Hệ thống phòng không NASAMS của Mỹ (ảnh: RT)
“Các hệ thống phòng không NASAMS và Aspide đã có mặt ở Ukraine. Chúng sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh và giúp lực lượng Ukraine bảo vệ bầu trời tốt hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục bắn hạ các mục tiêu của đối phương. Xin cảm ơn các đối tác gồm Mỹ, Na Uy và Tây Ban Nha”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov viết trên Twitter hôm 7/11.
Ông Oleksii Reznikov cũng đăng hình ảnh 2 hệ thống phòng không NASAMS và Aspide lên mạng xã hội.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tuyên bố nhận được 2 hệ thống tiên tiến trong cùng một ngày. Đặc biệt, hệ thống phòng thủ tên lửa NASAMS là vũ khí quân đội Ukraine chờ đợi suốt nhiều tháng.
Hồi cuối tháng 9, Tổng thống Ukraine Zelensky thông báo, nước này đã nhận được hệ thống NASAMS đầu tiên từ Mỹ. Văn phòng Tổng thống Ukraine sau đó đính chính rằng nước này chưa nhận được NASAMS.
NASAMS sử dụng tên lửa đất đối không tầm ngắn AIM-120 AMRAAM có tầm bắn 25-30km với độ chính xác cao. Tổ hợp này cũng có thể sử dụng tất cả tên lửa được trang bị cho các tiêm kích NATO. Mỹ sử dụng NASAMS để bảo vệ không phận thủ đô Washington, cho thấy độ hiệu quả của hệ thống này.
Tuần trước, Lầu Năm Góc cho biết 2 trong số 8 hệ thống NASAMS Mỹ cam kết gửi Ukraine sẽ tới Kiev trong tương lai gần.
Aspide là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung do Italia phát triển. Phạm vi đánh chặn mục tiêu của Aspide là từ 25 – 35km. Aspide do công ty quốc phòng Selenia sản xuất vào những năm 1973 và được đưa vào biên chế quân đội Italia từ năm 1978. Aspide nổi tiếng là có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.
Ô phòng không mà NASAMS có thể tạo ra (ảnh: CNN)
So với các loại tên lửa vác vai mà NATO viện trợ cho Ukraine, hệ thống NASAMS và Aspide được cho là hiện đại hơn hẳn. Các hệ thống này là sự bổ sung đáng kể cho khả năng phòng không của Ukraine trong bối cảnh quân đội Nga tăng cường không kích bằng tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái (UAV).
Tuy nhiên, một số chuyên gia Nga cho rằng, số lượng nhỏ hệ thống phòng không do phương Tây viện trợ chưa đủ để giúp Ukraine tạo ô phòng thủ lớn.
Ông Alexander Mikhailov, chuyên gia thuộc Viện phân tích chính trị - quân sự ở Moscow, cho rằng, một vài hệ thống NASAMS chỉ có thể giúp Ukraine kiểm soát một phần không phận, bảo vệ hạ tầng quân sự, cơ sở công nghiệp quan trọng. Đối phó với UAV là nhiệm vụ khó khăn hơn.
Ngoài ra, mỗi tên lửa AIM-120 AMRAAM có giá khoảng 1 triệu USD, tên lửa Aspide có giá khoảng 100.000 USD/quả. Chúng không phù hợp để đánh chặn mục tiêu chỉ có giá vài chục nghìn USD như UAV cảm tử.
“Ukraine có thể phải bắn nhiều tên lửa đánh chặn đắt tiền để đối phó UAV, trước khi đương đầu với các tên lửa hiện đại của Nga”, ông Mikhailov nhận định.
Vương Nam – RT, TASS