Cứ vào đầu tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, người dân các xã biển thuộc các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Kiên Giang… lại kéo nhau ra các bãi đá để lấy “lộc biển”.
Đây là loại rau quý, có giá trị dinh dưỡng cao được nhiều người lùng mua về nấu canh, làm mứt Tết, đồ ăn vặt hoặc làm quà biếu.
Rong mứt mọc trên các gành đá ven biển. Khi trời trở lạnh và mưa, chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh.
Để thu hoạch rong mứt, người dân phải đi từ mờ sớm, khi thuỷ triều rút.
Họ dùng những miếng nhôm, nắp chai bia hoặc muỗng để cạo rong mứt trên những gành đá trơn trượt.
Những năm gần đây, rong mứt được nhiều người ưa chuộng, thu mua với giá cao nên vào mùa, người dân lại rủ nhau đi săn “lộc biển”.
Rong mứt được lấy về sẽ bán tươi với giá từ 250-350 nghìn đồng/kg.
Hoặc phơi thành bánh nhỏ, bán với giá từ 650 nghìn đồng đến cả triệu đồng/kg.
Rong mứt ở Tam Hải, huyện Núi Thành (Quảng Nam) được cho là có giá nhất, từ 3-4,5 triệu đồng/kg.
Thông thường, để có 1kg rong mứt khô phải phơi từ 6-7kg rong tươi.
Rong mứt hay còn gọi là rong mứt biển, rong biển đen, có tên khoa học là Porphyra, thuộc ngành tảo đỏ Rhodophyta.
Theo các nhà khoa học, loại rong này có hàm lượng dinh dưỡng cao gấp hàng chục lần các loại rong khác.
Chúng có chứa các acid amin, vitamin B, B2, A, C và các nguyên tố vi lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Rong mứt có thể chế biến thành nhiều món ăn như nấu canh, sấy khô, trộn gỏi, xào thịt.
Việc thu hoạch rong mứt cũng có thể mang về thu nhập hàng triệu đồng/ngày cho người dân ven biển khi vào mùa.
Hồng Cảnh