Văn Hậu vs Theerathon Bumathan: Ai “gấu” hơn ai?

Nguyễn Ngọc Trung

Nguyễn Ngọc Trung

Thứ 5, 29/12/2022 13:07

Sau màn trình diễn của Văn Hậu trước Malaysia, đã có sự so sánh giữa lối chơi của hậu vệ của đội tuyển Việt Nam và Theerathon Bumathan, thủ quân đội tuyển Thái Lan.

Bóng đá Việt Nam - Văn Hậu vs Theerathon Bumathan: Ai “gấu” hơn ai?

Văn Hậu và Theerathon Bumathan, những dân chơi “hệ cùi chỏ”

Màn trình diễn của Đoàn Văn Hậu trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam với Malaysia tại vòng bảng AFF Cup 2022 vừa qua đã gây nên những phản ứng trái chiều từ cộng đồng người hâm mộ bóng đá nước nhà. Những cú thúc cùi chỏ vào Azam Azmi hay Sharul Nazeem của cầu thủ này bị chỉ trích là phản cảm, xấu chơi hay quá tiểu xảo. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản biện rằng bóng đá là môn thể thao mạnh mẽ, đối kháng, thế nên phải có những “thủ đoạn để đem về chiến thắng bằng mọi giá cho đội nhà”.

Ngoài ra, cũng có sự so sánh giữa Văn Hậu với Theerathon Bumathan, cầu thủ cũng có thể ví là “dân chơi hệ cùi chỏ” của đội tuyển Thái Lan. Không hẹn mà gặp, cả hai chính là những hậu vệ cánh trái hàng đầu của bóng đá Đông Nam Á hiện nay. Theerathon Bumathan có thể ví như là “gã đồ tể” trong mắt đối thủ cùng khu vực, đặc biệt là các tuyển thủ Việt Nam.

Đơn cử như tại bán kết AFF Cup 2020, hậu vệ cánh trái này liên tục có những hành động chơi xấu Những chiến binh sao vàng, đặc biệt là nhiều lần dân chơi hệ cùi chỏ này sử dụng tuyệt chiêu để quật ngã đối phương. Xuân Mạnh đang di chuyển, Theerathon Bumathan đi ngang qua vô tình vung cùi chỏ vào ngực. Quang Hải đang cầm bóng, cầu thủ này lao vào tranh chấp bằng cú vung tay vào mặt. Trọng Hoàng đang băng lên, gã đồ tể xứ Chùa Vàng ra tay bằng cú thúc vào má.

Và không chỉ là cùi chỏ, móc mắt, kéo chân, bất kỳ hành động xấu xí nào cũng có thể được thủ quân đội tuyển Thái Lan tung ra. Cầu thủ này tạo cảm giác chứ va vào các chàng trai áo đỏ là sẽ dùng tay để đánh nguội, đánh một cách rất lộ liễu và thô thiển. Còn nhớ, người hâm mộ Việt Nam đã rất bức xúc trước những hành động như vậy của Theerathon Bumathan.

Bóng đá Việt Nam - Văn Hậu vs Theerathon Bumathan: Ai “gấu” hơn ai? (Hình 2).

Một hành vi, hai ý đồ

Không phải đến trận gặp Malaysia, Văn Hậu mới có những pha bóng chơi xấu cầu thủ đối phương. Tại V-League 2022 vừa qua, cầu thủ này cũng bị dư luận lên tiếng vì những hành vi tương tự. Chẳng hạn như trận đấu giữa Hà Nội và HAGL, Văn Hậu hết đánh nguội Văn Thanh lại bóp cổ Văn Toàn. Chưa dừng lại, cầu thủ này còn ăn mừng đầy khiêu khích khi đạp đổ cả biển quảng cáo sau khi ghi bàn.

Tuy nhiên, trước làn sóng chỉ trích “đá xấu”, “đá láo”, Văn Hậu thản nhiên đáp trả rằng: "Đối với tôi, quan trọng nhất là thành tích tập thể. Tôi luôn bỏ ngoài tai những luồng dư luận bên ngoài để tập trung thi đấu. Kết quả cuối cùng sẽ là sự ghi nhận cho đội bóng".

Trong khi đó, lý giải cho hành động xấu xí trên sân của mình, Theerathon Bumathan cho rằng: "Hãy nhìn vào những gì đang diễn ra rồi mới bình luận về tôi. Vừa qua tôi đã chơi cho Buriram United 3 trận và tôi quá khích ở chỗ nào vậy? Còn về AFF Cup, tôi nói thật này, tôi đã chơi ở J1 League 4 năm rồi. Tôi chưa bao giờ tức giận hay tổn thương nhiều như khi về đá giải Đông Nam Á cả. Bởi vì ở J1 League người ta chỉ tập trung đá bóng. Còn ở AFF Cup, các đội cứ gặp Thái Lan là đá rất quyết liệt. Thế thì tôi có thể buông xuôi và chấp nhận việc mình bị đá mãi hay không?".

Từ cách trả lời đã phần nào thể hiện ý đồ chơi xấu của Văn Hậu và Theerathon Bumathan. Tuy cùng là cái cùi chỏ, nhưng cái cùi chỏ của Văn Hậu khi vung lên là có sự chuẩn bị, tính toán và chấp nhận bỏ ngoài tai mọi chỉ trích. Trong khi đó, cái cùi chỏ của Theerathon Bumathan vung lên để phản ứng cho việc bản thân bị khiêu khích. Đó là hành động đáp trả hoặc bột phát để giải tỏa tâm lý. Văn Hậu chủ động, Theerathon Bumathan bị động, đó là sự khác biệt căn bản.

Bóng đá Việt Nam - Văn Hậu vs Theerathon Bumathan: Ai “gấu” hơn ai? (Hình 3).

Những điều cần thay đổi

Bóng đá là môn thể thao đối kháng, thế nên chút tiểu xảo hay sự khôn ngoan, lọc lõi đôi khi lại là thứ gia vị làm nên sự đặc sắc. Pha làm bàn được mệnh danh “Bàn tay Chúa” của Maradona vào lưới tuyển Anh tại World Cup 1986 là một ví dụ. Bàn thắng ấy tuy không hợp lệ nhưng khiến cả đất nước Argentina phấn khích và vĩnh viễn là một trong những bàn thắng đáng nhớ nhất lịch sử bóng đá.

Một dẫn chứng khác, Filippo Inzaghi luôn gào lên đầy phẫn uất và oan ức mỗi khi bị trọng tài căng cờ báo việt vị, cho dù đứng dưới hậu vệ cuối cùng hàng mét. Để rồi trong một tình huống trọng tài lơ đễnh xen lẫn hoang mang, Pippo đón lõng và ghi bàn trong tư thế việt vị. Vì thế, Inzaghi được ví von là tay sát thủ sinh ra giữa lằn ranh việt vị. Nhiều tín đồ túc cầu giáo si mê ông vua việt vị vì sự trí trá đáng yêu ấy.

Một hành vi phạm luật khác cũng thường xuyên bị các nhà đạo đức học lên án là những pha ăn vạ để câu giờ hoặc kiếm quả phạt. Tuy nhiên, đối với người Brazil, ăn vạ là một nghệ thuật. Roberto Carlos từng nói rằng chẳng “khoái cảm” nào bằng xỏ mũi được cả trọng tài lẫn cầu thủ đối phương. Sự hấp dẫn đặc trưng của bóng đá mà các môn thể thao “cao thượng” khác hiếm khi có được chính là sự lọc lõi rất đời ấy.

Tuy nhiên, giống như mọi môn thể thao, bóng đá tuyệt đối bài xích cách đá xấu, đá láo, đặc biệt là hành vi mang tính triệt hạ cầu thủ đối phương. Một cú thúc cùi chỏ, một pha vào bóng ác ý có thể khiến cầu thủ đội bạn đổ máu, thậm chí mất cả sự nghiệp. Vì vậy, không chỉ Văn Hậu cần thay đổi tư duy thi đấu trên sân mà cả những người làm bóng đá nước nhà cũng cần nhìn nhận rõ vấn đề để có những biện pháp ngăn ngừa hiện tượng… Võ-League.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.