Các lực lượng Ukraine được cho là đã thành công ngăn chặn quân đội Nga bao vây thành phố lớn thứ hai của đất nước và thậm chí đã đẩy lùi họ ra khỏi phạm vi có thể pháo kích vào thành phố.
Quân đội Nga được cho là đang rút khỏi Kharkiv sau nhiều tuần giao tranh.
Quân đội Ukraine hôm 14/5 xác nhận, Quân đội Nga đang rút lui khỏi thành phố lớn miền Đông Bắc và tập trung vào việc bảo vệ các tuyến đường tiếp tế.
"Địch đang nỗ lực nhằm đảm bảo an toàn rút lui khỏi thành phố Kharkiv", người phát ngôn của Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết.
Các quan chức phương Tây cũng cho biết, Ukraine đã đẩy lùi các lực lượng Nga khỏi các khu vực xung quanh Kharkiv, nơi từng là mục tiêu chính của quân đội Moscow.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, đồng tình với đánh giá này.
“Các đơn vị Nga nói chung không cố gắng bám trụ để chống lại các cuộc phản công của các lực lượng Ukraine trong nhiều ngày qua”, ISW nhận định.
“Vì vậy, Ukraine dường như đã thắng trong Trận Kharkiv. Các lực lượng Ukraine đã ngăn không cho Quân đội Nga bao vây, chứ chưa nói đến việc chiếm giữ Kharkiv, và sau đó đánh bật họ ra khỏi thành phố, rất giống với Trận Kiev”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong bài phát biểu video hàng ngày của mình, đã ca ngợi diễn biến trên. Ông nói: “Việc dần dần giải phóng vùng Kharkiv chứng tỏ rằng chúng ta sẽ không để bất cứ ai rơi vào tay địch”.
Cao trào xung đột
Sau khi rút khỏi các khu vực xung quanh Thủ đô Kiev, các lực lượng Nga đã chuyển trọng tâm sang Donbass, một vùng công nghiệp nơi Quân đội Ukraine đã chiến đấu với phe ly khai thân Nga kể từ năm 2014.
Người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự của Ukraine nói với hãng tin Sky News (Anh) hôm 14/5 rằng, cuộc xung đột với Nga có thể đạt đến cao trào vào tháng 8 và kết thúc trước cuối năm nay với sự thất bại của Nga.
Thiếu tướng Kyrylo Budanov, 36 tuổi, cho biết ông “lạc quan” về quỹ đạo hiện tại của cuộc xung đột.
“Cao trào của cuộc xung đột sẽ đến vào nửa cuối tháng 8”, ông Budanov nhận định. “Hầu hết các hoạt động quân sự sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Do đó, chúng tôi sẽ tái tạo sức mạnh của Ukraine trên tất cả các vùng lãnh thổ mà chúng tôi đã mất, bao gồm Donbass và Crimea”.
Ông Budanov lạc quan cho rằng Ukraine biết “mọi thứ về kẻ địch của mình” và kế hoạch mà Nga đang được thực hiện.
Trận chiến trên sông Siversky Donets
Các quan chức Ukraine và Anh cho biết, các lực lượng Nga đã bị tổn thất nặng nề khi quân Ukraine tập kích và phá hủy một cây cầu phao mà quân Nga sử dụng để vượt qua sông Siversky Donets ở miền Đông đất nước.
Bộ chỉ huy đường không của Ukraine đã công bố các bức ảnh và video về những gì họ cho là một cây cầu phao của Nga bị hư hỏng bắc qua sông Siversky Donets ở Bilohorivka, tỉnh Lugansk, và một số phương tiện quân sự của Nga bị phá hủy hoặc hư hỏng gần đó.
Người Ukraine cho biết, họ đã phá hủy ít nhất 73 xe tăng và các thiết bị quân sự khác trong trận chiến kéo dài 2 ngày hồi đầu tuần. Bộ chỉ huy đường không của Ukraine tuyên bố đã “nhấn chìm quân địch”.
Bộ Quốc phòng Anh nhận định, Nga đã mất "các yếu tố cơ động thiết giáp quan trọng" của ít nhất một nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) trong cuộc tấn công. Một BTG của Nga bao gồm khoảng 1.000 quân.
Bộ này cho biết trong bản cập nhật tình báo hàng ngày: Việc tiến hành vượt sông trong môi trường có nhiều tranh chấp là một hoạt động có tính rủi ro cao và cho thấy áp lực mà các chỉ huy Nga đang phải đối mặt để đạt được tiến triển trong các hoạt động của họ ở miền Đông Ukraine.
Sức nóng trên mặt trận Donbass chưa bao giờ nguội, và thậm chí càng trở nên mãnh liệt kể từ khi Nga rút quân khỏi các khu vực xung quanh Thủ đô Kiev và dồn quân về mặt trận này trong cái mà họ gọi là “giai đoạn tiếp theo của chiến dịch” ở Ukraine.
Để có được bức tranh đầy đủ về cuộc xung đột đang diễn ra ở miền Đông Ukraine là rất khó khăn do không kích và pháo kích liên miên, cản trở hoạt động tác nghiệp của các các phóng viên và thậm chí gây nguy hiểm cho họ, Al Jazeera cho biết.
Thêm vào đó, cả Ukraine và phe ly khai do Moscow hậu thuẫn đang chiến đấu ở miền Đông cũng đã đưa ra các hạn chế chặt chẽ về việc đưa tin từ khu vực xung đột.
Nga cảnh báo NATO về việc triển khai các lực lượng hạt nhân gần biên giới
Các hãng thông tấn Nga ngày 14/5 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Alexander Grushko cho biết, Điện Kremlin sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa nếu NATO triển khai các lực lượng hạt nhân gần biên giới với Nga.
"Cần phải đáp trả... bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để đảm bảo khả năng răn đe", hãng tin Interfax dẫn lời ông Grushko cho biết.
Bình luận của Thứ trưởng Ngoại giao Nga được đưa ra trong bối cảnh Phần Lan và Thụy Điển đang ngày càng tiến gần hơn đến khả năng gia nhập NATO.
Ông Grushko cho biết, Moscow không có ý định thù địch với Phần Lan và Thụy Điển, và không thấy có lý do "thực sự" nào để họ gia nhập NATO.
Nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, điều này sẽ đánh dấu một bước ngoặt đối với 2 nước sau nhiều thập kỷ trung lập về quân sự.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, DW)