Hình tượng Ma Tổ trong phim truyền hình Trung Quốc công chiếu năm 2012.
Ma Tổ (Mazu) là một trong những nữ thần nổi bật trong văn hóa dân gian Trung Hoa. Được cho là xuất hiện trên trần thế dưới dạng một phụ nữ trẻ sống ở Phúc Kiến giai đoạn thế kỷ thứ 10, Ma Tổ là nữ thần bảo hộ của những người đi biển thời phong kiến Trung Hoa.
Truyền thuyết về bà dường như bắt nguồn từ tín ngưỡng tin vào pháp sư của vùng ven biển Phúc Kiến. Những câu chuyện về bà sau đó được đưa vào các triết lý tôn giáo của Trung Hoa. Ngày nay, Ma Tổ được xem là một vị thần trong cả Đạo giáo và Phật giáo.
Không chỉ tồn tại trong các ngôi đền Phật giáo và Đạo giáo, Ma Tổ còn xuất hiện trong các đền thờ trên khắp thế giới. Riêng ở Đài Loan, có hàng ngàn đền thờ nữ thần biển này. Đền thờ bà còn xuất hiện ở Myanmar, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Mỹ và Úc. Tháng 9/2022, cộng đồng người gốc Á ở hạt King, bang Washington (Mỹ) đã tổ chức lễ công bố Ngày lễ tưởng nhớ nữ thần Ma Tổ là vào ngày 9 tháng 9 hàng năm và xúc tiến kế hoạch xây dựng một công viên lấy tên bà, theo Yahoo News.
Vậy Ma Tổ là ai và bằng cách nào niềm tin về bà lan rộng khắp trên thế giới?
Nguồn gốc câu chuyện về Ma Tố
Theo trang mạng Mythology Source, Ma Tổ được cho là chào đời với tên Lâm Mặc Nương, người đảo Mi Châu, tỉnh Phúc Kiến.
Bà được cho là sinh năm 960, giai đoạn cuối của thời kỳ Ngũ đại Thập quốc trong lịch sử Trung Hoa. Các tài liệu lịch sử chép rằng, bà là con gái thứ 6 hoặc thứ 7 của một ngư dân sống ở vùng làng chài.
Thuở nhỏ, Lâm Mặc Nương được coi là đứa trẻ trầm tính và hiếu học, chỉ tập trung nghiên cứu về tôn giáo. Đến năm 11 tuổi, bà đã thông thạo các tài liệu về Khổng Tử và các kinh điển chính của Phật giáo.
Một số truyền thuyết cho rằng bà đã được một nhà sư Phật giáo hoặc một đạo sĩ đến thăm vào năm bà 13 tuổi. Người này đã nhận ra thần tính bên trong bà, đưa cho bà một cuốn sách mà sau đó bà đã sớm học thuộc.
Đến năm 16 tuổi, Lâm Mặc Nương được phác họa là người có khả năng nhìn thấu tương lai, có thể tự mình du hành đến những nơi rất xa. Các nghiên cứu sâu hơn cho phép bà học được khả năng trừ tà, chữa bệnh và cầu mưa.
Trong giai đoạn này, Lâm Mặc Nương được cho là thường mặc váy đỏ, đứng ở vùng ven biển Phúc Kiến, chỉ dẫn cho tàu thuyền di chuyển ngay cả trong thời tiết xấu.
Một trong những truyền thuyết nổi tiếng nhất của Lâm Mặc Nương là việc bà đã cứu gia đình mình khỏi tai họa trong một cơn bão.
Khi đó, bà đang ở nhà dệt vải, nhưng cảm nhận được cha và các anh trai gặp nguy hiểm trên biển nên đã xuất hiện kịp thời, cứu gia đình khỏi cảnh chết đuối.
Nữ thần được tưởng nhớ là người có thể giúp bảo đảm một chuyến ra khơi bình an.
Hầu hết các câu chuyện truyền miệng trong dân gian đều kể rằng bà qua đời năm 28 tuổi, khi đang thiền định. Nhiều người nói rằng có ánh sáng rực rỡ xuất hiện ở thời điểm bà qua đời và trở thành nữ thần.
Sau khi bà mất, dân làng nhớ ơn, suy tôn là "Thông hiền linh nữ" và lập đền thờ. Triều đình nhà Tống sắc phong cho bà là "Thần nữ". Bà trở thành "Thiên hậu Thánh mẫu" vào thời kỳ hoàng đế Khang Hy của nhà Thanh.
Lời giải thích theo góc nhìn hiện đại
Theo trang mạng Mythology Source, Ma Tổ có thể là một pháp sư sinh ra ở Phúc Kiến, trong giai đoạn người Hán di cư và tín ngưỡng Trung Hoa bắt đầu ảnh hưởng đáng kể đến văn hóa địa phương.
Đền thờ Ma Tổ ở Singapore.
Pháp sư truyền thống ở Phúc Kiến vào thời kỳ đó đã chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng Phật giáo và Đạo giáo. Cho tới thế kỷ 12, câu chuyện về Ma Tổ được chia sẻ rộng rãi ở Trung Hoa.
Những truyền thuyết về Ma Tổ là kết quả của sự đan xen giữa các tín ngưỡng trong Đạo giáo, Phật giáo và cả Nho giáo.
Các truyền thuyết khác nhau về Ma Tổ cho thấy sự kết hợp tín ngưỡng này. Bà được cho là đã nghiên cứu và thông thạo các văn bản của cả Đạo giáo, Phật giáo và cả Nho giáo.
Các chi tiết của câu chuyện, chẳng hạn như chuyến thăm của đạo sĩ hay nhà sư chỉ là cách gọi dựa theo việc các nhân vật đó là người của tôn giáo nào.
Ma Tổ còn được người Hồi giáo ở Trung Hoa thờ phụng. Đô đốc Trịnh Hòa là người theo đạo Hồi, tin rằng Ma Tổ đã giúp bảo vệ mình trong những chuyến thám hiểm đại dương vào đầu thế kỷ 15, nên từng đề nghị hoàng đế Minh Thành Tổ xây cung điện để cảm tạ bà ở Nam Kinh.
Trải qua thời gian, niềm tin về Ma Tổ lan rộng đến mức bà được cho là không chỉ bảo trợ cho những người đi biển mà còn cả phụ nữ khi sinh nở, ngăn chặn cả lũ lụt và hạn hán, đồng thời là người chữa lành bệnh tật.
Ngày giỗ nữ thần Ma Tổ được ấn định vào 9 tháng 9 âm lịch.
Do là nữ thần bảo trợ người đi biển, Ma Tổ thường là một trong những vị thần đầu tiên được người Trung Hoa thờ phụng khi họ di cư ra nước ngoài. Điều này đã góp phần lan rộng sự sùng bái Ma Tổ trên khắp thế giới.
Ngày nay, người gốc Hoa trên khắp thế giới vẫn luôn thờ phụng Ma Tổ. Một số tàu thuyền Trung Quốc khi ra khơi vẫn thờ Ma Tổ hoặc mang theo hình nộm của bà để tin rằng chuyến ra khơi sẽ thành công tốt đẹp.
Ma Tổ là một trong những vị thần có số lượng đền thờ nhiều nhất. Ở Đài Loan, người dân sống trên đảo thường coi mình là người gốc Phúc Kiến và trên đảo có hàng ngàn đền thờ Ma Tổ.
Khoảng 500 đền thờ bà nằm rải rác trên khắp thế giới. Ngôi đền Trung Quốc lớn nhất ở Úc thờ Ma Tổ, trong khi cũng có những ngôi đền thờ bà ở Mỹ và Nhật Bản.
Ngày nay, Thiên Hậu Thánh mẫu là một trong những vị thần được thờ cúng rộng rãi nhất ngoài Trung Hoa, bên cạnh Võ Thánh Quan Vũ, Bắc Đế hay Quan Âm.
___________________________
Một trong những vị tiên nữ được biết đến nhiều nhất trong thần thoại Trung Hoa là Hằng Nga, người cai quản cung trăng. Điều gì khiến Hằng Nga chấp nhận cả đời sống ở một nơi cách xa trần thế? Vì sao người Trung Quốc hàng năm đón Tết Trung thu để tưởng nhớ Hằng Nga? Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ 4 xuất bản 19h ngày 23/1.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp