Vã mồ hôi ngăn thí sinh sờ đầu rùa ở Văn Miếu

Vã mồ hôi ngăn thí sinh sờ đầu rùa ở Văn Miếu

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:51
0
Bị lực lượng tình nguyện viên ngăn cấm, những sĩ tử vẫn cố rình rập “sờ đầu rùa” với mong muốn sẽ... đỗ đại học.

Sát ngày thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) 2012, Khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lại nườm nượp các sĩ tử đến để… sờ đầu rùa cầu mong “vượt vũ môn”. Biện pháp bất đắc dĩ đã được đưa ra là hàng rào tạm ngăn cách các tấm văn bia và dày đặc các tình nguyện viên đứng canh nhưng nhiều cô tú, cậu tú vẫn rình rập nhảy qua hàng rào để sờ hết tất cả 82 đầu rùa cầu may.

Xã hội - Vã mồ hôi ngăn thí sinh sờ đầu rùa ở Văn Miếu

Dù bị ngăn cấm nhưng nhiều thí sinh vẫn cố vượt qua những dải lụa đỏ để sờ đầu rùa.

Không sờ được đầu rùa không về!

Truyền rằng, những chú, bác, ông rùa đội hai hàng bia tiến sĩ trong khu di tích quốc gia đặc biệt này đã lừng danh khắp thế giới. Lừng danh vì điều gì chưa chắc ai cũng biết nhưng không hiểu từ bao giờ đã có lời đồn rằng: Hễ ai sờ được đầu rùa thì coi như gặp may, thi cử coi như đã cầm chắc đỗ đạt một nửa. Còn như việc thắp hương cầu cúng các đấng tiên hiền, tiên thánh, ba vị vua có công với việc xây dựng, phát triển khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì càng “hên” hơn. Thậm chí, có người còn quan niệm “Học tài thi phận”, không đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở ngã tư Tôn Đức Thắng - Quốc Tử Giám - Cát Linh (Hà Nội) thì coi như kỳ thi năm đó sẽ bất an.

Những ngày này, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sôi động hơn thường ngày. Sĩ tử ở các vùng lân cận Hà Nội và các tỉnh khác ra Hà Nội đi thi đã đổ về rất đông. Tiết trời nắng oi ả, xen lẫn những cơn mưa bất chợt nhưng khí thế cầu may của các sĩ tử không giảm.

Bạn Hồng, một thí sinh quê Hải Dương, háo hức cho biết: “Dù bận ôn thi nhưng chúng em cũng phải đến Văn Miếu xoa đầu rùa. Có vậy mới gặp nhiều may mắn và đạt điểm cao. Từ sáng đến giờ, các anh chị sinh viên tình nguyện đông quá nên em vẫn chưa có cơ hội sờ đầu rùa. Khi nào có cơ hội em sẽ tranh thủ vào xoa đầu các “cụ rùa” ngay. Nếu chưa làm được thì em không dám về, không thì hôm sau thi ĐH đen lắm anh ạ”.

Theo tâm sự của nhiều sĩ tử khác, sau khi sờ hết đầu rùa tại bảng vinh danh Văn Miếu, họ sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều, thậm chí có thí sinh còn tin rằng “chắc chắn đỗ”!.

Năm nay, dù Ban quản lý Khu di tích Lịch sử văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã dùng dây đỏ ngăn cách; biển thông báo đề nghị khách tham quan không được xoa tay lên đầu rùa, bia tiến sĩ… nhưng khu nhà bia đang lưu giữ 82 bia tiến sĩ vẫn đông nghẹt các thí sinh. Ai cũng muốn được xoa đầu rùa, sờ bia tiến sĩ lấy may. Nhiều bạn cho rằng, chạm càng nhiều bia tiến sĩ, sờ được càng nhiều đầu rùa, cơ hội đỗ càng cao!?…

Theo quan sát của PV Người đưa tin, gần trưa 1/7 (tức là trước 2 ngày kỳ thi ĐH, CĐ đợt 1 diễn ra - PV), lượng thí sinh đến Văn Miếu càng đông hơn. Nhiều thí sinh tranh thủ lúc các tình nguyện viên, nhân viên bảo vệ nghỉ trưa, đổ xô vào sờ đầu “cụ rùa”.

Bạn Hồng chia sẻ: “Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để giúp em có động lực và vững tin hơn khi bước vào kỳ thi”. Mặc dù các tình nguyện viên có mặt rất đông để tuyên truyền ý thức văn hóa và ngăn chặn mọi người có những hành động phản cảm, nhưng hầu hết đều “phớt lờ”.

Các sĩ tử háo hức xoa, chạm tay vào đầu rùa, còn các phụ huynh ra sức… năn nỉ xin các tình nguyện viên cho con em mình sờ… đầu rùa một lần. Vì thế, có em đã rình để sờ, thậm chí có sĩ tử phải… vồ lấy đầu rùa, chạm tay vào rồi chạy ra thật nhanh trước khi bị các sinh viên tình nguyện nhắc nhở. Cảnh tượng càng hỗn loạn hơn khi về trưa, lượng người đổ về Văn Miếu càng đông. Bất chấp khuyến cáo và nhắc nhở của các sinh viên tình nguyện, nhiều người vẫn quyết tìm mọi cách để sờ được đầu rùa, đặt vàng, tiền và thậm chí ngồi lên bia đá để chụp ảnh.

“Em ở đây từ sáng để cố xoa đủ 82 đầu rùa trong này. Không đủ là… không yên tâm” - Bạn Dương Thị Lan, quê Thanh Hóa, dự thi vào ĐH Văn Hóa Hà Nội tâm sự. Cùng đi với Lan là nhóm bạn sáu người, đang hả hê vì đã hoàn thành “mục tiêu” sờ đủ đầu rùa trước bạn mình. Vì những suy nghĩ như thế mà những bức tượng rùa đá trong Văn Miếu đang xuống cấp trầm trọng, đầu rùa nhẵn bóng, thậm chí nứt toác, gãy rụng hoặc phải dùng xi mắng trát lại. Kéo theo đó là cảnh tượng thí sinh cười đùa, tạo dáng phản cảm chụp ảnh bên bia rùa, gây khó chịu cho nhiều người, nhất là các du khách nước ngoài.

Hàng rào bất đắc dĩ

Khác với những năm trước, năm nay các “cụ rùa” ở Văn Miếu được bảo vệ kỹ càng hơn. Ở các khu đều căng dây cùng với lời cảnh báo “không được vào khu vực này”. Bên cạnh đó, ở mỗi khu đều có nhân viên bảo vệ chặt chẽ với mục đích không có phép thí sinh sờ lên đầu các “cụ”. Mặc dù chuẩn bị chu đáo là thế nhưng trước những đối tượng chỉ đứng sau “quỷ và ma” này, lực lượng bảo vệ khu di tích cũng phải ngao ngán, mệt mỏi.

Dù rất nhiều lời cảnh báo và nhắc nhở của tình nguyện viên nhưng chỉ cần mất cảnh giác là sĩ tử “đột kích” sờ đầu “cụ rùa”. Để quy định cấm sờ đầu rùa cùng những hiện vật trong Văn Miếu được thực thi và bảo quản hiệu quả, Ban quản lý Khu di tích đã bố trí các nhân viên, lực lượng bảo vệ và nhiều sinh viên tình nguyện túc trực tại một số khu vực nhằm nhắc nhở và ngăn những hành động cố tình vi phạm của nhiều khách tham quan. Ban quản lý cũng quy định mỗi thí sinh chỉ được cắm một thẻ hương nhưng có thí sinh đã cắm cả bó hương, hương thừa thì vứt vung vãi dưới đất.

“Đối phó với nạn sờ đầu rùa thật không đơn giản. Họ cứ phi lên, mình cũng không đỡ được. Chúng em chỉ hạn chế bớt được phần nào thôi” - Hồng Khoa, sinh viên tình nguyện ĐH Bách khoa cho biết. Mặc dù nhóm của Đạt hoạt động rất tích cực nhưng vẫn “canh” không xuể cho 82 tấm bia tiến sĩ trong Văn Miếu. Hễ lơ là một chút là lại có người vụt lao vào sờ đầu rùa, đặt vàng hương, tiền lẻ.

Không sờ được đầu rùa, nhiều sĩ tử “khắc phục” bằng cách thả tiền vào khu vực văn bia mong nhờ có số tiền lẻ mà các “cụ rùa” phù hộ vượt qua kỳ thi này. Không chỉ các sĩ tử mà nhiều vị phụ huynh đi cầu thay con cũng luôn khư khư trên tay một xấp tiền lẻ thả khắp nơi cầu đỗ đạt, dù các tình nguyện viên luôn miệng nhắc không được thả tiền vào những nơi linh thiêng.

Tránh việc sờ vào rùa đá, văn bia, mấy năm nay, Ban giám đốc khu Văn Miếu đã rào cách ly và mỗi kỳ thi lại cử những tình nguyện viên trông coi, nhắc nhở du khách không sờ hiện vật, không thả tiền vào khu văn bia. Phía sau khu văn bia, một tốp học sinh khoảng hơn 10 người thong dong thả bộ ở gần khu các “cụ rùa” nhưng mắt lúc nào liếc ngang, liếc dọc và chỉ cần nhân viên bảo vệ mất tập trung là lập tức “tập kết” đổ xô vào sờ đầu “cụ rùa”. Khi bảo vệ chạy ra đến nơi thì nhóm học sinh này nhăn nhở: “Ngày kia bọn cháu thi rồi, chú không cho cháu “sờ” nếu mà trượt cháu đến bắt đền đấy”.

“Em nghe nói, mỗi nén nhang tượng trưng cho một môn thi. Muốn thi tốt thì phải thắp 6 nén nhang. Chính vì thế, nói gì thì nói em cũng phải thắp đủ”, một thí sinh đến từ Nghệ An chia sẻ. Ngoài việc thắp hương các sĩ tử cũng tranh thủ lấy ngón tay ghi tên tượng trưng lên bảng vàng với hi vọng sẽ được gặp nhiều may mắn.

Ban quản lý cũng phối hợp với Công an phường Quốc Tử Giám để giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho học sinh, gia đình, du khách đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám trong thời gian này. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng bổ sung hàng rào chắn buộc lụa đỏ tại khu vực bia tiến sĩ, khu vực gác chuông, trống, nhằm hạn chế học sinh sờ đầu rùa và các di vật trên.

Được biết, trong dịp này, đội sinh viên tình nguyện trường Đại học Bách Khoa sẽ thường xuyên đứng bảo vệ các khu vực để nhắc nhở học sinh nếu vi phạm. Còn các bạn sinh viên tình nguyện trường Đại học Phương Đông, Đại học Hà Nội tham gia dọn vệ sinh môi trường tại Trung tâm vào các ngày thứ 7, chủ nhật và hoạt động này sẽ kéo dài suốt trong dịp hè. Cùng với việc tăng cường lực lượng bảo vệ, Trung tâm thường xuyên nhắc nhở học sinh và người nhà cũng như du khách khác bằng hệ thống loa điện, thực hiện nghiêm túc quy định nơi thờ tự, nâng cao tinh thần cảnh giác đề phòng trộm cắp.

Dịp thi đại học này, ước khoảng 30.000-40.0000 học sinh và khách vào tham quan Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cho đến nay, chưa ai làm công việc điều tra trong các trường đại học ở Hà Nội xem những ai đỗ đại học sau khi đã sờ đầu rùa trước kỳ thi nhưng có lẽ điều này đã bị biến tướng.

Sự tôn kính các bậc hiền nhân là “nguyên khí của quốc gia” dường như đang bị các thí sinh biến thành niềm tin thiếu căn cứ. Và như thế, thật đáng tiếc, trong mắt một số bạn trẻ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành nơi cầu may rủi, chứ không phải là nơi tôn vinh Đạo Khổng và lòng hiếu học của người Việt Nam ta bao đời nay.

Cao Tuân