Các thành viên của nhóm nhạc U-KISS năm 2011.
Sự thay đổi sau gần ba thập kỷ
Khi ngôi sao K-pop 22 tuổi Yang Joon-il biểu diễn trên sân khấu, anh đã gây chú ý khi mặc một chiếc áo khoác quá khổ có in hình trang trí, bên trong là bộ áo liền quần màu đen không tay. Yang Joon-il nhảy lên không trung rồi nhảy trên ghế, hất nhẹ chiếc mũ phớt lên đầu và nhanh chóng chộp lấy chiếc micro “phiêu” theo tiếng nhạc.
Với vẻ ngoài sáng sủa và làn da trắng mịn, Yang Joon-il trông "đẹp như hoa", phù hợp với hình mẫu của một ngôi sao K-pop.
Nhưng đó là vào năm 1991 và Hàn Quốc vẫn chưa phát triển. Hình ảnh ấy khiến khán giả la ó, một số thậm chí còn ném đồ ăn vào anh. "Anh ấy bị nhiều người ghét vì ngoại hình và bài hát khác thường của mình", một bài báo trên The Korea Times viết. Gu thẩm mỹ và cách cư xử nữ tính của Yang Joon-il đã gây rất nhiều tranh cãi thời điểm đó. Cuối cùng, sự nghiệp của anh lụi tàn.
Gần ba thập kỷ sau, không ai có thể nghĩ rằng những người đàn ông như Yang Joon-il từng bị đối xử cay nghiệt như vậy. Ngày nay, tiêu chuẩn vẻ đẹp của đàn ông Hàn Quốc đã hoàn toàn khác so với ba thập kỷ trước.
Young-hu Kim, một trong những nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu từng làm việc tại SM Entertainment, cho biết: “Hình ảnh K-pop thập niên 90 là khởi đầu của vẻ đẹp K-pop sau này. Các nhóm nhạc nam tuổi teen khi đó trang điểm nhưng chưa được định hình theo phong cách ngày nay”.
Young-hu Kim nói rằng anh bị thu hút bởi mỗi thập kỷ lại sản sinh ra nhiều sao nam K-pop đẹp hơn. “Trước đây, việc trang điểm ở đàn ông là điều chưa từng có. Ngày nay, đẹp là một yêu cầu bắt buộc".
Yang Huiyeon, chuyên gia trang điểm cho các nhóm nhạc thần tượng K-pop như Pentagon, cũng đồng ý. Theo Yang, các ngôi sao K-pop ngày càng phải nỗ lực nhiều hơn về mặt thẩm mỹ. Trong một thập kỷ, nhiều đàn ông ở Hàn Quốc nhận thấy rằng nếu trang điểm, họ trông sẽ đẹp và tự tin hơn.
Kevin Woo, cựu thành viên của nhóm nhạc thần tượng thế hệ thứ hai U-KISS, nói rằng việc hiểu được định nghĩa về vẻ đẹp nam tính của Hàn Quốc là một cú sốc văn hóa. Vào năm 2008, thời điểm từ San Francisco (Mỹ) đến Seoul để tham gia nhóm, Kevin Woo mới biết đến việc sử dụng kem nền.
"Tôi đã rất bối rối khi thấy cách người Hàn Quốc định nghĩa về sự nam tính", anh nói. "Tôi lớn lên ở Mỹ và hầu hết các sao nam đều rất vạm vỡ và để râu quai nón. Các sao nam Hàn Quốc thì gần như ngược lại. Người đàn ông lý tưởng của Hàn Quốc thiên về khía cạnh nữ tính hơn, có thân hình mảnh mai và trang điểm".
Kevin Woo mô tả cách anh và các thành viên U-KISS thường trang điểm là khá đậm với bút kẻ mắt và lớp phấn nền dày tạo khối. "Khi mới ra mắt, trang phục của chúng tôi rất lòe loẹt. Chúng tôi đeo rất nhiều phụ kiện và đôi khi như bước ra từ phim hoạt hình", anh nói. "Xu hướng bây giờ là phải giống một người bạn trai lý tưởng mà khán giả muốn hẹn hò". Đó là người có vẻ ngoài tươi sáng, tinh tế và trẻ trung, đặc biệt là làn da "tuổi teen" căng mọng.
Ở Hàn Quốc, trang điểm không phân biệt giới tính mà dành cho tất cả mọi người. Các thành viên của nhóm nhạc BTS là một ví dụ với cách trang điểm mắt sáng màu, kiểu tóc màu nhạt và đặc biệt chăm chút cho làn da. Họ cho rằng trang điểm giúp người ta tăng sự tự tin, và đó là cách thể hiện nam tính.
Nhóm SHINee.
Ngành công nghiệp làm đẹp cho nam giới
Sự chăm chút kĩ lưỡng của đàn ông xứ kim chi đối với ngoại hình là do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu đến từ sức ảnh hưởng của K-pop, theo chủ nhiệm bộ môn Hàn Quốc Học, trường Đại học Quốc gia Australia - ông Roald Maliangkay.
Cũng từ đó, một sự chuyển đổi lớn đã xảy ra, khi ngành công nghiệp làm đẹp ngày càng thu hút khách hàng nam giới. Gần đây, số lượng nam giới tìm đến mỹ phẩm tăng đột biến. Ước tính đàn ông Hàn Quốc mua 20% sản phẩm làm đẹp của thế giới.
Theo một phát hiện năm 2017, Hàn Quốc tiêu thụ khoảng 13 tỷ USD mỹ phẩm hàng năm. Đàn ông Hàn Quốc là nhóm nam giới chi tiền làm đẹp nhiều số một thế giới. Một báo cáo dữ liệu toàn cầu năm 2018 cũng chỉ ra 3/4 đàn ông Hàn Quốc sử dụng các liệu pháp chăm sóc sắc đẹp ít nhất một lần mỗi tuần.
Nếu lang thang trên các con phố từ Seoul đến Busan, bạn sẽ thấy việc những chàng trai mua mặt nạ, sơn móng tay hoặc thử màu son đỏ lên môi là hoàn toàn bình thường. Sự thay đổi trong tiêu chuẩn về vẻ đẹp của người Hàn Quốc được cho là do ảnh hưởng từ sự phát triển của K-pop.
Sức ảnh hưởng đó tiếp tục được mở rộng khi K-pop chiếm lĩnh các bảng xếp hạng ở phương Tây và bắt đầu nhận được sự chú ý của các nghệ sĩ nơi này. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà khái niệm “thẩm mỹ nam” ngày càng trở nên phổ biến ở phương Tây.
Theo Aasif Faiz, một giám đốc sáng tạo, thế hệ của anh đã thoát khỏi những khuôn mẫu nhất định nhưng việc nam giới bày tỏ sự quan tâm đến những thứ như mỹ phẩm vẫn còn hơi cấm kỵ. “Trong thời của chúng tôi, có rất ít hoặc không có sản phẩm nào phục vụ cho việc làm đẹp của nam giới và nếu bạn sử dụng bất cứ thứ gì nhiều hơn một bánh xà phòng, bạn sẽ cảm thấy kém đàn ông hơn”, anh nói.
Tuy nhiên, Aasif nhận thấy rằng theo thời gian, mọi thứ đã khác rất nhiều, đặc biệt là với ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc. “Chăm sóc bản thân không khiến bạn bớt đàn ông hơn mà khiến bạn bớt giống người thượng cổ hơn", Aasif hài hước cho biết.
Rõ ràng với việc K-pop thâm nhập và chiếm lĩnh các thị trường, ảnh hưởng của Hàn Quốc cũng xuất hiện ở những nơi xa xôi trên thế giới. Tác động của phim ảnh, âm nhạc Hàn Quốc còn lan sang các lĩnh vực khác mà điển hình là ngành công nghiệp làm đẹp.
Tất nhiên, sự quan tâm của nam giới đối với mỹ phẩm cũng như vẻ đẹp nam tính vẫn là chủ đề gây tranh cãi ở nhiều nơi, và có thể sẽ có nhiều người không chấp nhận hay không thoải mái với xu hướng nam giới làm đẹp theo kiểu "trai Hàn". Nhưng khó có thể phủ nhận một thực tế là K-pop đã khiến một phần nhất định của thế giới thay đổi cách nhìn về vẻ đẹp nam giới.
Đàm Anh (Theo Allure, Brunch)