Thời gian qua, rất nhiều chủ phương tiện khi bị lập biên bản xử lý vi phạm về nồng độ cồn đã bỏ luôn phương tiện. Một trong những nguyên do là mức phạt cao hơn giá trị của phương tiện. Nhiều ý kiến cho rằng những hành vi như vậy xuất phát từ sự coi thường pháp luật của một bộ phận người dân.
Trao đổi xoay quanh vấn đề này với Lao Động, luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, khi bị lập biên bản tạm giữ xe do vi phạm nồng độ cồn, không phải cứ bỏ luôn xe là hết trách nhiệm.
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt thì tổ chức, cá nhân có thể phải nộp thêm tiền phạt nộp chậm và bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Về các biện pháp cưỡng chế gồm:
- Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm.
- Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá.
- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.
Theo quy định, hiện mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đã ở mức rất cao. Quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ lại không có quy định về việc xử lý đối với trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn bỏ xe, không ký vào biên bản vi phạm.
Tuy nhiên, những cá nhân, tổ chức điều khiển phương tiện mà vi phạm nồng độ cồn bỏ xe, không ký vào biên bản vi phạm có thể sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, việc bỏ phương tiện lại, trốn tránh ký vào biên bản xử phạt thì việc xử phạt vẫn có hiệu lực và cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trường hợp bên vi phạm cố tình không ký thì vẫn có giá trị nếu được làm chứng của chính quyền địa phương hay nhân chứng tại thời điểm đó. Trường hợp không có chữ ký của những người này, biên bản vẫn được lập và ghi rõ lý do.
Trúc Chi (t/h)