Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam được mệnh danh “rừng vàng, biển bạc”. Trong những khu rừng sâu của nước ta có rất nhiều thực vật “quý như vàng”, có thể mang lại giá trị kinh tế cao. Cây ô dược chính là một trong số đó.
Cây thường mọc theo bụi nhỏ, chỉ cao tầm mét rưỡi. Lá cây hình xoan hoặc bầu dục, mặt trên nhẵn bóng, quả hình trứng và có màu đỏ bắt mắt nên rất dễ nhận biết. Loài cây này thường mọc hoang ở các tỉnh miền Bắc và được trồng, phân bố nhiều ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa (miền Trung); Hòa Bình, Hà Tây (miền Bắc); Lâm Đồng, Cần Thơ (miền Nam).
Trong y học cổ truyền, loài thực vật này là một loại dược liệu quý. Toàn bộ cây đều có thể dùng làm thuốc, đặc biệt là rễ có giá trị nhất. Phần rễ có vị đắng, hơi the, có mùi thơm, tính ấm.
Người Việt thường dùng chúng để điều trị các chứng đầy bụng, đau bụng dưới, đau bụng trong kỳ kinh nguyệt, nôn mửa, đau đầu, tiểu đêm… Ngoài ra, ô dược hiện nay cũng được sử dụng trong y học hiện đại.
Tại Trung Quốc, ô dược có giá bán khá cao, lên đến 160 NDT/kg, tương đương khoảng 520.000đ/kg). Ở nước ta, ô dược thái lát sấy khô có giá khoảng 30.000đ cho 100g. Cây giống ô dược có giá khoảng 170.000đ/cây.
Một điểm cộng nữa của ô dược là cây có thể thu hái quanh năm, nhưng thời gian tốt nhất vào giai đoạn thu đông hay đầu xuân. Sau khi thu hoạch, rễ cây ô dược sẽ được cắt bỏ rễ con, rửa sạch, ủ mềm, phơi khô, để ráo, thái lát phơi khô hoặc tán thành bột mịn.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)