Binh sĩ Ukraine nạp đạn pháo ở vùng Chernigiv vào tháng 11/2023. Ảnh: Sergei Supinsky
Theo Newsweek, các nghị sĩ tại Hạ viện Đức ngày 18/1 đã bác bỏ đề xuất cung cấp cho Ukraine tên lửa Taurus, làm tiêu tan hy vọng của Kiev về việc nhận thêm vũ khí tầm xa.
Theo tờ DW, đề xuất này không được Đức ủng hộ vì lo ngại Ukraine sử dụng tên lửa Taurus tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga. Nếu xảy ra, điều đó có thể kéo Đức và NATO vào xung đột Nga - Ukraine.
Cũng trong ngày 18/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov cảnh báo, quân đội nước này đang rất cần đạn pháo, cho rằng "Nga vượt trội hơn Ukraine rất nhiều trong các cuộc tấn công bằng pháo hàng ngày" và số đạn pháo mà các lực lượng Nga bắn ra nhiều hơn "từ 5-10 lần" so với quân đội Ukraine.
"Tình trạng thiếu đạn dược là một vấn đề cực kỳ cấp bách mà quân đội Ukraine đang phải đối mặt", ông Umierov nói. "Chúng ta cần cùng nhau tìm cách giải quyết ngay vấn đề này".
Chia sẻ với Reuters vào tháng trước, chuẩn tướng Oleksandr Tarnavskyi cho biết, quân đội Ukraine đang "sửa lại kế hoạch" chiến lược do tình trang thiếu đạn pháo "trên toàn bộ chiến tuyến".
Dù Hạ viện Đức từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine, nhưng Thủ tướng Đức Olaf Scholz đầu tuần này cho biết, Đức cam kết viện trợ quân sự 7 tỷ euro (khoảng 7,6 tỷ USD) cho Ukraine trong năm nay.
Chính phủ Đức ngày 17/1 thông báo, Ukraine đã nhận được chuyến hàng viện trợ từ Berlin, bao gồm các loại như đạn dược cho xe tăng Leopard, UAV trinh sát. Chuyến hàng này không có tên lửa hoặc đạn pháo.
Ukraine đã nhận được một số vũ khí tầm xa. Pháp và Anh tiếp tục cung cấp tên lửa hành trình Storm Shadow và SCALP, có tầm bắn lên tới gần 500km.
Năm ngoái, Mỹ đã gửi tên lửa ATACMS có tầm bắn gần 300km cho Kiev. Tuy nhiên, các tên lửa này đã được điều chỉnh để chỉ có thể có tầm bắn tối đa là 160km, theo AP.
Sau thời gian đầu ổn định, dòng viện trợ quân sự từ phương Tây cho Ukraine gần đây bị đình trệ. Các gói viện trợ bổ sung cho Kiev của Mỹ và EU đều đang bị chặn lại.
Nguyễn Thái - Newsweek