
Đình Thái Bình thuộc thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thôn Thái Bình xưa kia thuộc trang Cối Giang, từ thế kỷ XIII có tên là Thái Đường thuộc xã Hoa Lâm, dưới triều Nguyễn thôn Thái Đường được đổi thành Thái Bình và giữ nguyên tên gọi cho đến ngày nay.

Theo cụ Đỗ Hồng Đức (sinh năm 1943) - một bậc cao niên trong làng Thái Bình: Căn cứ vào văn bia còn lưu giữ, đình Thái Bình có từ năm 1760, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 21, đời vua Lê Hiển Tông. Gốc có tên là đình Hoa Lâm - Thái Đường Đông, sau đó được đổi tên lại tương ứng với việc đổi tên thôn.

Trong suốt thời gian tồn tại, đình Thái Bình trải qua nhiều lần trùng tu, trong đó có 2 lần trùng tu lớn. Lần đầu vào năm 1905 đời vua Khải Định, bấy giờ đình nằm ở ven bờ sống Đuống, nước sông dâng cao cùng với phù sa dần dần bồi lấp móng đính, người dân quyết định dỡ đình và nâng cao móng và hệ thống các cột đỡ. Lần thứ hai vào năm 1990 khi người dân di chuyển nguyên bản đình từ ven sông vào vị trí phía trong đê như hiện tại

Không gian bên trong gian giữa tiền tế trong đình Thái Bình.

Nghệ thuật kiến trúc trang trí ở đình Thái Bình rất đặc sắc, trong đó phải kể đến các bức cốn chạm trổ đề tài tứ linh, tứ quý, trên thân xã, kẻ chạm rồng lá tinh tế và đẹp mắt.

Đầu dư trong đình được chạm khắc đầu rồng.

Nét chạm trổ tinh tế của người nghệ nhân dân gian.

.Những tác phẩm điêu khắc, chạm trổ cổ góp phần tạo nên những công trình kiến trúc vĩ đại, thiêng liêng.

Theo cụ Đỗ Hồng Đức, điều làm nên điểm đặc sắc riêng có của đình Thái Bình là ở gian giữa tiền tế có bức màn giếng đắp nổi rất nghệ thuật, thể hiện cho càn khôn vũ trụ. "So với các đình cổ trong khu vực, chỉ duy nhất đình Thái Bình có bức màn giếng như vậy", cụ Đức chia sẻ.

Tòa tiền tế rộng tới 5 gian 2 dĩ, dù đã nhuốm màu thời gian nhưng trông vẫn rất đẹp, các cột lim đều to cao.

Hậu cung 3 gian, kết nối với tiền đường thành hình “chữ Đinh”. Phía sau có sân, bếp và khu phụ cùng với cửa hậu mở ra con đường làng.

Đình Thái Bình thờ các vị thành hoàng có công với dân, với nước, đó là hai vợ chồng ông bà Đào Kỳ và Phương Dung công chúa, những danh tướng giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán, thu phục non sông về một mối, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ của nước Việt vào đầu Công nguyên. Đình còn thờ Chiêu Thánh công chúa (tức vua Lý Chiêu Hoàng) cùng Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông - vị vua đầu triều của vương triều Trần) và Trần Thủ Độ ( người có công trong việc sáng lập vương triều Trần).

Theo cụ Đỗ Hồng Đức, việc phối thờ các vị thánh trong đình Thái Bình thể hiện một quan điểm nhân sinh sâu sắc, đặc biệt nếu soi chiếu vào những biến động trong cuộc chuyển giao triều đại giữa nhà Lý và nhà Trần.

Hình tượng lưỡng long chầu nhật trên mái đình Thái Bình


Ngày 22/8/1967, đình bị máy bay Mỹ ném bom, nhiều bộ phận cùng tư liệu quý bị hủy hoại và thất lạc. Đến nay đình còn giữ được một số tấm bia cổ.

Đình Thái Bình cùng với chùa Diên Phúc tạo thành không gian văn hóa tâm linh làng xã của người dân thôn Thái Bình. Ngày 31/01/1992, đình Thái Bình và chùa Diên Phúc được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Hữu Thắng - Mạnh Quốc