AC-130J là mẫu máy bay tấn công mặt đất uy lực nhất của không quân Mỹ.
Theo thông báo từ Lầu Năm Góc, lực lượng dân quân thân Iran hôm 20/11 đã phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhằm vào căn cứ không quân Al-Asad, nơi có binh sĩ Mỹ đồn trú.
Đây là lần đầu tiên căn cứ Mỹ bị tấn công bằng tên lửa đạn đạo kể từ tháng 1/2020. Lầu Năm Góc nói tên lửa có tầm bắn dưới 300km rơi xuống khu vực căn cứ khiến một số binh sĩ bị thương.
"Tôi xác nhận lực lượng thân Iran đã phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhằm vào căn cứ al-Assad, khiến một số binh sĩ bị thượng và gây hư hại cơ sở hạ tầng", phó thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Sabrina Singh nói.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, quân đội Mỹ đã giáng đòn đáp trả mà không có sự chuẩn bị trước. Cường kích AC-130J nhận lệnh tấn công mục tiêu dân quân Iran khi đang hoạt động trên bầu trời gần khu vực.
Chiếc AC-130J đã bắn trả lực lượng dân quân thân Iran ngay lập tức, phá hủy một xe ô tô và hạ nhiều tay súng có liên quan đến vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo. "Đối phương hứng chịu một số thương vong", Lầu Năm Góc cho biết.
Theo trang mạng The Drive, cường kích AC-130J của không quân Mỹ đã giáng đòn đáp trả đối phương khi hoạt động ở khu vực phía tây thủ đô Baghdad, Iraq.
Cận cảnh pháo chính cỡ 105mm trang bị trên cường kích AC-130J.
AC-130J là mẫu cường kích hạng nặng hiếm hoi mà quân đội Mỹ còn biên chế trong lực lượng không quân. Mẫu máy bay này được gọi là "kho đạn bay" vì mang theo một lượng lớn vũ khí các loại.
Máy bay cần kíp lái gồm 7 người, bao gồm sĩ quan điều khiển vũ khí. Trong môi trường chiến đấu, máy bay hoạt động ở độ cao chỉ khoảng 2.000 mét. Mẫu máy bay này được quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi kể từ năm 1967. Mỗi chiếc AC-130J ước tính có giá khoảng 130 triệu USD.
Cường kích AC-130J được trang bị pháo tự động cỡ 30mm, pháo hạng nhẹ cỡ 105mm, tên lửa Hellfire hoặc các mẫu bom lượn thông minh GBU.
Máy bay được trang bị hệ thống cảm biến và liên lạc tối tân, đặc biệt uy lực trong các hoạt động oanh tạc mục tiêu ở tầm thấp. Khắc tinh của AC-130 là các mẫu tên lửa phòng không vác vai nên quân đội Mỹ thường chỉ cho phép máy bay xuất kích vào ban đêm để đảm bảo an toàn.
Thông thường, cường kích AC-130 hoạt động rất gần mục tiêu, tác chiến độc lập hoặc yểm trợ bộ binh. Cuộc tập kích tối ngày 20/11 cho thấy quân đội Mỹ đã huy động mẫu máy bay này theo dõi lực lượng dân quân thân Iran.
Sự đa dạng vũ khí mà máy bay có thể mang theo, cũng như khả năng hoạt động trên khắp phạm vi chiến trường trong thời gian dài, cung cấp năng lực chiến đấu độc đáo so với các mẫu chiến đấu cơ khác, The Drive nhận định.
Cường kích AC-130J ném bom GBU-39B trong một cuộc tập trận ở Hàn Quốc năm 2023.
Pháo cỡ 105mm trang bị trên máy bay tạo ra hỏa lực mạnh nhất. Nhờ những cải tiến mới, khẩu pháo có thể bắn liên tục trên máy bay mà vẫn duy trì sự ổn định cũng như đảm bảo độ chính xác. Nhờ hệ thống kiểm soát hỏa lực bằng máy bay, kíp lái không mất nhiều thời gian để đưa mục tiêu vào tầm ngắm của pháo cỡ 105mm. Mẫu pháo này khi khai hỏa tạo ra phạm vi sát thương trong khoảng 20 mét tính từ mục tiêu.
Trong thời gian pháo 105mm nạp đạn, kíp lái vẫn có thể tiếp tục nã hỏa lực liên tiếp nhằm vào đối phương bằng pháo cỡ 30mm hoặc tên lửa.
Trong tương lai, Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt của Lực lượng Không quân Mỹ (AFSOC) có kế hoạch nâng cấp cường kích AC-130J để đáp ứng nhu cầu chiến đấu. Kế hoạch bao gồm loại bỏ pháo chính cỡ 105mm, trang bị thêm cho AC-130J tên lửa hành trình cũng như có những cải tiến về mặt radar và thông tin liên lạc.
Đâng Nguyễn - Tổng hợp