Ngày 17/6, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, Hội thảo chuyên đề 3 đã được tổ chức với chủ đề “Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thực hiện hoá Nghị quyết 06
Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và định hướng phát triển đô thị được đưa ra trong Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng chiến lược, hoàn thiện thể chế phát triển đô thị và kinh tế đô thị làm động lực phát triển từng vùng và địa phương; tăng cường quản lý đô thị, phát triển các đô thị vệ tinh, hạn chế xu hướng tập trung quá mức vào các đô thị lớn. Xây dựng đô thị hiện đại, văn minh, đô thị thông minh, đa dạng về loại hình, có bản sắc đặc trưng về kiến trúc văn hóa ở từng địa phương”.
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế TƯ cho biết, trên thế giới, xu thế đô thị hóa và phát triển đô thị, nhất là đô thị thông minh, đô thị sáng tạo đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Ở trong nước, sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là 10 năm gần đây, thể chế, chính sách về phát triển đô thị ngày càng được hoàn thiện hơn.
Cụ thể, nhiều luật về quản lý và phát triển đô thị cùng với hệ thống các văn bản dưới luật đã được ban hành; thể chế hóa cơ bản đầy đủ các quan điểm, định hướng chỉ đạo của Đảng về phát triển đô thị; tạo hành lang pháp lý tương đối đồng bộ cho công tác quy hoạch, đầu tư và phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt và triển khai nhiều đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị 2 và nhiều lĩnh vực khác có liên quan. Cùng với quá trình đô thị hóa, công tác quản lý Nhà nước tại các đô thị ngày càng được hoàn thiện.
Mô hình, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền đô thị từng bước được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu quản lý. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội, mô hình chính quyền đô thị đặc thù tại một số đô thị lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng đang được triển khai thí điểm.
Tháo gỡ vấn đề
Tuy nhiên ông Sơn cho rằng, cũng cần nhìn nhận lại thực trạng, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng thể chế, chính sách cho đô thị hóa và phát triển đô thị, nhất là về quy hoạch, phân loại đô thị, đất đai, tài chính đô thị, mô hình chính quyền đô thị.
Pháp luật về phát triển đô thị và các cơ chế, chính sách liên quan mặc dù đã có nhiều cải thiện tích cực nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chồng chéo; chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn...
Một số quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đã lạc hậu hoặc chưa theo kịp xu hướng, nhu cầu phát triển mới. Công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Không chỉ vậy, chất lượng các quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn mới; quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các lợi ích hợp pháp của cộng đồng dân cư; tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế.
Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp, cộng đồng, người dân chưa được tạo thuận lợi để tham gia đầu tư xây dựng và quản lý phát triển đô thị, đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên liên quan một cách công bằng, toàn diện và bền vững.
Từ đó, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định trên thực tế, chúng ta đã có tương đối đầy đủ cơ chế pháp luật và quy chuẩn, tuy nhiên từ góc độ quản lý Nhà nước ông nêu ra định hướng tháo gỡ những vấn đề còn đang tồn đọng.
Về vấn đề quy hoạch đô thị, cần hợp nhất pháp luật điều chỉnh về quy hoạch, được rải rác trong Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng.
Bên cạnh đó, nội hàm quy hoạch của các cấp cần được khống chế dần. Theo đó, là một số chỉ tiêu, yêu cầu để kiểm soát những vấn đề cơ bản về hạ tầng. “Ví dụ như trong Quy chuẩn 01, được đưa ra tiêu chuẩn về chợ, nhà văn hoá, giờ có lẽ phải thay đổi thành tiêu chí cho siêu thị, khu vui chơi, giải trí. Bởi tất cả đều đáp ứng được nhu cầu hàng hoá của người dân nhưng quy hoạch đã có nhiều tiêu chuẩn khác nhau”, Thứ trưởng nêu rõ.
Về chỉ tiêu đất xây dựng, đất giao thông cũng nên có sự điều chỉnh bởi ngành giao thông trong tương lai không chỉ khai thác trên cao mà còn ở dưới lòng đất (khai thác và quy hoạch không gian ngầm), nên sử dụng từ “đất giao thông" và vấn đề quy đổi cần được xem xét lại.
Về vấn đề chỉnh trang, tái thiết đô thị, là vấn đề khó, pháp luật hiện nay vẫn chưa có sự điều chỉnh sâu rộng. Ông cho biết, nói đến vấn đề này là chỉ nghĩ đến đập phá, gọt dũa, di chuyển, động chạm đến người dân nên đây là vấn đề nan giải. Vậy nên, cần có cơ chế chính sách cho vấn đề này, nếu không vẫn sẽ thường xuyên gặp phải những vướng mắc.
Đây là một trong bốn Hội thảo chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam với chủ đề “Phát triển đô thị bền vững theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dịch bệnh” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng và các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương tổ chức.
Qua đó, hướng đến mục đích triển khai, thực hiện nhiệm vụ chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng thời tạo lập diễn đàn nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất, kiến nghị các chính sách và biện pháp góp phần thể chế hóa Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị.