn tài chính mà nước này cần trong cuộc chiến chống lại sự gây hấn của Nga, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết.
Tuy nhiên, bà Yellen không xác nhận con số 18,4 tỷ USD được cam kết trong dự thảo thông cáo của nhóm.
Sau ngày đầu tiên của cuộc họp giữa các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G7 ở gần thành phố Bonn của Đức, bà Yellen nói với các phóng viên rằng tổng các cam kết hỗ trợ kinh tế mà Ukraine cần trong 3 tháng tới đã vượt qua con số 15 tỷ USD.
Theo bà Yellen, Mỹ hứa cấp 7,5 tỷ USD viện trợ kinh tế, Ủy ban châu Âu là 9 tỷ Euro (9,5 tỷ USD), và các quốc gia khác bao gồm Canada và Đức cũng đã đưa ra các cam kết.
Riêng Đức đã cam kết viện trợ không hoàn lại 1 tỷ Euro (1,05 tỷ USD) cho Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thông báo tại cuộc họp trên.
Khoản tiền này sẽ đến từ ngân sách năm 2022 của Đức chứ không phải từ các khoản vay. Nó nhằm mục đích hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong bối cảnh đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột với Nga.
Mỹ gửi thêm lựu pháo, phương tiện chiến thuật và radar cho Ukraine
Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ, gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ trị giá 100 triệu USD cho Ukraine đang trên đường đến nơi cần đến.
Gói viện trợ này bao gồm 18 lựu pháo cỡ nòng 155 mm, 18 phương tiện chiến thuật để kéo những lựu pháo này, 3 hệ thống radar phản pháo kích AN/TPQ-36 cùng các thiết bị dã chiến và phụ tùng thay thế, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết trong một cuộc họp báo chiều ngày 19/5.
Ông Kirby không cho biết chính xác ngày giờ nào những thiết bị trên sẽ có mặt ở Ukraine, nhưng cam kết Mỹ đang hành động để quá trình này hoàn tất sớm nhất có thể.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát thành hành động quân sự hôm 24/2, Mỹ đã cung cấp gần 4 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine, vị quan chức Lầu Năm Góc cho biết.
Trước gói viện trợ này, Mỹ đã cung cấp 90 lựu pháo M777 cỡ nòng 155 mm cho Ukraine, cùng với hơn 200.000 viên đạn pháo. Mỹ cũng đã cung cấp hơn 1.400 hệ thống phòng không Stinger, hơn 5.000 hệ thống chống thiết giáp Javelin và hơn 700 hệ thống máy bay không người lái chiến thuật Switchblade.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất gửi hỗ trợ cho Ukraine, ông Kirby nói, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với các quốc gia đối tác và đồng minh để cung cấp cho Ukraine những gì cần thiết để họ có thể tự mình bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tướng cấp cao Mỹ và Nga điện đàm
Tổng Tham mưu trưởng Nga Valery Gerasimov và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley đã tham gia cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Lầu Năm Góc cho biết hôm 19/5.
"Các nhà lãnh đạo quân đội đã thảo luận về một số vấn đề liên quan đến an ninh mà 2 bên quan tâm và nhất trí giữ các đường dây liên lạc mở", người phát ngôn của ông Milley cho biết.
"Theo thông lệ trước đây, các chi tiết cụ thể về cuộc trò chuyện của họ sẽ được giữ kín", người phát ngôn bổ sung.
Bộ Quốc phòng Nga cũng thông báo về cuộc điện đàm.
Cuộc điện đàm diễn ra 6 ngày sau cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước.
Nga nêu điều kiện để mở lại các cảng của Ukraine ở Biển Đen
Bộ Ngoại giao Nga hôm 19/5 tuyên bố sẽ chỉ xem xét việc mở cửa các cảng của Ukraine ở Biển Đen nếu việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Nga cũng được xem xét, hãng tin Interfax đưa tin.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Andrei Rudenko, được dẫn lời nói: “Quý vị không nên chỉ đề nghị Liên bang Nga làm gì mà còn phải nhìn sâu vào toàn bộ các lý do gây ra cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay, trong đó bao gồm việc Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, việc can thiệp vào thương mại tự do thông thường đối với các sản phẩm thực phẩm và phục vụ sản xuất nông nghiệp như lúa mì, phân bón…”
Bình luận của ông Rudenko được đưa ra sau khi Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) David Beasley lên tiếng that thiết yêu cầu ông dỡ bỏ sự phong tỏa của Nga đối với các cảng ở Biển Đen nếu không hàng triệu người sẽ chết đói trên khắp thế giới.
WFP cung cấp lương thực cho khoảng 125 triệu người và mua 50% ngũ cốc từ Ukraine.
Ukraine nằm trong số 5 nước xuất khẩu hàng đầu trên toàn cầu đối với một số sản phẩm nông nghiệp quan trọng, bao gồm ngô, lúa mì và lúa mạch, đồng thời cũng là nhà xuất khẩu chính đối với dầu hướng dương và bột thô.
Đầu ngày 19/5, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã cảnh báo rằng tình trạng thiếu lương thực do xung đột ở Ukraine có thể dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, đói ăn và nạn đói trên diện rộng và lan ra thành một cuộc khủng hoảng có thể kéo dài nhiều năm trên toàn thế giới.
Minh Đức (Theo Reuters, DW, Al Jazeera)