Nỗ lực này chủ yếu kết hợp tên lửa Mỹ với bệ phóng hoặc radar của Liên Xô và hiện đại hóa các công nghệ từ Chiến Tranh Lạnh. Sự kết hợp này có vẻ đang có hiệu quả, đưa ra tín hiệu cho thấy có thể cải thiện khả năng quốc phòng của Ukraine trong thời điểm quan trọng nhất.
Theo thông tin từ tờ Kyiv Independent, trong cuối tuần vừa rồi, phát ngôn viên của Không quân Ukraine, Yurii Ihnat, trong một cuộc phỏng vấn cho biết, Ukraine đã chuyển đổi thành công một hệ thống phòng không của Liên Xô, cho phép bắn các tên lửa Mỹ cung cấp và đang thử nghiệm sự kết hợp này tại Mỹ. “Chúng tôi đã có được kết quả tích cực khi sử dụng hệ thống phóng tên lửa chống máy bay Buk-M1 tại Mỹ, sau khi hệ thống này được chuyển đổi để sử dụng tên lửa của Mỹ”, ông cho biết.
Cuối tháng 10, các quan chức Mỹ cho biết, những cuộc thử nghiệm đã được thực hiện trong nhiều tháng qua, bao gồm kết hợp các hệ thống Buk-M1 với tên lửa RIM-7 Sea Sparrow của Mỹ, và radar thời Liên Xô với tên lửa AIM-9M Sidewinder của Mỹ. Các báo cáo trong đầu năm nay cho thấy, Ukraine đã tìm ra phương án chỉnh sửa các hệ thống Buk của Liên Xô để bắn các tên lửa RIM-7.
Ông Ihnat tiết lộ, Ukraine đã thích ứng các hệ thống của Liên Xô cho việc bắn các tên lửa khác do nguồn cung eo hẹp và không thể mua thêm tên lửa từ Nga.
Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không như các hệ thống Patriot, IRIS-T, NASAM và súng phòng không Gepard, nhưng Ukraine vẫn vận hành một số hệ thống từ thời Liên Xô, trong đó nổi bật nhất là các hệ thống Buk và S-300. Tuy nhiên, họ đang dần cạn kiệt tên lửa sau khi sử dụng với tần số vô cùng cao nhằm đối phó với các cuộc không kích của Nga. Ngược lại, Mỹ có rất nhiều tên lửa Sea Sparrow và các tên lửa đất đối không khác mà họ có thể cung cấp. Thử thách lớn nhất là kết hợp được hai hệ thống này.
Lầu Năm Góc gần đây đã ưu tiên kết hợp các bộ phận phòng không cho Ukraine trước khi Nga tấn công trong mùa đông, dưới chương trình mang tên FrankenSAM. Ukraine và Mỹ từ lâu đã hợp tác kết hợp vũ khí Liên Xô và Mỹ. Ví dụ, trong tháng 9 năm 2022, thông qua một số phương pháp sáng tạo, Ukraine đã trang bị các tên lửa AGM-88 HARM trên các máy bay MiG-29. Vũ khí của Mỹ trước đó không hề phù hợp với các máy bay chiến đấu của Liên Xô, nhưng một số thay đổi về vật lý và phương pháp phóng đã được áp dụng.
Vào thời điểm đó, lãnh đạo Không quân Mỹ tại châu Âu cho biết, đó là “một nỗ lực phi thường” để kết hợp các tên lửa này với máy bay MiG của Ukraine. Đại tướng James Hecker cho biết: “Chúng có được tích hợp trên MiG như trên F-16 không? Tất nhiên là không. Nên chúng không có toàn bộ các khả năng mà chúng có trên máy bay F-16”. Nhưng chúng có khả năng hoạt động, cho phép Ukraine bắn hạ radar của Nga.
Các vũ khí mới này khiến Ukraine hào hứng và cho thấy có thể đưa ra nhiều thay đổi cho các hệ thống của Liên Xô mà họ sở hữu như bắn tên lửa của Mỹ từ các bệ phóng tự hành, phóng tên lửa đất đối không tầm trung Buk của Liên Xô. Sau đó, vào tháng 1, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp tên lửa Sea Sparrow trong các gói viện trợ. Các quan chức vào thời điểm đó cho biết, Ukraine đã có thể kết hợp Sea Sparrow với Buk, biến lực lượng Kyiv trở thành lực lượng thứ hai trên thế giới có thể phóng phiên bản phòng từ mặt đất của tên lửa này.
Tiềm năng sáng tạo đó thể hiện khả năng ứng biến và thích ứng kho vũ khí của Ukraine, và một ví dụ gần đây nhất là các tên lửa hành trình chống tàu R-360 Neptune được chỉnh sửa để tấn công trên bộ. Tên lửa Neptune đã thành công đáng kinh ngạc trong nhiệm vụ mới, phá hủy hệ thống phòng không S-400 đáng gờm của Nga tại Crimea.
Dự án phòng không FrankenSAM được thực hiện trong thời điểm mang tính bước ngoặt cho Ukraine, với cuộc phản công có thể sẽ kéo dài qua mùa đông và Nga đang chuẩn bị tổ chức tấn công tại một số khu vực và đồng thời củng cố hàng phòng thủ của mình.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuối tháng 10 tuyên bố đưa ra một gói viện trợ mới cho Ukraine bao gồm các hệ thống phòng không và một hệ thống Patriot và cho biết: “Khi mùa đông đang tới gần, chúng tôi sẽ đặt ra một lá chắn phòng vệ chống lại các cuộc tấn công của Nga nhắm vào những cơ sở năng lượng, nước và nhiệt. Đó là vì Nga rõ ràng sẽ một lần nữa sử dụng khí hậu lạnh và thiếu thốn năng lượng làm vũ khí chống lại người dân thường”.
Trong cuối tháng 10, một quan chức Ukraine đã nhắc tới việt sử dụng tên lửa không đối không AIM-9 cho mục đích đất đối không: “Chúng tôi đã tìm ra cách phóng chúng từ mặt đất. Đây giống như là một hệ thống phòng không tự chế vậy”.
Quan chức này cũng cho biết, hệ thống này sẽ giúp Ukraine “vượt qua mùa đông”.
Nguyễn Quang Minh (theo Business Insider)