Văn hóa làm việc "mở" phản lại Facebook như thế nào?

Văn hóa làm việc "mở" phản lại Facebook như thế nào?

Nguyễn Lê Tùng Phong

Nguyễn Lê Tùng Phong

Thứ 3, 12/10/2021 15:26

Văn hóa minh bạch trong nội bộ công ty đã giúp Facebook đạt đến đỉnh cao ngày nay, nhưng chính nó đã phản lại công ty này với những tài liệu nội bộ bị lộ ra ngoài.

Phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ vào tuần trước của cựu nhân viên Facebook Frances Haugen có thể sẽ dẫn đến thêm quy định từ Chính phủ liên bang và gây tổn hại đến uy tín vốn đã chịu vô số chỉ trích của mạng xã hội này. Nhưng một nạn nhân khác ít ai nghĩ tới của phiên điều trần lại có thể là văn hóa làm việc minh bạch tột độ trong nội bộ nhiều công ty tại Thung lũng Silicon - điều đã cho phép chính Frances Haugen tiếp cận hàng chục ngàn tài liệu nội bộ trước đó.

Văn hóa minh bạch và "dễ dãi" tại Facebook

Haugen đã truy cập nhiều tài liệu nội bộ của Facebook trong tháng cuối cùng làm việc tại đây, ngay cả sau khi cô từ chức quản lý sản phẩm. Ở phần lớn các công ty khác, nhân viên làm điều tương tự sẽ bị mời rời khỏi nơi làm việc ngay lập tức. Tuy nhiên, tại Facebook , Haugen có điều kiện ở lại thêm vài tuần để chuyển giao các dự án cho đồng nghiệp và đồng thời xem lại môi trường làm việc nội bộ của công ty này, với mục đích thu thập các văn bản và giao tiếp ít liên quan đến công việc của cô.

Chính sách rời công ty thoải mái và an ninh dữ liệu nội bộ tương đối lỏng lẻo tại Facebook dường như không phải điều gì độc đáo, mà là một phần của văn hóa minh bạch nội bộ thường thấy ở nhiều công ty tại Thung lũng Silicon. Các nhân viên mới được định hướng rằng họ có quyền truy cập lượng lớn nghiên cứu và tài liệu nội bộ, để họ có thể biết được điều gì đang xảy ra ở các phòng ban khác của công ty. Điều kiện tự do như vậy sẽ giúp nhân viên phối hợp tốt hơn với các đồng nghiệp ít liên quan, nhưng cũng là một lợi ích riêng cho phép nhân viên của Facebook thỏa mãn tham vọng hoặc trí tò mò về những phần khác của công ty.

Khởi đầu và sự suy giảm của văn hóa làm việc “mở”

Văn hóa có phần “dễ dãi” này không bắt nguồn từ Facebook. Google là nơi khởi đầu phong cách làm việc này dựa trên các nguyên tắc phát triển phần mềm mã nguồn mở - cho phép những người muốn tham gia lập trình tự do truy cập và cải thiện mã nguồn của phần mềm. Tập đoàn này cũng là nơi thiết lập cơ chế hỏi-đáp với các nhà sáng lập Larry Page và Sergey Brin vào cuối tuần - một sự kiện mang tên TGIF - trong đó các nhân viên được phép “thẩm vấn” cấp trên của mình. Facebook đã học tập cách làm này với việc tổ chức hỏi đáp hàng tuần với CEO Mark Zuckerberg. 

Công nghệ - Văn hóa làm việc 'mở' phản lại Facebook như thế nào?

Một buổi hỏi đáp của nhân viên Facebook với CEO Mark Zuckerberg. Ảnh: Facebook

Khi nhìn lại, mức độ minh bạch cực độ như vậy được xây dựng dựa trên quan điểm rằng tất cả các nhân viên đều tin tưởng vào lý tưởng và tác động tích cực của công ty họ làm việc. Nhưng điều đó không còn đúng nữa. Vài năm trước, trang tin tức cánh hữu Breitbart đã công khai một video của buổi TGIF đầu tiên của Google sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, trong đó các lãnh đạo công ty này bày tỏ sự thất vọng với chiến thắng của ông Donald Trump. Các buổi hỏi đáp của Facebook cũng dần bị lộ ra ngoài, cho thấy rằng những nhân viên không còn tin vào lý tưởng của mạng xã hội này hay cảm thấy họ đang gây hại cho xã hội đã tìm được một kênh đưa thông tin ra ngoài.

Vào thời điểm hiện tại, nhân viên tại Google và Facebook đều chứng nhận rằng văn hóa làm việc tại 2 công ty này đã ít minh bạch hơn nhiều so với trước. Các công ty đều theo dõi xem nhân viên đang truy cập tài liệu nào và giám sát việc văn bản giao tiếp nội bộ liệu có rời khỏi mạng riêng của công ty hay không. Trong trường hợp của Frances Haugen, các biện pháp đó rõ ràng đã thất bại. Tại Facebook, các đơn vị làm việc về Oculus, trang phục thực tế ảo và Portal (trước đó gọi là Tòa nhà 8) cùng hệ thống phần cứng của họ đều bị tách biệt nghiêm ngặt khỏi phần còn lại của công ty. Các buổi hỏi đáp cũng ít thành thực hơn và thỉnh thoảng được công khai để ngăn bị coi là rò rỉ ra ngoài.

Nếu xu hướng này tiếp tục, Facebook và Google có thể trở nên giống với Amazon và Apple hơn. Hai công ty này đều không coi trọng tính minh bạch nội bộ và đều hoạt động với các đơn vị tách biệt trên nguyên tắc bảo mật thông tin gần đến mức độc tài.

Ngay cả khi vậy, Apple cũng đang phải đứng ở phía đối lập với một số nhân viên của mình. Công ty này vừa qua đã đóng một kênh Slack nội bộ khi phát hiện nhân viên thảo luận về vấn đề công bằng tiền lương. Và trong một email gửi nhân viên, CEO Tim Cook đã cảnh báo họ không được lộ kế hoạch sản phẩm tương lai cho giới truyền thông, đồng thời nói rằng bất cứ ai làm vậy đều có thể đối mặt với án tù và khoản tiền phạt khổng lồ.

Tùng Phong (Theo Bloomberg)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.