Từ xa xưa, sơn ta đã là một vật liệu quen thuộc trong ngành sơn mài. Sơn ta hay còn gọi là sơn sống, là chất nhựa tiết ra từ cây sơn. Người ta sẽ pha chất nhựa này với bột màu tự nhiên để vẽ. Tuy nhiên, rất khó để thu hoạch được loại nhựa này.
Người ta phải thức dậy từ sáng sớm trước khi mặt trời lên để “săn” thứ nhựa này vì sau thời gian đó, cây sẽ không tiết nhựa nữa. Khoảng 300 cây sơn mới thu được 1kg nhựa. Có thể nói, đây là một mặt hàng vô cùng quý hiếm. Vào năm 2021, giá nhựa sơn lên đến hơn 400.000đ/kg, mang lại thu nhập khả quan cho nhiều hộ trồng cây sơn.
Vật liệu tự nhiên này có nhiều ưu điểm như độ dính cao, không thấm nước, không mối mọt, chịu được nhiệt độ cao, axit và nước biển. Ngoài ra, mặt sơn sẽ dễ mài phẳng, có độ bóng cao và tạo độ sâu tốt, giúp tôn màu sắc sâu thẳm và bền màu. Đặc biệt, càng để lâu thì càng lên màu rất đẹp.
Không chỉ ở Việt Nam mà tại một số nước khác như Trung Quốc, sơn sống cũng được mệnh danh là vua của các loại sơn. Trên thị trường nước bạn, sơn sống là mặt hàng “cung không đủ cầu”, thường xuyên “cháy hàng”. Vì vậy mà giá sơn sống ở đây lên đến 1.200 NDT/kg, tương đương 3,9 triệu đồng/kg.
Dù vậy, công việc thu hoạch sơn sống vẫn “khát” nhân lực bởi hoàn toàn phải thực hiện thủ công, kèm theo đó là nhiều rủi ro về tính mạng khi người thợ phải vào rừng để thu thập chúng.
Dụng cụ thu hoạch sơn sống khá thô sơ, chỉ là một con dao và thời gian thu thập chúng rất chậm. Ngoài ra, trong rừng còn có nhiều loại rắn và các loài gây hại khác, phải là người vững tâm lý mới có thể đảm đương công việc này.
Công việc rạch cây để thu nhựa nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực chất, cây sơn có rất nhiều loại, sơn sống cũng khác nhau. Một số loại có mùi nồng và người thợ phải tránh không để chúng bám vào da, nếu không sẽ dễ bị dị ứng, toàn thân ngứa ngáy, sưng tấy, thậm chí có thể dẫn đến loét da, phải mất vài tháng mới lành.
Hương Nguyễn (Theo baijiahao)