Theo thông tin từ Bệnh viện K, một trong những loại ung thư phổ biến nhất ngày nay là ung thư bàng quang, chiếm 3% trên tổng các bệnh ung thư phổ biến và xếp thứ 2 trong các loại ung thư đường tiết niệu.
ThS.BS CKII Đỗ Anh Tuấn , Trưởng khoa ngoại tiết niệu, Bệnh viện K, cho biết ung thư bàng quang thường gặp ở người già tuổi trung bình là 69 ở nam và 71 ở nữ. Đây là bệnh hay gặp nhất sau ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới tuổi trung niên và người già. Bệnh này hiếm gặp ở trẻ em và người trẻ tuổi, nam giới có tỉ lệ mắc cao gấp 3 lần nữ giới. Tuy nhiên, ung thư bàng quang cũng đang có xu hướng trẻ hóa do môi trường sống, môi trường làm việc, nguồn nước, đồ ăn chứa hóa chất độc hại cũng như việc hút thuốc lá ngày càng phổ biến hơn trong giới trẻ".
Theo các chuyên gia, thực tế vẫn chưa có câu trả lời chính xác về nguyên nhân dẫn đến ung thư tiết niệu. Tuy nhiên các yếu tố môi trường, di truyền… khiến cho ung thư hệ tiết niệu phát triển nhanh chóng và nguy hiểm.
Theo nghiên cứu, các yếu tố sau được coi là yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư bàng quang:
Hút thuốc lá
Lâu nay người ta vẫn biết hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi. Tuy nhiên, thống kê cho thấy thuốc lá gây ra rất nhiều nguy cơ ung thư cho cơ thể, bao gồm cả ung thư đường tiết niệu. Đây là nguyên nhân gây ra 60-70% số người mắc ung thư bàng quang.
Người hút thuốc có nguy cơ ung thư bàng quang cao ít nhất là 3 lần so với những người không hút thuốc. Hút thuốc cũng liên quan khoảng 1/2 ca ung thư bàng quang ở cả nam và nữ.
Tiếp xúc lâu dài với hóa chất
Ung thư bàng quang cũng có liên quan đến một số phơi nhiễm nghề nghiệp, tiếp xúc lâu dài với các hóa chất độc hại gây ung thư. Điển hình là những người lao động trong các ngành công nghiệp hóa chất, dệt may, sơn, in ấn, cao su… (ví dụ: thuốc nhuộm azo, kim loại nặng, phenacetin, các amin thơm như benzidine và thuốc nhuộm anilin).
Sử dụng thuốc điều trị liều cao
Theo nhiều chuyên gia, lạm dụng thuốc giảm đau có thành phần phenacetin thời gian dài hoặc các thuốc tiểu đường như pioglitazone, thuốc có chứa axit aristolochis cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
Hàm lượng asen trong nước uống
Chất asen có trong nước uống từ lâu đã được nhiều chuyên gia cảnh báo về mức độ độc hại và có nguy cơ gây ung thư bàng quang. Nước uống từ giếng, nguồn nước mới hoặc hệ thống nước công cộng không đáp ứng được tiêu chuẩn về nồng độ asen rất dễ mắc bệnh ung thư bàng quang.
Uống không đủ nước
Nước uống có vai trò rất quan trọng trong đời sống và cơ thể con người. Nước sẽ đào thải các chất độc hại trong cơ thể ra bên ngoài thông qua tiểu tiện. Nếu uống không đủ nước, các chất độc hại sẽ lưu lại trong hệ thống tiết niệu gây ra bệnh lý dẫn đến ung thư bàng quang.
Tiền sử gia đình
Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư bàng quang sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn những người không có yếu tố gia đình ảnh hưởng. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân như viêm đường tiết niệu, sỏi thận mãn tính không điều trị dứt điểm; viêm niệu đạo; sán máng; nhiễm HPV 16, tiền sử chiếu xạ vùng chậu...
Liên quan đến căn bệnh ung thư bàng quang, bác sĩ Đồng Chí Kiên, Khoa Nội 5, bệnh viện K cho biết thêm, do các triệu chứng của bệnh ung thư bàng quang thường khó nhận biết nên nhiều người thường chủ quan xem thường. Tuy nhiên, những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn phát hiện ra bệnh sớm hơn:
-Tiểu lẫn máu: Đây là triệu chứng thường gặp nhất. Tiểu lẫn máu điển hình trong ung thư bàng quang có đặc điểm: tiểu máu từng đợt, tiểu máu đại thể, toàn bãi, không đau. Dựa vào đặc điểm của tiểu máu đại thể có thể khu trú vị trí tổn thương trên đường tiết niệu. Đi tiểu lẫn máu (đầu lần tiểu) thường có nguyên nhân từ niệu đạo. Đi tiểu lẫn máu (cuối lần tiểu) thông thường xuất phát từ cổ bàng quang hoặc niệu đạo tiền liệt tuyến. Đi tiểu lẫn máu (cả lần tiểu) thì có thể do tổn thương từ bất kể nơi nào trên đường tiết niệu: thận, niệu quản, bàng quang.
Đi tiểu lẫn máu cũng có thể xuất hiện ở người bình thường hoặc người có tổn thương lành tính. Theo nghiên cứu 1.930 bệnh nhân tiểu lẫn máu cho thấy: 60% không có bất thường, ung thư bàng quang 12%, nhiễm trùng đường tiết niệu 13%, bệnh của thận 10%, sỏi tiết niệu 4%, ung thư thận 0,6% và ung thư tiền liệt tuyến 0,4%. Ung thư bàng quang gặp phổ biến hơn ở người già, chỉ có 7 bệnh nhân dưới 40 tuổi với biểu hiện đái máu vi thể.
Vì vậy, khi tiểu lẫn máu xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi mà không tìm được nguyên nhân khác phải nghĩ ngay đến ung thư biểu mô đường niệu và phải tiến hành đánh giá toàn bộ hệ thống tiết niệu.
-Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ, nước tiểu sẫm màu: Do bàng quang bị kích thích hoặc bị giảm thể tích. Các triệu chứng này thường xuất hiện đầu tiên, trước khi xuất hiện triệu chứng tiểu có lẫn máu, khi có những dấu hiệu này bạn cũng không nên bỏ qua suy nghĩ đến ung thư bàng quang tại chỗ. Đặc biệt là khi thấy nước tiểu của mình có màu sậm hơn bình thường, dù bạn đã uống đủ lượng nước cần thiết thì nên đi xét nghiệm xem có phải mình đã mắc bệnh ung thư bàng quang hay không.
Ngoài ra bạn có thể gặp các triệu chứng viêm nhiễm đường tiết niệu; tắc nghẽn đường tiết niệu do u xâm lấn hoặc do cục máu đông.
Khi bệnh ở giai đoạn muộn đã di căn xa các biểu hiện, các triệu chứng xâm lấn vào các cơ quan lân cận và triệu chứng của các cơ quan bị di căn thường rõ ràng hơn như đau hông, đau trên xương mu, đau vùng hạ vị, đau tầng sinh môn, đau xương, đau đầu...
-Mệt mỏi, gầy sút, chán ăn cũng là dấu hiệu thường gặp ở giai đoạn muộn và tiên lượng xấu.
Những dấu hiệu trên chưa khẳng định được là bạn đã mắc ung thư bàng quang vì đó cũng có thể gặp ở 1 số bệnh lành tính. Nhưng ngay khi thấy những dấu hiệu trên bạn hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám bao gồm: khám lâm sàng toàn diện, nội soi trực tràng ở nam và trực tràng, âm đạo ở nữ.
Minh Hoa (t/h)