Bất động sản công nghiệp tăng trưởng
Hết Quý II/2024, thị trường bất động sản công nghiệp đón nhận nhiều thông tin tích cực, khi nguồn cung tăng trưởng và là phân khúc được nhà đầu tư ngoại, doanh nghiệp lớn lựa chọn đầu tư.
Báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services-FERI) cho thấy, bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng của toàn thị trường nói chung.
Theo Dat Xanh Services - FERI, trong nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản công nghiệp (BĐS CN) Việt Nam ghi nhận sự ổn định về nguồn cung, trong khi nhu cầu thuê tăng trưởng đều đặn và giá thuê có xu hướng tăng nhẹ.
Tổng nguồn cung bất động sản công nghiệp tại miền Bắc và miền Nam duy trì ổn định so với quý trước, đạt lần lượt khoảng 14.500 ha và 27.700 ha. Dù không có nhiều biến động so với cuối năm 2023, thị trường vẫn chứng kiến sự phát triển của các dự án mới tại nhiều địa phương, thể hiện sự quan tâm và đầu tư ngày càng tăng vào lĩnh vực này.
Thông tin với Người Đưa Tin, Tiến sĩ Phạm Anh Khôi, Viện trưởng Viện nghiên cứu Dat Xanh Services cho hay: "Nguồn vốn FDI 'đổ' vào lĩnh vực công nghiệp đang cao, trong đó tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo… điều này đang thúc đẩy nhu cầu sử dụng đất công nghiệp và mở rộng các khu vực để phục vụ nhu cầu".
Một đơn vị nghiên cứu thị trường khác là Công ty TNHH CBRE Việt Nam (CBRE) cũng cho thấy thị trường bất động sản công nghiệp trong nửa đầu năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo CBRE thị trường bất động sản khu công nghiệp phát triển mạnh khi các hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 15,7% so với cùng kì năm trước đạt 368,53 tỷ USD.
Đối với thị trường đất công nghiệp, giá đất công nghiệp tại các thị trường (TT) cấp 1 miền Bắc tăng nhẹ 0,3% so với quý trước và 4,5% so với cùng kỳ, đạt ngưỡng trung bình 134 USD/m2/kỳ hạn còn lại.
Đối với khu vực phía Nam, giá đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 miền Nam giữ mức 173 USD/m2/kỳ hạn còn lại, ổn định so với quý trước và tăng 1,0% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE nhận định: "Trong 6 tháng đầu năm 2024, tại thị trường miền Nam, tỉ lệ lấp đầy ổn định ở mức 89% và diện tích hấp thụ đạt hơn 259 ha trong sáu tháng đầu năm 2024. Nhận định hiện nay cho thấy, các nhà sản xuất, doanh nghiệp đang mở rộng ra các thị trường các tỉnh tiềm năng như Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu vì đây là các địa điểm có quỹ đất và hạ tầng giao thông lý tưởng cộng với giá thành thuê, xây dựng phát triển cạnh tranh hơn".
Kỳ vọng bất động sản công nghiệp những tháng cuối năm
Có thể nhận thấy, hiện nay hàng loạt các chủ đầu tư đang mạnh tay "rót tiền" vào phân khúc bất động sản công nghiệp, đây là một trong những điểm đáng chú ý nhất của thị trường bất động sản nói chung trong đầu năm 2024 và mang theo nhiều kỳ vọng cuối năm 2024.
Các loại hình bất động sản công nghiệp cũng đang dần được đa dạng hóa khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư từ nhiều ngành nghề khác nhau gia nhập thị trường, đặc biệt là các ngành có giá trị cao thay vì chỉ các ngành sản xuất truyền thống.
Đặc biệt, theo nhận định của các chuyên gia, vùng kinh tế Đông Nam bộ hiện nay đang làm tâm điểm cho việc phát triển bất động sản công nghiệp. Đơn cử, đây là khu vực các tỉnh nối liền như thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu.
Các nhà đầu tư cũng bắt đầu mở rộng địa bàn quanh trục vệ tinh thành phố Hồ Chí Minh bởi hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông và việc kết nối vùng ngày càng nhanh chóng và dễ dàng hơn trước. Cộng với những cơ chế, chính sách của nhiều tỉnh thành đang được đẩy mạnh nhằm thu hút các "đại bàng" về lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao.
Thực tế, bất động sản công nghiệp là phân khúc thu hút các ông lớn nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào Việt Nam. Đơn cử, tại Bình Dương, Tập đoàn Pandora (Đan Mạch) khởi công nhà máy trang sức trị giá 150 triệu USD tại khu công nghiệp VSIP III vào giữa tháng 5 vừa qua; hay nhà máy Suntory Pepsico được đầu tư tại tỉnh Long An.
Báo cáo từ CBRE, thị trường nhà kho xây sẵn tại miền Nam không có nguồn cung mới trong sáu tháng đầu năm 2024, tỉ lệ lấp đầy tăng nhờ các giao dịch lớn ghi nhận tại các dự án ở thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An.
Ngược lại, thị trường nhà xưởng xây sẵn có những diễn biến sôi động khi các dự án quy mô lớn với tổng diện tích hơn 371.000 m2 tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai đi vào hoạt động trong sáu tháng đầu năm nay.
Về giá thuê trung bình, giá thuê kho xưởng xây sẵn tại thị trường miền Nam vẫn giữ mức ổn định so với quý trước lần lượt đạt 4,5 và 4,9 USD/m2/tháng, với mức độ tăng trưởng đạt 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái đối với nhà kho và 1,0% đối với nhà xưởng.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao Chi nhánh CBRE Việt Nam tại Hà Nội, cho rằng: "Với việc hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ như hiện nay và trong thời gian tới thì thị trường BĐS công nghiệp đang lan ra những khu vực, sự mở rộng của các chủ đầu tư hiện hữu hay gia nhập thị trường của các chủ đầu tư mới khiến cho bức tranh bất động sản công nghiệp thời gian tới càng trở nên sôi động".
Theo vị đại diện của CBRE thì trong 3 năm tới, giá thuê đất công nghiệp dự kiến tăng 5-8%/năm ở miền Bắc và tăng 3-7%/năm ở miền Nam. Trong khi đó, giá thuê của nhà kho/nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tăng nhẹ từ 1- 4%/năm với phân khúc xưởng xây sẵn sẽ có tốc độ tăng giá cao hơn trong ba năm tới.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng
Tính đến ngày 20/6/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt hơn 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, có 1.538 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 18,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 9,54 tỷ USD (tăng 46,9% so với cùng kỳ); Có 592 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm 6,3% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 3,95 tỷ USD (tăng 35% so với cùng kỳ); có 1.420 giao dịch GVMCP của nhà ĐTNN (giảm 10,9% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 1,7 tỷ USD (giảm 57,7% so với cùng kỳ).
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 10,69 tỷ USD, chiếm 70,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,47 tỷ USD, chiếm gần 16,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 61,5% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn gần 614 triệu USD và hơn 452 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
(Số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Công bố)