Video do Lữ đoàn tác chiến đường không số 79 của Ukraine đăng tải hôm 19/3, quay cảnh một chiếc M1A2 Abrams do Mỹ sản xuất bị UAV FPV Nga đánh trúng, kích nổ khoang chứa đạn gây cháy dữ dội, theo tờ Kyiv Post.
Lữ đoàn đăng video với dòng mô tả ngắn gọn: "Ở Berdychi, xe tăng Abrams bị phá hủy". Làng Berdychi nằm trong tuyến phòng thủ của Ukraine gần thị trấn Avdiivka, vùng Donetsk.
3 trong số 4 người thuộc kíp lái xe tăng Ukraine kịp thời thoát ra ngoài nhưng không rõ số phận của người thứ tư. Khoang chứa đạn kích nổ là dấu hiệu xe tăng bị phá hủy hoàn toàn.
Kyiv Post nhận định, đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy các xe tăng phương Tây cung cấp cho Ukraine không phải là vũ khí hỗ trợ phù hợp.
Sau khoảng một tháng kể từ khi được tung vào chiến đấu, 5 xe tăng M1 Abrams do Ukraine vận hành đã bị phá hủy.
Mike Riedmuller, một cựu sĩ quan quân đội Mỹ từng chỉ huy các nhóm xe tăng Abrams trong chiến tranh Iraq, nói trên tờ Kyiv Post rằng lý do xe tăng NATO không đạt kì vọng chiến đấu ở Ukraine là do UAV tự sát hoạt động quá dày đặc. Các xe tăng NATO chưa từng phải đối phó đe dọa như vậy với cường độ cao trong các cuộc xung đột trước đây.
Theo Kyiv Post, ước tính quân đội Ukraine đã tổn thất 5 xe tăng Abrams kể từ khi được đưa vào chiến đấu hồi tháng 2/2024. Ít nhất 3 chiếc bị phá hủy do UAV FPV ở mặt trận Avdiivka.
Các xe tăng như Abrams, Challenger 2 được coi là vũ khí có thể dễ dàng phá hủy xe tăng Nga trong một cuộc đấu tay đôi. Tuy nhiên, quân đội Ukraine thực tế chưa từng có cơ hội làm điều này vì điều kiện chiến đấu không cho phép.
"Các cuộc đấu xe tăng thực tế rất hiếm khi xảy ra trong môi trường chiến tranh hiện đại. Tôi nghĩ phương Tây đã lầm khi nghĩ rằng cung cấp cho Ukraine vài chục xe tăng hạng nặng là có thể xuyên thủng phòng tuyến Nga", Simon Johnson, cựu sĩ quan quân đội Anh từng vận hành xe tăng, nói trên tờ Kyiv Post.
Ukraine đã mất 5 trong số 31 xe tăng M1 Abrams do Mỹ cung cấp. Ảnh minh họa.
Các xe tăng phương Tây nặng từ 64 - 69 tấn cũng thường xuyên bị mắc kẹt khi di chuyển ở Ukraine trong giai đoạn mùa xuân. Các xe tăng này cũng không thể đi qua cầu vì tải trọng không cho phép.
Một chuyên gia vũ khí phương Tây nói trên tờ Kyiv Post rằng, lý do chính dẫn tới các hạn chế của xe tăng NATO ở Ukraine là vì Kiev không có các vũ khí cần thiết để tổ chức các đợt phản công hỗn hợp.
"Xe tăng ngày nay rất dễ bị tổn thương. Nhưng thiếu xe tăng trong đội hình chiến đấu cũng tạo ra bất lợi", Ian Healy, cựu pháo thủ của xe tăng Challenger 2, nói trên tờ Kyiv Post.
Theo học thuyết quân sự của NATO, xe tăng và bộ binh tiến công luôn cần có không quân yểm trợ mới tạo hiệu quả lớn nhất.
"Đạn dược, UAV, xe bọc thép chở quân và các hệ thống pháo là những gì Ukraine đang rất cần được bổ sung trên bộ chứ không phải xe tăng", cựu sĩ quan Mike Riedmuller nói.
Đăng Nguyễn - Kyiv Post