Vắc-xin được sử dụng cho trẻ em không làm ảnh hưởng đến ADN

Vắc-xin được sử dụng cho trẻ em không làm ảnh hưởng đến ADN

Nguyễn Hoa Trà

Nguyễn Hoa Trà

Thứ 6, 29/10/2021 18:52

Loại vắc-xin và liều lượng được sử dụng cho trẻ tương tự với người 18 tuổi trở lên.

Nhằm thống nhất công tác triển khai tiêm phòng cho trẻ, với mục tiêu đảm bảo tiêm chủng an toàn, chiều ngày 29/10, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến cho 63 tỉnh, thành phố hướng dẫn triển khai chiến dịch.

Công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này góp phần tăng diện bao phủ vắc-xin trong cộng đồng.

Thông tin tại buổi hướng dẫn, bà Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - Trưởng Văn phòng TCMR Quốc gia cho biết: “Trong thời gian tới đây, khi Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, các quốc gia cho phép sử dụng những loại vắc-xin khác cho những đối tượng trẻ em dưới 12 tuổi, thì Bộ Y tế Việt Nam sẽ xem xét và có hướng dẫn”.

Về những ảnh hưởng lâu dài khi tiêm chủng vắc-xin cho trẻ em, bà Hồng cũng chia sẻ thêm: “Những thành phần trong vắc-xin được sử dụng cho trẻ em không có thành phần làm ảnh hưởng đến ADN của người, nên sẽ không có ảnh hưởng lâu dài đến các em”.

Ưu tiên tiêm cho nhóm 16-17 tuổi

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi triển khai trên toàn quốc từ tháng 11, lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vắc-xin và tình hình dịch tại địa phương.

Bên cạnh đó, việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ mắc Covid-19 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học.

Sự kiện - Vắc-xin được sử dụng cho trẻ em không làm ảnh hưởng đến ADN

Trẻ em ở địa phương có nguy cơ cao được ưu tiên tiêm trước

Quá trình tiêm sẽ được tiến hành lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh Phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh Trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7. Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu.

Theo thông tin, Bộ Y tế quyết định vắc-xin sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12 -17 tuổi là vắc-xin Comirnaty của Pfizer, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21 - 28 ngày).

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, rất cần sự phối hợp của các thầy cô giáo, cha mẹ. Cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng.

Phải tổ chức khám sàng lọc trước khi tiêm

Yêu cầu hàng đầu trong tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em là đảm bảo an toàn tiêm chủng. Tại buổi tập huấn, Chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương đã tập huấn cho cán bộ y tế tại các điểm cầu về hướng dẫn Khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em theo quy định của Bộ Y tế.

Các tiêu chuẩn khám sàng lọc được xây dựng cô đọng, cập nhật các tiêu chuẩn tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em của quốc tế, với yêu cầu đảm bảo an toàn là hàng đầu, trên cở sở mở rộng chỉ định tiêm chủng tối đa, tạo cơ hội thuận tiện nhất cho mọi trẻ em Việt Nam đều được tiếp cận với vắc-xin phòng Covid-19.

Điểm nổi bật trong việc khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em là huy động sự song hành của hệ thống bệnh viện và hệ thống dự phòng, đảm bảo mỗi trẻ được tiêm vắc xin được quản lý, theo dõi trong điều kiện an toàn nhất.

Sự kiện - Vắc-xin được sử dụng cho trẻ em không làm ảnh hưởng đến ADN (Hình 2).

Cần đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện tiêm vắc-xin

Điều đáng chú ý đối với những trẻ có bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính, có tình trạng dị ứng nặng hoặc phát hiện được tình trạng sức khỏe bất thường khi đến tiêm tại các điểm tiêm ở cộng đồng sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến khám sàng lọc để tiêm chủng và theo dõi tại các điểm tiêm chủng tại bệnh viện.

Cũng tại buổi tập huấn, chuyên đề các biến chứng tim mạch ở trẻ em sau tiêm một số loại vắc xin phòng Covid-19 được chuyên gia tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi Trung ương phân tích kỹ lưỡng để các cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng trên toàn quốc hiểu rõ, theo dõi, phát hiện được các biến chứng (nếu có), áp dụng các biện pháp xử trí theo từng cấp độ, giúp bảo đảm an toàn cho trẻ sau tiêm.

Để chương trình tiêm đạt được hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị cần có sự chủ động tham gia của các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ, phối hợp cùng ngành y tế, nhà trường để con em mình có cơ hội được tiêm vắc xin phòng Covid-19 an toàn, đủ liều.

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.