Vận tải hành khách liên tỉnh vẫn bị “khóa cứng” do e ngại từ các địa phương

Vận tải hành khách liên tỉnh vẫn bị “khóa cứng” do e ngại từ các địa phương

Lương Quốc Tiệp

Lương Quốc Tiệp

Thứ 4, 06/10/2021 10:51

Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh vẫn bị “đứt” do nhiều tỉnh, thành phố e ngại khi mở lại vận tải sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ngày 6/10, báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, ngày 5/10, Bộ GTVT cho biết, hoạt động vận tải hành khách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại giữa các địa phương vẫn chưa được khôi phục theo kế hoạch hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách của Bộ GTVT (có hiệu lực từ 1/10).

Cụ thể, về vận tải đường bộ, việc đi lại của người dân vẫn đang gặp khó khăn. Mặc dù đã nới lỏng giãn cách nhưng nhiều địa phương mới chỉ khôi phục một phần giao thông nội tỉnh, chưa nối lại hoạt động giao thông liên tỉnh, như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, An Giang… Một số địa phương vẫn đang thực hiện theo những quy định phòng dịch riêng, chưa thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GTVT cũng như hướng dẫn của Bộ Y tế về việc đi lại giữa các địa phương.

Bộ GTVT đã nhiều lần có công văn đề nghị các địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, các địa phương vẫn chưa thực hiện, vì nhu cầu của người dân trở lại địa phương quá đông, trong khi đó, điều kiện để tổ chức cách ly rất hạn chế, địa phương không thể tiếp nhận thêm.

Bộ GTVT cho rằng, đã thực hiện đúng thẩm quyền trong việc xây dựng các hướng dẫn, kế hoạch đảm bảo hoạt động giao thông, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, một số địa phương không thực hiện mà vẫn đưa ra các quy định riêng, lãnh đạo các địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về vấn đề này. Bộ đang tiếp tục làm việc với các địa phương về việc sớm nối lại hoạt động giao thông liên tỉnh.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị các địa phương cần nghiên cứu kỹ hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế và căn cứ điều kiện, nhu cầu thực tế của địa phương để sớm triển khai tổ chức các hoạt động vận tải hành khách.

Dân sinh - Vận tải hành khách liên tỉnh vẫn bị “khóa cứng” do e ngại từ các địa phương

Dòng người đổ về các tỉnh, thành ĐBSCL bằng xe máy.

Liên quan đến vấn đề hoạt động vận tải hành khách. Sáng ngày 6/10, báo Giao thông cũng đưa tin, ngay trên địa bàn Tp. Hà Nội, hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát rất tốt, có ngày không có ca nhiễm Covid-19 mới nào, tuy nhiên thành phố tỏ ra rất thận trọng trong việc mở lại hoạt động vận tải khách, kể cả hoạt động vận tải nội đô.

Căn cứ theo kế hoạch của Bộ GTVT về các điều kiện tổ chức hoạt động vận tải hành khách, mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất cho phép taxi được hoạt động trở lại theo sự giám sát chặt của các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, đề xuất này chưa được UBND thành phố chấp thuận.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, toàn bộ người dân đã được tiêm vắc-xin, việc cho phép taxi hoạt động là cần thiết.

“Doanh nghiệp sẵn sàng hoạt động, chỉ chờ thành phố chấp thuận. Thành phố không nên phòng dịch kiểu “cầu toàn quá”, ông Hùng góp ý.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Taxi G7 kiến nghị: “Thời điểm này taxi hoạt động trên địa bàn thành phố là phù hợp, vì một số ngành hàng mở lại, nhu cầu của người dân tăng cao”.

Việc các đơn vị vận tải sốt ruột cũng là điều dễ hiểu, khi dịch đã được kiểm soát tốt tại nhiều địa phương, việc giãn cách được nới lỏng. Anh Nguyễn Văn Diện, chủ nhà xe Tân Minh Hà chuyên chạy tuyến Hà Tĩnh, Nghệ An - Hà Nội cho biết: “Những ngày này, xe chúng tôi vẫn đang phải nằm bãi. Hỏi các Sở họ đều bảo chưa có văn bản của tỉnh thì chưa được chạy”.

Gần 2 tháng xe khách liên tỉnh buộc dừng hoạt động theo chỉ đạo của tỉnh để phòng dịch, các bến xe ở Nghệ An cũng đóng cửa. Cả trăm cán bộ nhân viên các bến xe không việc làm, không lương, họ mong mỏi từng ngày được đi làm trở lại.

Ông Trần Minh Thành, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Nghệ An cho biết: “Dù vùng xanh hay trạng thái bình thường mới, Sở chưa có văn bản thì chưa bến nào dám cấp lệnh cho xe liên tỉnh xuất bến cả. Chúng tôi hỏi thì Sở nói là đã có văn bản gửi các Sở GTVT của các tỉnh phía Bắc để đề nghị cho phép hoạt động với các nơi vùng xanh, khu vực chuyển trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên đến nay chưa rõ thế nào”.

Dân sinh - Vận tải hành khách liên tỉnh vẫn bị “khóa cứng” do e ngại từ các địa phương (Hình 2).

Nhiều địa phương “sợ chịu trách nhiệm” khi mở hoạt động vận tải sẽ bùng dịch trở lại?. (Ảnh minh họa).

Theo báo Giao thông, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, nhiều địa phương có tâm ý lo ngại khi mở hoạt động vận tải sẽ bùng dịch trở lại và sợ chịu trách nhiệm.

Hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT đã quy định rõ các nguyên tắc. Tuy nhiên, quyền quyết định cuối cùng của lại là của địa phương.

Theo vị đại diện, đối với vận tải tuyến cố định, thẩm quyền quy định tại Nghị định 10 thì hai Sở GTVT thống nhất tổ chức tuyến và công bố biểu đồ, lựa chọn doanh nghiệp và cho phép tuyến hoạt động mà không cần báo cáo UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, khi có dịch bệnh, vận tải phải kèm theo các điều kiện phòng chống dịch và quyết định của địa phương.

Vì vậy, hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT đã quy định rõ, Sở GTVT hai đầu tuyến tham mưu cho UBND cấp tỉnh quyết định có tổ chức vận tải trở lại hay không, hoạt động bao nhiêu % tần suất.

Trên cơ sở đó, các Sở GTVT xây dựng kế hoạch chi tiết và thống nhất với các sở GTVT trình UBND tỉnh quyết định.

Các địa phương/vùng ở cấp độ 1, cấp độ 2 tương đương với Chỉ thị 15 và Chỉ thị 19 phải tổ chức lại vận tải chứ không thể cấm như hiện nay. Hướng dẫn cũng quy định nguyên tắc, một hành trình hai điểm đến, xe đi từ vùng 1, vùng 2 không được dừng đón trả khách tại vùng 4...

“Hà Nội và Tp.HCM là hai thành phố lớn có điểm tương đồng trong vận tải, nhiều địa phương trong vùng kết nối vận tải về đây. Cấp độ dịch của Tp. HCM một ngày vẫn có hàng nghìn ca nhưng thành phố vẫn cho phép mở lại 20% tần suất hoạt động xe taxi. Hà Nội và Tp. HCM là hai đầu mối vận tải quan trọng nên hoạt động vận tải các địa phương khác phụ thuộc phần lớn vào hai thành phố”, đại diện Vụ Vận tải nói.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, Sở GTVT các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào tình hình phòng chống dịch của địa phương, chủ động lập kế hoạch chi tiết để mở lại vận tải khách liên tỉnh.

Trong đó, phải có sự trao đổi, thống nhất với Sở GTVT địa phương đầu tuyến. Kế hoạch phải có sự phối hợp của các cơ quan địa phương như y tế, công an... Sau đó, báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương triển khai kế hoạch.

Cũng theo bà Hiền, kế hoạch mở lại vận tải của các địa phương cần có sự linh hoạt theo cấp độ chống dịch. Các Sở GTVT xây dựng kế hoạch theo từng cấp độ để có phương án cụ thể khi các địa phương khác thay đổi cấp độ chống dịch.

“Nhiều tỉnh, thành phố e ngại khi mở lại vận tải sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, khi mở lại cần thận trọng và có thí điểm theo từng tuyến với tỉ lệ, tần suất xe thấp, số lượng khách trên phương tiện giãn cách phù hợp. Mở lại vận tải từng bước, rút kinh nghiệm dần để phòng chống tốt dịch bệnh”, bà Hiền nói.

Quốc Tiệp (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.