Vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán có thể bị phạt tới 2,5 tỷ đồng

Đặng Ngọc Thuỷ

Đặng Ngọc Thuỷ

Thứ 4, 09/07/2025 12:04

Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hồ sơ dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156, trong đó có đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Phạt 176 tỷ đồng liên quan đến chứng khoán trong 4 năm qua

Theo Bộ Tài Chính, Nghị định số 156/2020 và Nghị định số 128/2021 đã đóng vai trò quan trọng trong việc xử phạt các hành vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Kể từ thời điểm Nghị định số 156 có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021) và Nghị định số 128/2021 có hiệu lực thi hành (1/1/2022) đến nay, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước (CKNN) đã ban hành tổng cộng 2.142 quyết định với tổng số tiền phạt hơn 176 tỷ đồng.

Đến nay, các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các văn bản pháp luật chứng khoán mới ban hành hoặc chuẩn bị ban hành làm thay đổi quyền, nghĩa vụ, bổ sung các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm mới của tổ chức, cá nhân trong các hoạt động chứng khoán... Do vậy, cần thiết rà soát để sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm và chế tài xử phạt phù hợp.

Vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán có thể bị phạt tới 2,5 tỷ đồng- Ảnh 1.

Dự thảo của Bộ Tài chính tập trung việc sửa đổi, bổ sung các hành vi và chế tài xử phạt vi phạm hành chính (Ảnh minh hoạ).

Trong đó, dự thảo tập trung việc sửa đổi, bổ sung các hành vi và chế tài xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo thực thi các nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật Chứng khoán, các văn bản pháp luật về chứng khoán mới ban hành. Bổ sung hành vi vi phạm về quản trị công ty đại chúng, trách nhiệm của công ty chứng khoán trong cung cấp dịch vụ...

Dự thảo cũng bổ sung một số quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn xử phạt thời gian qua như sửa đổi, bổ sung giải thích từ ngữ, sửa đổi về nguyên tắc xử phạt và xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân thực hiện vi phạm hành chính nhiều lần.

Đồng thời sắp xếp lại một số hành vi vi phạm về bản chất là cùng hành vi nhưng do mức độ vi phạm nên có các khung phạt khác nhau (vi phạm về thời hạn báo cáo khi giao dịch của người nội bộ và người có liên quan, vi phạm về thời hạn công bố thông tin, vi phạm về thời hạn báo cáo, vi phạm về thời hạn đăng ký, đăng ký giao dịch trái phiếu doanh nghiệp).

Bên cạnh đó, bổ sung một số điểm để đảm bảo tính tính phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật như: sửa biện pháp buộc quản lý tách biệt tài sản của thành viên bù trừ với tài sản của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) để thống nhất với quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 về trách nhiệm của VSDC (chỉ quản lý tách biệt tài sản); sửa đổi một số hành vi vi phạm về hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để phù hợp hơn với quy định có liên quan.

Mức phạt mới lên tới 2,5 tỷ đồng

Một trong những điểm quan trọng khác của dự thảo là nâng chế tài xử phạt. Cụ thể, tăng mức phạt tiền đối với các vi phạm có rủi ro ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức kinh doanh chứng khoán hoặc quyền lợi của nhà đầu tư như: vi phạm về chào bán riêng lẻ, vi phạm về giao dịch ký quỹ, vi phạm của người hành nghề chứng khoán.

Nâng mức phạt, bổ sung chế tài đối với vi phạm về giấy phép kinh doanh chứng khoán, hoạt động kinh doanh, dịch vụ phải báo cáo, chấp thuận trước khi thực hiện nhằm tăng tính răn đe, đảm bảo quản lý các hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ cần có sự chấp thuận, cấp phép của Uỷ ban CKNN.

Đối với hình thức xử phạt bổ sung, dự thảo cũng tăng thời hạn đình chỉ giao dịch có thời hạn đối với một số hành vi nhất định như hành vi cho mượn tài khoản dẫn đến thao túng (thời hạn đình chỉ lên mức tối đa trong xử phạt hành chính), hành vi vi phạm về báo cáo khi giao dịch vi phạm của cổ đông lớn, của người nội bộ, người có liên quan có khối lượng lớn, (thời hạn đình chỉ đến mức tối đa đối với vi phạm có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên).

Dự thảo bổ sung hình thức xử phạt có tính chất nghiêm khắc, răn đe cao hơn là đình chỉ hoạt động nghiệp vụ môi giới chứng khoán có thời hạn đối với hành vi mang tính lạm dụng tài sản của khách hàng như cho mượn tiền, chứng khoán trên tài khoản của khách hàng, sử dụng chứng khoán của khách hàng để cầm cố, trường hợp tái phạm đối với vi phạm hoạt động kinh doanh, cung cấp các dịch vụ chưa báo cáo, chưa có ý kiến bằng văn bản Uỷ ban CKNN…

Bộ Tài Chính cũng đề xuất tách hành vi vi phạm về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành Mục riêng để quy định hành vi và chế tài xử phạt phù hợp với nghĩa vụ, tính chất, mức độ vi phạm do trái phiếu riêng lẻ có đặc điểm, quy định khác với cổ phiếu riêng lẻ, chứng khoán ra công chúng, việc cung cấp dịch vụ về trái phiếu riêng lẻ cũng có quy định khác với quy định về cung cấp dịch vụ chứng khoán theo Luật Chứng khoán. Bổ sung các hành vi cụ thể về vi phạm trong hoạt động chào bán, công bố thông tin, đăng ký giao dịch, cung cấp dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cụ thể, về mức phạt, Điều 8a dự thảo Nghị định quy định về mức phạt tiền do "Vi phạm quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của công ty không phải công ty đại chúng, trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu không kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán" như sau:

Mức thấp nhất từ 50 - 70 triệu đồng đối với hành vi thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu khi chưa được phê duyệt, chấp thuận hoặc thực hiện mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu không đúng với phương án đã được phê duyệt, chấp thuận.

Phạt từ 200 - 300 triệu đồng đối với hành vi sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán trái phiếu không đúng với phương án đã được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị công ty hoặc Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty hoặc Chủ sở hữu công ty thông qua hoặc nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư hoặc được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc không đúng quy định pháp luật.

Phạt tiền từ 300 - 400 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Chào bán trái phiếu khi chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật; Lập, xác nhận hồ sơ chào bán trái phiếu có thông tin không chính xác, không trung thực…

Trong khi đó, mức phạt tiền cao nhất dự thảo xây dựng lên đến 2 - 2,5 tỷ đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ, xác nhận trên giấy tờ giả mạo chứng minh đủ điều kiện chào bán trái phiếu.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.