Chân dung Sa hoàng Ivan IV của Nga (tranh : Rbth)
Năm 1530, Ivan Vasilyevich (Ivan IV hay Ivan Bạo chúa) ra đời. Ông là con trai của thân vương Đại công quốc Moscow Vasily III và được thừa kế tước hiệu khi chỉ mới 3 tuổi (do Vasily III mất sớm). Khi Ivan 8 tuổi, mẹ ông qua đời. Ngôi vị thân vương của Ivan bị lung lay dữ dội do các nhóm quý tộc muốn lật đổ ông. Là một người thông minh, Ivan biết cách nhẫn nhịn để chờ thời cơ, theo Warfare History.
Năm 1547, nhận được sự ủng hộ của các tướng lĩnh trung thành, Ivan (16 tuổi) tuyên bố trở thành Sa hoàng. Tên gọi nước Nga Sa quốc cũng được cho là xuất hiện vào khoảng thời gian này.
Sau khi lên ngôi, Sa hoàng Ivan bắt đầu thực hiện cải cách và hiện đại hóa đất nước. Ông thành lập quân đội thường trực của Nga và đội cận vệ Oprichniki. Oprichniki hoạt động như lực lượng cảnh sát, có nhiệm vụ điều tra và trừng phạt những kẻ chống đối nhà vua, chủ yếu là giới quý tộc.
Ivan đã bắt giam và hành quyết nhiều quý tộc nhũng nhiễu, tịch thu tài sản của họ để phát triển kinh tế vùng nông thôn. Chính sách của Sa hoàng Ivan được nhiều nông dân ủng hộ, nhưng cũng có người chỉ trích ông là kẻ tàn bạo.
Sa hoàng Ivan trừng phạt những kẻ chống đối (tranh : Rbth)
Mặc dù tự xưng là Sa hoàng (tước vị ngang hàng với hoàng đế của các đế chế lớn ở châu Âu), nhưng khi mới lên ngôi, Ivan chỉ quản lý 2 vùng là Moscow và Novgorod. Ông quyết tâm mở rộng đất đai nước Nga bằng cách chinh phục các công quốc xung quanh. Ivan thậm chỉ còn muốn mở rộng lãnh thổ Nga xuống tới vùng biển phía tây nam, phía nam châu Âu.
Theo Russia Beyond, trước khi Ivan IV lên ngôi, Hãn quốc Kim Trướng, kẻ thù lớn nhất của Nga ở châu Âu đã xảy ra nội chiến và tan rã thành nhiều Hãn quốc nhỏ hơn như Qasim, Kazan, Astrakhan, Uzbek, Krym… Sa hoàng Ivan muốn đánh bại các Hãn quốc đối thủ này và sáp nhập họ vào Nga. Mục tiêu đầu tiên Ivan nhắm đến là Hãn quốc Kazan (nằm ở phía nam Moscow ngày nay).
Tháng 6/1552, Ivan dẫn lực lực hùng hậu với khoảng 150.000 người tiến vào Kazan. Đến tháng 8, quân Nga đã bao vây kinh đô Kazan của Hãn quốc Kazan và tấn công dữ dội bằng đại bác. Quân đội Nga có lợi thế hoàn toàn trong cuộc chiến này. Họ phá hủy tường thành sau khi bao vây và chặn nguồn nước từ những con sông chảy vào thành phố.
Đến tháng 10/1552, quân Nga đã chiếm được Kazan. Biên niên sử Kazan ghi chép rằng hàng chục nghìn người đã bị sát hại khi Sa hoàng Ivan dẫn quân vào thành phố. Nhiều tù nhân và nô lệ Nga được trả tự do. Ivan kỷ niệm chiến thắng của ông bằng cách xây dựng nhiều nhà thờ Chính thống giáo ở Kazan (đa số người Kazan bấy giờ theo đạo Hồi). Tuy nhiên, Ivan được cho là không bức ép người Kazan nào phải cải đạo. Ông chấp nhận tự do tôn giáo để mở rộng đế chế của mình.
Sa hoàng Ivan chinh phục Hãn quốc Kazan (tranh: Thecollector)
Ngày nay, Kazan là thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan (thuộc Nga).
Sau khi chiếm được Kazan, Sa hoàng Ivan bắt đầu để mắt tới Hãn quốc Astrakhan – vùng đất rộng lớn ở khu vực cửa sông Volga ngày nay. Nổi giận trước liên minh quân sự giữa Astrakhan và Hãn quốc Krym, từ năm 1554 – 1556, Ivan ra lệnh cho quân đội liên tục tấn công Astrakhan. Astrakhan nhanh chóng bị khuất phục. Năm 1558, Ivan cho xây dựng pháo đài Astrakhan để kỷ niệm chiến thắng trước Hãn quốc này. Ngày nay, Astrakhan cũng là một thành phố lớn của Nga.
Theo History UK, sau khi liên tiếp chinh phục 2 Hãn quốc lớn, Ivan đã đưa Nga (một nước thành lập khá muộn) trở thành đế chế lớn mạnh ở châu Âu. Danh tiếng cũng như lời đồn thổi về sự tàn bạo của Sa hoàng Ivan cũng vang xa. Biệt hiệu Ivan Bạo chúa hay Ivan Nóng nảy được cho là ra đời vào khoảng thời gian này.
Là một phần của đồng bằng châu Âu rộng lớn, nước Nga dưới thời Sa hoàng Ivan có địa hình khá bằng phẳng. Xung quanh Moscow không có những con sông lớn hay những dãy núi hiểm trở. Đây được cho là điểm yếu khiến Nga dễ bị tấn công từ nhiều hướng cùng lúc.
Quân đội Nga tiến tới Siberia (tranh: Historytoday)
Vào thế kỷ 13, kỵ binh Mông Cổ đã thoải mái tung hoành trên vùng đồng bằng châu Âu và đánh bại Đại công quốc Kievan Rus (tiền thân của nước Nga). Nhằm khắc phục điểm yếu về lãnh thổ bằng phẳng, Sa hoàng Ivan muốn chinh phục những vùng đất hiểm yếu và mở rộng diện tích đế chế của mình. Mục tiêu ông hướng tới là vùng Siberia (phía đông Moscow), sau khi nghe về những tài nguyên phong phú ở đây, đặc biệt là da thú.
Dưới thời Sa hoàng Ivan, quân đội Nga đã từng bước lấn sâu vào Siberia – vùng đất rộng hơn 13 triệu km vuông và chiếm 77% diện tích Nga ngày nay. Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, chính việc chinh phục Siberia đã biến Nga trở thành quốc gia lớn nhất thế giới về mặt địa lý.
Điều thú vị là lực lượng Nga không gặp trở ngại lớn nào trong việc chinh phục Siberia, theo Russia Beyond.
Vladimir Kolosov, chủ tịch Liên minh Địa lý Quốc tế, cho rằng, có 2 lý do chính khiến Nga dễ dàng mở rộng lãnh thổ ở vùng Viễn Đông.
Bản đồ vùng đất chiến lược Livonia mà Sa hoàng Ivan muốn kiểm soát (tranh: History UK)
“Thứ nhất, khu vực rộng lớn và lạnh giá này có mật độ dân cư thưa thớt. Ngày nay, mật độ dân cư ở Siberia chỉ vào khoảng 2 người/km vuông. Vào thế kỷ thứ 17, mật độ dân cư còn thấp hơn. Thứ 2, các bộ tộc ở Siberia không phản đối việc sáp nhập vào Nga”, Russia Beyond dẫn lời ông Kolosov.
“Quân đội của Sa hoàng Ivan không tìm cách đàn áp các bộ tộc địa phương. Họ chỉ quan tâm đến lông thú, mặt hàng có giá trị trong thương mại châu Âu lúc bấy giờ. Các bộ tộc được tự do tiếp tục lối sống của họ, trong khi quân đội Nga bảo đảm an ninh để đổi lấy khoản cống nạp hàng năm bằng da thú. Thỏa thuận này có lợi cho cả 2 bên. Đó là lý do vì sao Nga hầu như không gặp kháng cự khi kiểm soát Siberia”, ông Kolosov nói thêm.
Việc kiểm soát Siberia là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong lịch sử Nga. Tới năm 1645, Nga đã hoàn thành việc chinh phục các vùng đất ở Viễn Đông và vươn lãnh thổ tới Thái Bình Dương.
Trong khi dễ dàng tiến về phía đông, Nga lại gặp khó khăn khi muốn mở rộng lãnh thổ về phía tây và phía nam. Sa hoàng Ivan khao khát giao thương với các nước châu Âu qua các cảng lớn ở vùng biển Baltic, và để làm điều này, Nga phải cạnh tranh với những nước lớn thời bấy giờ như Ba Lan, Thụy Điển, Công quốc Litva.
Bức tranh miêu tả Sa hoàng Ivan sát hại con trai (tranh: Rbth)
Năm 1558, Sa hoàng Ivan phát động chiến tranh nhằm xâm chiếm Livonia (vùng đất giáp biển Baltic thuộc Latvia và Estonia ngày nay). Đối đầu với quân đội Nga là liên quân bao gồm Thụy Điển, Công quốc Litva, Ba Lan và các hiệp sĩ vùng Livonia. Cuộc chiến kéo dài 24 năm đã khiến Nga kiệt quệ về kinh tế và dần suy yếu. Năm 1583, Ivan ra lệnh rút quân mà không thu được lợi ích nào ở Livonia. Một năm sau, Sa hoàng Ivan qua đời, theo Top War.
Trong những năm cuối đời, Sa hoàng Ivan phải hứng chịu một thất bại lớn nữa khi Hãn quốc Krym đem quân tấn công thành phố Moscow. Năm 1571, Krym liên kết với Thổ Nhĩ Kỳ đem 40.000 quân đột kích vào Moscow. Lúc này, quân chủ lực Nga đang bận rộn ở chiến trường Livonia và không rút về kịp.
Khoảng 6.000 quân trấn thủ Moscow nhanh chóng bị đánh bại và liên quân Krym – Thổ Nhĩ Kỳ kéo vào tàn phá Moscow. Trận đại hỏa hoạn năm 1571 ở Moscow ước tính đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người và khiến Nga thiệt hại nặng về kinh tế. Quân Krym sau đó bị đẩy lui.
Tức giận trước thất bại ở Moscow, Sa hoàng Ivan đã ra lệnh xây dựng một phòng tuyến kiên cố bên bờ sông Oka. Ông dự đoán quân Krym sẽ tiếp tục tấn công Moscow. Năm 1572, quân Krym – Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tấn công Moscow nhưng bị đánh bại. Chiến thắng này giúp Sa hoàng Ivan lấy lại danh tiếng.
Một chi tiết thường được dân gian đồn thổi để miêu ta sự tàn bạo của Sa hoàng Ivan là ông đã sát hại người con trai thứ 2 – Ivan Ivanovich (cũng là người con được cho là tài giỏi nhất của Ivan).
Chuyện kể rằng vào năm 1581, trong một cuộc tranh cãi với Ivanovich, Sa hoàng Ivan đã nổi giận và dùng một cây trượng (có tài liệu nói là cây giáo) phóng chết con trai. Vụ việc được cho là ngộ sát và Ivan vô cùng ân hận về hành động của mình. Câu chuyện nổi tiếng trên được danh họa Nga Ilya Repin vẽ lại vào thế kỷ 19, theo Russia Beyond.
Tuy nhiên, khi khai quật lăng mộ của Ivan, người ta phát hiện ông dường như mắc bệnh bại liệt vào những năm cuối đời và việc sát hại con trai có lẽ là điều bất khả thi.
Sa hoàng Ivan được đánh giá là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đối với lịch sử Nga và châu Âu. Ông là người có công mở rộng lãnh thổ Nga và cai trị một trong những đế chế rộng lớn nhất châu Âu vào thế kỷ 16. Sa hoàng Ivan cũng là người đặt nền móng cho Nga từng bước kiểm soát vùng đất rộng lớn Siberia và trở thành quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới như ngày nay.
__________________
Từ một nước Nga bị suy yếu vì sự lũng đoạn của giới quý tộc và bị hai đế quốc lớn trong khu vực chèn ép, một vị sa hoàng đã quyết tâm cải cách, mở mang dân trí theo hướng Âu hóa, đưa đất nước trở nên hùng mạnh. Ông đem quân đánh ngược lại hai đế quốc kia, đưa lãnh thổ Nga vươn dài tới Biển Đen và Biển Baltic. Mời độc giả cùng tìm hiểu về quá trình trỗi dậy này của nước Nga trong bài kỳ sau, đăng sáng 26/12/2022.
Vương Nam – tổng hợp